Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết nối vùng để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin

Hoàng Hải
08:12, 04/12/2023

Khu vực Đông Nam bộ, đặc biệt là các địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế, cơ hội để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT)…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (giữa) tham quan các gian hàng về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, phát triển hệ sinh thái số tại Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023. Ảnh: Hải Hà
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (giữa) tham quan các gian hàng về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, phát triển hệ sinh thái số tại Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023. Ảnh: Hải Hà

Cuối tháng 11 vừa qua, Cục Công nghiệp CNTT và truyền thông (Bộ TT-TT) phối hợp với Sở TT-TT tỉnh Vũng Tàu đã tổ chức hội thảo để góp ý cho dự thảo đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp CNTT, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

* Chú trọng liên kết vùng

Hội thảo đã trình bày dự thảo đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp CNTT, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, một trong những quan điểm phát triển quan trọng trong dự thảo đề án này đó là các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương sẽ phát triển công nghiệp CNTT trên cơ sở liên kết của cả vùng Đông Nam bộ. Cùng với đó, TP. HCM có vai trò vùng lõi của nghiên cứu - phát triển công nghệ, tập trung các hoạt động sản xuất công nghệ cao có giá trị gia tăng, dịch chuyển các hoạt động sản xuất ở quy mô công nghiệp ra các tỉnh.

Theo đại diện Cục Công nghiệp CNTT và truyền thông (Bộ TT-TT), vùng Đông Nam bộ có 6 tỉnh, thành phố thì có đến 3 tỉnh, thành phố nằm trong top 10 địa phương có doanh thu công nghiệp CNTT lớn nhất cả nước, gồm: TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. 3 địa phương này chiếm đến 97,7% doanh thu công nghiệp CNTT của vùng Đông Nam bộ.

Tính rộng hơn, vùng Đông Nam bộ xếp thứ 3 trong 6 vùng kinh tế trong doanh thu công nghiệp CNTT và mới chiếm khoảng 11,7% doanh thu công nghiệp CNTT của cả nước. Mức doanh thu này là chưa tương xứng tiềm năng của vùng khi Đông Nam bộ có số lượng doanh nghiệp CNTT rất lớn.

Tại hội thảo, Giám đốc Sở TT-TT Đồng Nai Tạ Quang Trường đã chia sẻ các nội dung liên quan đến tiềm năng phát triển công nghiệp CNTT ở Đồng Nai nói riêng và liên kết vùng về lĩnh vực này nói chung. Trong đó, tập trung nhấn mạnh các vấn đề cơ sở hạ tầng dùng chung cho phát triển hệ sinh thái công nghiệp CNTT như: trung tâm dự báo công nghệ - thị trường công nghiệp CNTT, phòng thí nghiệm, công cụ thiết kế phần cứng, phần mềm; chương trình đào tạo nguồn nhân lực, thu hút chuyên gia, phát triển các dự án “ươm tạo” trong lĩnh vực này; cũng như nêu lên các vấn đề về năng lượng, môi trường… khi phát triển công nghiệp CNTT.

Dự thảo đề án nói trên cũng đưa ra một số giải pháp như: hoàn thiện, xây dựng cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả công tác quản lý phát triển về công nghiệp CNTT và chuyển đổi số; hoàn thiện và phát triển cấu hạ tầng giao thông, logistics; phát triển nguồn nhân lực; tìm thị trường cho công nghiệp CNTT. Đồng thời, các địa phương cần thúc đẩy phát triển các khu CNTT tập trung; thu hút vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp CNTT…

Tại hội thảo phát triển công nghiệp CNTT - Viet Nam International Digital Hub tại Đồng Nai vào tháng 9-2023, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và truyền thông (Bộ TT-TT) Nguyễn Thiện Nghĩa nhận định, khu vực Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp CNTT. Trong đó, việc thúc đẩy liên kết vùng, phát triển chuyển đổi số hạ tầng các khu công nghiệp sẽ góp phần khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi số, gia tăng tỷ lệ về tự động hóa, phát triển hoạt động công nghiệp phụ trợ liên quan đến công nghệ số… Từ đó, phát huy những lợi thế, cơ hội để phát triển công nghiệp CNTT của các địa phương trong khu vực.

* Phát huy lợi thế của các địa phương

Theo các chuyên gia, các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương có nhiều lợi thế về vị trí, có nhiều khu công nghiệp lớn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Điều này làm nền tảng mạnh mẽ cho việc thu hút các doanh nghiệp CNTT và dịch vụ liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp CNTT và hạ tầng số.

Theo xếp hạng chỉ số Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông Việt Nam (ICT Index) năm 2022 của Bộ TT-TT, trong khu vực Đông Nam bộ, Đồng Nai dẫn đầu về chỉ số này khi xếp hàng thứ 8 cả nước, tiếp theo là TP.HCM xếp hạng 11, Bà Rịa - Vũng Tàu xếp hạng 19… ICT Index gồm các chỉ số thành phần là chỉ số Hạ tầng kỹ thuật, chỉ số Hạ tầng nhân lực và chỉ số Ứng dụng CNTT.

Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường chia sẻ, Đồng Nai có những tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp CNTT như: có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt khi sân bay Long Thành được đưa vào khai thác trong tương lai, địa phương sẽ không chỉ là nơi trung chuyển hàng không quốc tế và phát triển các lĩnh vực thế mạnh về logistics, thương mại công nghiệp, mà còn có lợi thế về nơi trung chuyển, kết nối về dữ liệu, tạo tiền đề về phát triển Digital Hub, thu hút phát triển công nghiệp CNTT. Ngoài ra, tỉnh còn có lợi thế về hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, nhiều ưu thế về hạ tầng, kết nối internet, viễn thông…

Tương tự, đại diện Sở TT-TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, địa phương có thuận lợi về cơ sở hạ tầng để phát triển và hình thành trung tâm dữ liệu lớn, có nhiều tiềm năng để kết nối, phát triển công nghiệp CNTT. Tỉnh đang xúc tiến các đề án để xây dựng các đề án chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực như xây dựng khu công nghiệp, du lịch…

Hoàng Hải

 

Tin xem nhiều