Thời gian qua, lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06).
Thời gian qua, lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06).
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham quan, trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng số tại lễ hội Không tiền mặt - Cashless Town năm 2023 tại TP.HCM. Ảnh: H.Hà |
Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm các tiện ích CĐS trong lĩnh vực ngân hàng; ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử đối với các hoạt động của lĩnh vực tài chính - ngân hàng…
* “Làm sạch” và kết nối nguồn cơ sở dữ liệu
Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Phạm Anh Tuấn, vào tháng 4 vừa qua, NHNN và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án 06 của Chính phủ bao gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn, 35 nhiệm vụ cụ thể để phục vụ cho việc làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ của ngành Ngân hàng. Kế hoạch này sẽ đem lại nhiều giá trị gia tăng cho ngành Ngân hàng.
Tại phiên thảo luận "Làm gì để chuẩn hóa, kết nối, khai thác dữ liệu để hướng đến quốc gia không tiền mặt" trong hội thảo Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội vào giữa tháng 6 do NHNN phối hợp Báo Tuổi Trẻ tổ chức, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) Vũ Văn Tấn chia sẻ, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay đã tạo được kho thông tin với 18 trường dữ liệu cơ bản; 104 triệu người dân Việt Nam đã có mã định danh duy nhất; đã cấp 81 triệu căn cước công dân… Từ nguồn dữ liệu gốc này góp phần giúp làm "sạch" được 85% dữ liệu cho ngành Bảo hiểm; 80% dữ liệu thông tin thuê bao di động cho các nhà mạng di động; 21/25 triệu dữ liệu cho ngành Ngân hàng, 54 triệu dữ liệu của ngành Thuế...
Đến nay đã có nhiều tổ chức tín dụng chủ động làm việc với cơ quan công an để ký kết các hợp tác nhằm làm sạch cơ sở dữ liệu. Việc làm sạch dữ liệu sẽ góp phần tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp (DN) khi tham gia các giao dịch trực tuyến mà đặc biệt là các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội để phát triển các kênh thanh toán, dịch vụ ngân hàng số.
Hơn thế nữa, hoạt động làm sạch dữ liệu khách hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, ngăn ngừa tội phạm gian lận, lừa đảo tại các tổ chức tín dụng…
Đồng Nai là một trong 19 tỉnh, thành hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân trước hạn. Theo Công an tỉnh, đến cuối tháng 5-2023, tỉnh đã hoàn thành công tác cấp căn cước công dân gắn chíp cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có hơn 2,2 triệu công dân thường trú và hơn 300 ngàn công dân tạm trú và cư trú thực tế tại địa phương… |
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, thông qua khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngân hàng có thể hạn chế đến mức tối đa các thực trạng về tài khoản ảo, ngăn ngừa tội phạm gian lận hồ sơ giấy tờ, mở tài khoản mạo danh hoặc lừa đảo khách hàng. Bên cạnh đó, việc kết nối cơ sở dữ liệu sẽ giúp ngân hàng hiểu biết sâu sắc về hành vi của khách hàng, góp phần ngăn chặn hành vi gian lận lừa đảo, tăng cường công tác thông tin bảo mật…
* Tiến tới sử dụng số căn cước công dân làm mã số thuế
Cũng tại hội thảo Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Phạm Quang Toàn cho hay, sắp tới sẽ sử dụng số căn cước công dân làm mã số thuế, qua đó tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Để thực hiện kế hoạch này, cần phải đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và làm sạch dữ liệu. Quá trình đối chiếu, làm sạch dữ liệu đang được đẩy nhanh, đến nay đã có 52/75 triệu mã số thuế được rà soát.
Việc dùng số căn cước công dân làm mã số thuế sẽ góp phần tạo thuận lợi trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan phục vụ người dân, DN. Ngoài ra, các ngân hàng dễ dàng quản lý thông tin đăng ký tài khoản, liên kết tài khoản với cơ quan thuế và hỗ trợ nộp thuế thuận tiện khi người nộp thuế là cá nhân chỉ sử dụng một mã duy nhất… Khi quá trình đồng bộ dữ liệu được hoàn tất sẽ tạo điều kiện lớn cho cơ quan thuế lẫn người nộp thuế, nhất là những thủ tục như kê khai người phụ thuộc, thừa kế, quà tặng…
Hoạt động kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các đơn vị trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, kết nối với DN sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế số, góp phần nâng cao hiệu quả giao dịch, hoạt động quản lý thông tin người dùng, bảo đảm an toàn hoạt động và phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong quá trình kết nối cơ sở dữ liệu vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, việc liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành cần phải được triển khai đồng bộ, đảm bảo hạ tầng công nghệ, an toàn bảo mật thông tin…
Hải Quân