Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng nền tảng phát triển thương mại điện tử

Hải Quân
08:20, 25/11/2024

Trong vài năm gần đây, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) ở Đồng Nai ngày càng được mở rộng. Sự đa dạng về mô hình, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số.

Đồ họa thể hiện tỷ lệ lao động chuyên trách về thương mại điện tử trong các doanh nghiệp theo kết quả điều tra, khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh năm 2022 vừa được Sở Công thương và Cục Thống kê Đồng Nai công bố. (Thông tin - Đồ họa: Hải Hà)
Đồ họa thể hiện tỷ lệ lao động chuyên trách về thương mại điện tử trong các doanh nghiệp theo kết quả điều tra, khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh năm 2022 vừa được Sở Công thương và Cục Thống kê Đồng Nai công bố. (Thông tin - Đồ họa: Hải Hà)

TMĐT chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng mức bán lẻ hàng hóa. Do đó, địa phương cần có thêm hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số để mở ra cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp khai thác ưu thế của TMĐT.

Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử chiếm 8,15%

Giữa tháng 11 vừa qua, Sở Công thương tổ chức Hội nghị Toàn cảnh TMĐT, công bố kết quả điều tra, khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, cuộc khảo sát do Sở Công thương và Cục Thống kê Đồng Nai phối hợp thực hiện, khảo sát khoảng 3,9 ngàn doanh nghiệp và gần 1,2 ngàn hộ gia đình. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ doanh thu TMĐT trên doanh thu bán lẻ năm 2022 đạt 7,61% đối với doanh nghiệp và đạt 9,17% đối với hộ gia đình (cá thể). Tính chung tỷ trọng doanh thu TMĐT/tổng doanh thu bán lẻ toàn tỉnh đạt 8,15%.

TMĐT đã, đang và sẽ tiếp tục thể hiện là lĩnh vực tiên phong, trở thành xu hướng phát triển tất yếu của thương mại quốc tế trong nền kinh tế số, trở thành kênh mua sắm thường xuyên của một bộ phận đáng kể người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Phó giám đốc Sở Công thương Trần Dương Hùng chia sẻ, kết quả điều tra, khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng TMĐT năm 2022 trên địa bàn Đồng Nai là căn cứ khoa học để các sở, ban, ngành tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về chiến lược, giải pháp phát triển TMĐT. UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn. Từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT trên địa bàn tỉnh, đưa TMĐT được sử dụng và ứng dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế và hoạt động tiêu dùng hàng ngày của người dân. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, sự tiện lợi của người dân…

Bên cạnh đó, theo Báo cáo Chỉ số TMĐT (EBI) Việt Nam năm 2024 vừa được Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) công bố, chỉ số EBI của Đồng Nai xếp thứ 6 cả nước, tương đương thứ hạng năm ngoái. Chỉ số này được tổng hợp từ 3 chỉ số thành phần, gồm: nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Chú trọng đào tạo nhân sự về thương mại điện tử cho doanh nghiệp

Số liệu từ kết quả điều tra, khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh năm 2022 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có nhận đơn đặt hàng qua các phương tiện điện tử (điện thoại/fax, email, website của doanh nghiệp, ứng dụng trên điện thoại, website sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội) chiếm hơn 71,2% tổng số doanh nghiệp được điều tra.

Theo nhiều chuyên gia về TMĐT, với xu hướng phát triển của các hình thức bán hàng đa kênh như hiện nay, việc các doanh nghiệp thiết lập hệ thống data (dữ liệu) về thông tin khách hàng, từ đó định hướng, xác định cơ chế hoạt động, phân khúc khách hàng để xây dựng chiến lược phát triển, kinh doanh, marketing là một trong những điểm mấu chốt để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra lợi thế để doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các nhà bán hàng hiện đại đang ngày càng chú trọng và tiến đến đa kênh. Trong đó, vai trò nổi bật của hệ sinh thái công nghệ số là giúp tổng hợp nhiều nhu cầu của người tiêu dùng và đáp ứng chúng dưới các mức độ tích hợp khác nhau. Vì vậy, để thúc đẩy TMĐT phát triển bền vững, các địa phương, doanh nghiệp cần chú trọng phát triển về hạ tầng kinh tế số, đổi mới công nghệ, phương thức bán hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, nhân lực… Đặc biệt, vấn đề nhân lực đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển hoạt động TMĐT ở các địa phương, trong đó có Đồng Nai.

Trên thực tế, bên cạnh những tiềm năng, cơ hội thì việc phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Theo Sở Công thương, một trong những khó khăn hiện nay là nhiều doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT chưa thật sự chủ động, tích cực vận hành gian hàng, cập nhật thông tin giới thiệu, quảng bá sản phẩm, giá cả hàng hóa, hình ảnh sản phẩm phong phú, đa dạng, bắt mắt; tối ưu các bài viết, hình ảnh đăng tải trên sàn phù hợp với công cụ tìm kiếm trên Google.

Sàn giao dịch TMĐT Đồng Nai đi vào hoạt động từ cuối năm 2021 đến nay nhưng vẫn còn tồn tại một số bật cập như: giao diện sàn chưa bắt mắt, quản lý ngành hàng chưa phù hợp; thông tin phản hồi giữa người mua - người bán - đơn vị thu tiền - đơn vị giao nhận hàng hóa chưa kịp thời, rõ ràng…

Phó tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) Nguyễn Minh Đức chia sẻ, trong bối cảnh công nghệ phát triển, Đồng Nai nên thúc đẩy các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương phát triển về TMĐT. Trong đó, tập trung các hoạt động chuỗi tập huấn về TMĐT theo các chủ đề có tính liên kết và đi sâu vào đào tạo, hỗ trợ cho nhân sự về TMĐT của các doanh nghiệp thực thi, thực hành các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bán hàng, quảng bá thông qua các kênh về TMĐT.

Hải Quân

 

Tin xem nhiều