Sau 40 năm kết thúc chiến tranh, cỏ cây trên dãy biên cương phía Bắc đã xanh trở lại và mối bang giao Việt - Trung đã nồng ấm hơn bằng những chỉ số thương mại hai chiều. Thế nhưng người Việt Nam vẫn không quên sự kiện ngày 17-2-1979, chiến tranh xâm lược do nhà cầm quyền Trung Quốc lúc bấy giờ phát động đã nổ ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Sau 40 năm kết thúc chiến tranh, cỏ cây trên dãy biên cương phía Bắc đã xanh trở lại và mối bang giao Việt - Trung đã nồng ấm hơn bằng những chỉ số thương mại hai chiều. Thế nhưng người Việt Nam vẫn không quên sự kiện ngày 17-2-1979, chiến tranh xâm lược do nhà cầm quyền Trung Quốc lúc bấy giờ phát động đã nổ ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Đây là một vết rạn trong mối quan hệ Việt - Trung, mà không do chúng ta gây ra. Bởi vừa ra khỏi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Việt Nam lại bước vào một cuộc chiến tranh bắt buộc ở biên giới Tây Nam, để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của mình trước các cuộc tấn công của tập đoàn Pol Pot và tiến hành giúp nước bạn, cứu dân tộc Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng, nên không thể có cái gọi là “1.100 lần tấn công khiêu khích Trung Quốc” như họ đã nói. Còn cái gọi là “phản kích tự vệ”, thực chất là một cuộc chiến tranh xâm lược tổng lực với 600 ngàn quân đánh trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Lai Châu đến Quảng Ninh dài 1.350 km.
Bản chất sâu xa hành động xâm lược của chính quyền Bắc Kinh hồi ấy là nhằm lên dây cót tinh thần cho đám tàn quân Pol Pot đã bị quân đội cách mạng Campuchia với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam đã loại chúng ra khỏi thủ đô Phnom Penh. Lúc ấy, họ tuyên bố sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học”, khi nghĩ rằng Việt Nam đã “kiệt sức” sau chiến tranh lại bị “mắc kẹt” ở Campuchia, và nhất là được sự ủng hộ của một cường quốc vừa thua trận ở Việt Nam nên quân của các tướng Dương Đắc Chí và Hứa Thế Hữu tưởng vào đất Việt Nam như chỗ không người. Nhưng không như họ tưởng, ngay từ đầu đạo quân xâm lược đã bị lực lượng vũ trang địa phương kháng cự quyết liệt.
Đến khi các quân đoàn chủ lực thiện chiến, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, bằng tinh thần “thần tốc” của Quang Trung Nguyễn Huệ, có mặt ở biên giới phía Bắc giáp trận thì đối phương mới kinh hoàng trước những người lính đã từng làm cho các sư đoàn “Anh cả đỏ”, “Tia chớp nhiệt đới”… của Hoa Kỳ khiếp vía.
Không như tướng Túc Dụ từng tuyên bố: chỉ cần dùng một phần quân của 2 quân khu Quảng Châu và Côn Minh, chỉ trong vòng một tuần lễ, quân của họ có thể tiến tới Hà Nội. Ấy mà với 10 sư đoàn, bằng quân số cộng lại của 2 quân khu kể trên, họ phải mất 16 ngày mới chiếm được TX.Lạng Sơn, chỉ cách biên giới 15km. Cuối cùng, họ phải tuyên bố rút quân sau khi tàn phá sạch sẽ các bản làng, thị trấn và các thị xã: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai mà họ đã chiếm được trước đó.
Sau khi rút quân, trong hội nghị quân chính toàn quân, ông Đặng Tiểu Bình đã gay gắt chỉ trích các nhà cầm quân: “Đánh lần này, vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là 5 đánh 1,6; chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng gấp mấy lần, thậm chí 6 đánh 1,7, đánh 1… nhưng thương vong của chúng ta cao gấp 4 lần Việt Nam. Thần thoại của chúng ta đã bị hủy diệt”.
Thực tế, chiến trường và sự thừa nhận thất bại của lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ đã phản ánh tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của dân tộc Việt Nam, được thể hiện bằng lòng yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu kiên cường của Quân đội nhân dân Việt Nam và đồng bào các dân tộc vùng biên cương phía Bắc. Đó là một thực tế khách quan của lịch sử đương đại mà thế giới đã ghi nhận như một cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba, dù nó diễn ra rất ngắn nhưng hết sức khốc liệt.
Cuộc chiến tranh nào rồi cũng qua đi, những trang mới lại bắt đầu và Việt Nam vốn là một dân tộc yêu hòa bình nên cũng như Cộng hòa Pháp, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng vậy, người Việt Nam sẵn sàng chìa bàn tay hữu nghị để nhìn về phía trước. Đó là văn hóa Việt Nam, tâm hồn và trí tuệ Việt Nam ứng xử trong quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc gia trên thế giới, dù trước đó đã từng là thù địch.
Sau gần 30 năm bình thường hóa quan hệ hữu nghị Việt - Trung, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt mức 100 tỷ USD vào năm 2018, là dấu ấn tốt đẹp sau khi bình thường hóa. Đây là cơ sở kinh tế quan trọng, là động lực để 2 bên tiếp tục phát triển các mối quan hệ.
Dù vậy, lịch sử vẫn là lịch sử. Sự kiện ngày 17-2-1979 là một sự kiện lịch sử phải được nhắc nhớ, để con cháu hôm nay và mai sau hiểu biết đầy đủ về lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là trách nhiệm của thế hệ hôm nay trước hậu thế và lịch sử.
Nguyên Cách