Những ngày gần đây, khi nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu, tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm chấm dứt Thế chiến thứ nhất, thì tại Cộng hòa Áo (Austria), một cuộc tranh luận không có hồi kết từ nhiều năm nay lại tái diễn.
Những ngày gần đây, khi nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu, tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm chấm dứt Thế chiến thứ nhất, thì tại Cộng hòa Áo (Austria), một cuộc tranh luận không có hồi kết từ nhiều năm nay lại tái diễn.
Cách đây 80 năm, vào đầu năm 1938, phe thân với nước Đức Quốc xã ở Áo âm mưu lật đổ chính phủ Áo bằng vũ lực và sáp nhập Áo vào nước Đức phát xít. Thủ tướng Áo lúc đó là ông Kurt von Schuschnigg đã gặp Thủ tướng Đức Adolf Hitler với hy vọng giữ được nền độc lập cho đất nước. Nhưng hy vọng này bất thành, Schuschnigg bị Hitler gây áp lực phải từ chức vào ngày 11-3-1938. Trong diễn văn từ chức, Thủ tướng Kurt von Schuschnigg “cầu xin” các lực lượng tại Áo không phản kháng “bước tiến” của người Đức. Ngay hôm sau, ngày 12-3-1938, Adolf Hitler ra lệnh cho hơn 200 ngàn binh lính, sĩ quan Đức Quốc xã tiến vào Áo và chiếm đất nước này chỉ trong vòng 1 ngày, hầu như không gặp sự phản kháng nào. Từ đó, Áo trở thành quốc gia thuộc Đức, cho đến khi kết thúc Thế chiến thứ 2 năm 1945 nước Áo độc lập mới được tái lập.
So với các nước khác như: Anh, Pháp, Ba Lan, Nga… nước Áo hầu như được giữ nguyên vẹn trong Thế chiến thứ 2 do chiến tranh không diễn ra trên đất nước này. Và đây chính là nguyên nhân của cuộc tranh luận không dứt của dân Áo. Một bộ phận cho rằng đây là quyết định đúng đắn để đất nước không bị tàn phá, các tác phẩm nghệ thuật, công trình văn hóa không bị hủy hoại, cướp đoạt. Quả thật, nước Áo vẫn giữ nguyên vẹn được các công trình lâu đời, những tòa lâu đài tuyệt đẹp thuộc về di sản văn hóa thế giới, trong đó có nhà hàng Stiftskeller S.Peter xây dựng vào năm 803 là nhà hàng cổ nhất thế giới; viên ngọc bích lớn nhất thế giới 2.860 carat trong Bộ sưu tập Hoàng gia vẫn được giữ nguyên ở Bảo tàng Hofburg của thủ đô Vienna; vườn thú Tiergarten ra đời năm 1795 vẫn là vườn thú lâu đời nhất…
Nhưng một bộ phận khác lại cho rằng sự đầu hàng nhanh chóng và sáp nhập vào Đức Quốc xã là nỗi xấu hổ đến nay sau 80 năm vẫn không thể nào quên được bởi lịch sử đã ghi chép rành rành. Ai đúng, ai sai? Cuộc tranh luận cứ thế diễn ra bất tận.
Vậy, điều gì được rút ra từ cuộc tranh luận ấy? Đơn giản, đó là một sự việc cần được nhìn nhận, đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau. Người Áo tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề, sử dụng tất cả các cơ sở liên quan đến vấn đề để lập luận nhằm tìm ra những kết luận, nhận định cốt lõi. Hoàn toàn không có chuyện tấn công vào cá nhân hay nhóm người đang tranh luận và có ý kiến khác mình.
Câu chuyện tranh luận nói trên là điều rất đáng suy ngẫm. Ở đó, văn hóa tranh luận được thể hiện. Đó là cần có sự tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng về tư tưởng, tôn trọng những người tham gia vào cuộc tranh luận, tôn trọng sự không đồng nhất về quan điểm cũng như không triệt tiêu những quan điểm khác biệt.
Bản chất của tranh luận là sự tự vấn, tự đấu tranh với các tri thức của bản thân để tìm ra những tri thức mới, hoặc hoàn thiện tri thức của chính mình. Thế nhưng hiện nay nhiều cuộc tranh luận, nhất là trên mạng xã hội, đã biến thành những cuộc “ẩu đả” về từ ngữ, xúc phạm, miệt thị lẫn nhau trong khi vấn đề chính vẫn không được bàn tới hoặc không tìm ra được phương cách giải quyết, cũng như không rút ra được bài học hoặc tri thức đúng đắn.
Cho nên, rất cần văn hóa tranh luận.
Ong mật