Thời điểm diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông dân, nông nghiệp, nông thôn, cũng là thời điểm đánh dấu 100% số xã của Đồng Nai hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Thời điểm diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông dân, nông nghiệp, nông thôn, cũng là thời điểm đánh dấu 100% số xã của Đồng Nai hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Có thể thấy, sự đầu tư vào nông nghiệp của Đồng Nai là rất quyết liệt, đem lại nhiều thành quả lớn, trong đó có việc Đồng Nai đã trở thành “thủ phủ“ chăn nuôi của cả nước với tổng đàn heo, gà lớn nhất so với các tỉnh, thành khác.
Chăn nuôi đã đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm giàu cho nông dân, và cho đến giờ phút này có lẽ phải nhìn nhận chăn nuôi như một ngành công nghiệp chứ không đơn thuần là nông nghiệp nữa, bởi quy mô, năng suất và cách tổ chức đã trở nên hết sức chuyên nghiệp.
Song trái ngược với điều này, một thực tế đáng buồn là rất nhiều trang trại chăn nuôi vẫn chưa chuyên nghiệp trong xử lý các vấn đề môi trường trong quá trình vận hành công việc làm ăn của mình. Khá nhiều vụ việc các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm sông suối, nguồn nước, mùi hôi bốc lên nồng nặc làm cả vùng không khí vốn trong lành trở nên “khó thở”, đến mức người dân xung quanh phải kêu cứu chính quyền. Dân kêu, chính quyền kiểm tra, xử phạt, song sau đó đâu lại vào đấy.
Trong khi đó, làn sóng tìm đất đầu tư trang trại vẫn đang lan nhanh bởi giá heo, giá gà trong vài năm qua đem lại tỷ lệ lợi nhuận khá cao cho người nuôi. Quản lý khó, hệ lụy nhiều nên nhiều lãnh đạo địa phương ngán ngẩm, không hào hứng gì trong cấp phép trang trại chăn nuôi, thậm chí 2 huyện Xuân Lộc, Thống Nhất phải đề xuất cấp trên có giải pháp hạn chế ngành chăn nuôi bởi sự ảnh hưởng đến môi trường của hàng loạt trang trại quy mô lớn đôi khi đã vượt ngoài khả năng kiểm soát của địa phương.
Sẽ rất khó cho chính quyền khi nói lời từ chối một nhà đầu tư dự án chăn nuôi quy mô lớn đáp ứng đầy đủ các quy định về pháp lý, bởi đây là điều mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, cũng sẽ rất khó cho công tác quản lý của địa phương, khó cho người dân, khó cho môi trường sinh thái… nếu trên địa bàn có quá nhiều dự án chăn nuôi, kể cả khi các dự án đầu tư đúng luật.
Có lẽ câu trả lời cho vấn đề này là thay vì hạn chế đầu tư bằng các biện pháp hành chính cứng nhắc, thì các cơ quan chức năng và địa phương cần quản lý nghiêm túc, siết chặt các quy định về xử lý môi trường đối với các trang trại chăn nuôi. Quy định đã có, song công tác kiểm tra, kiểm soát chưa nghiêm và đây có lẽ là mắt xích yếu nhất của vấn đề. Nếu thực sự quản lý nghiêm thì số lượng trang trại chăn nuôi nhiều hay ít không còn là vấn đề nghiêm trọng nữa, bởi quy định yêu cầu trang trại chăn nuôi phải xử lý chất thải, nước thải, mùi hôi theo quy trình khép kín và hoàn toàn không tác động tiêu cực đến môi trường.
Vậy nên, thay vì cấm cản hay hạn chế, hãy tìm cách để buộc các chủ đầu tư phải thực hiện thật nghiêm túc những quy định về bảo vệ môi trường, tương tự như Đồng Nai đã làm với các dự án sản xuất trong khu công nghiệp; chọn lọc và kiểm soát thường xuyên để phát triển nông nghiệp của Đồng Nai từ nay đến tương lai không chỉ là phát triển nhanh, mà còn là phát triển bền vững.
Vi Lâm