Trong thời gian qua, các tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập nhằm hướng dẫn, tuyên truyền người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các nội dung về chuyển đổi số…
Trong thời gian qua, các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) được thành lập, triển khai được xem là những “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương nhằm hướng dẫn, tuyên truyền đến người dân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các nội dung về chuyển đổi số…
Tổ Công nghệ số cộng đồng P.Xuân An (TP.Long Khánh) phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn hướng dẫn các hộ kinh doanh đăng ký mã QR để thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Hải Quân |
Các tổ CNSCĐ này làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số; tham gia sàn thương mại điện tử uy tín; hướng dẫn người dân kỹ năng sử dụng phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản; kỹ năng sử dụng mạng xã hội văn minh, an toàn cũng như nhận diện, phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian số…
* Cần nâng cao nội dung, định hướng tuyên truyền
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG yêu cầu, Sở TT-TT cần làm việc với các địa phương để hướng dẫn triển khai các tổ CNSCĐ hiệu quả. Đồng thời, rà soát, tham mưu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo động lực đẩy mạnh hoạt động các tổ CNSCĐ. |
Theo Sở TT-TT, tính đến nay, toàn tỉnh đã triển khai và tổ chức hoạt động khoảng 1 ngàn tổ CNSCĐ với khoảng 6,4 ngàn thành viên. Các tổ này đã triển khai tuyên truyền, phổ biến đến người dân tham gia sử dụng các nền tảng số gồm: ứng dụng VneID, Đồng Nai CĐS, tra cứu thủ tục hành chính qua ứng dụng Zalo, các sàn thương mại điện tử…
Chủ tịch UBND xã Long Phước (H.Long Thành) Nguyễn Văn Hiệp cho hay, hiện nay trên địa bàn xã có 5 tổ CNSCĐ với 40 thành viên tham gia với lực lượng nòng cốt là các đoàn viên, thanh niên, công an, lực lượng đoàn thể ở địa phương. Qua hơn 1 năm triển khai các tổ CNSCĐ, bước đầu các tổ này đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực về tuyên truyền, kết nối người dân về chuyển đổi số. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế trong quá trình hoạt động như: một số thành viên trong tổ chưa nắm rõ và thành thạo về việc sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, công nghệ số.
“Các tổ này chủ yếu hoạt động trên tinh thần tự nguyện do đó cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động, cũng như đẩy mạnh các lớp, chương trình tập huấn về kỹ năng số của các thành viên để thực sự phát huy hiệu quả hoạt động” - ông Nguyễn Văn Hiệp kiến nghị.
Nhiều địa phương chia sẻ, cần có cơ chế định hướng về nội dung, chủ điểm tuyên truyền, hướng dẫn người dân về chuyển đổi số đối với các tổ CNSCĐ phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn, hạn chế tình trạng mỗi địa phương triển khai một kiểu, thiếu tính đồng bộ, thống nhất.
Trưởng phòng VH-TT H.Vĩnh Cửu Trương Thị Ngọc Anh cho biết, trên địa bàn hiện có 63 tổ CNSCĐ hoạt động từ tháng 4-2022 đến nay. Trong thời gian đầu, các tổ này hoạt động khá sôi nổi với sự xung kích, nhiệt huyết của lực lượng đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên, về lâu về dài thì cần có các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phù hợp để lực lượng này phát huy vai trò. Ngoài ra, trên thực tế, vai trò của các tổ này hiện phần lớn vẫn “giậm chân” ở mức tuyên truyền các nội dung cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến, thông tin về định danh điện tử… Trong thời gian tới cần có những định hướng về nội dung, tuyên truyền, hướng dẫn người dân về chuyển đổi số cụ thể, đa dạng hơn.
Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh Tăng Quốc Lập cho biết, bên cạnh lực lượng nòng cốt là các đoàn viên, thanh niên, công an, đoàn thể ở địa phương, phương hướng của thành phố là sẽ mở rộng để những người dân am hiểu về công nghệ, sử dụng tốt ứng dụng công nghệ thông tin cùng tham gia các tổ CNSCĐ với mục tiêu lan tỏa, kết nối để tất cả người dân cùng tham gia các tổ CNSCĐ. Bên cạnh đó, cần có thêm cơ chế, hỗ trợ, khuyến khích các tổ này hoạt động, phát huy tinh thần xung kích của thanh niên, đoàn viên một cách phù hợp.
* Xem xét cơ chế hỗ trợ phù hợp
Các tổ CNSCĐ góp phần triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, giúp người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản và tạo ra nhiều giá trị thiết thực…
Trên thực tế, hiện nay các tổ này chủ yếu vẫn hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Do đó, cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, cũng như đẩy mạnh các lớp, chương trình tập huấn về kỹ năng số cho các thành viên của các tổ CNSCĐ để thực sự phát huy hiệu quả.
Theo Sở TT-TT, Sở đã tham mưu UBND tỉnh về việc xem xét, thống nhất chủ trương cho Sở TT-TT lập hồ sơ đề xuất UBND tỉnh, báo cáo trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, trong đó có vấn đề hỗ trợ các tổ CNSCĐ…
Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường cho biết, Sở TT-TT đã làm việc với các sở, ngành liên quan, Tỉnh đoàn và đại diện 11 huyện, thành phố trong tỉnh về việc rà soát, thống nhất phương án đề xuất chính sách hỗ trợ cho các tổ CNSCĐ.
Trong đó, để đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh cần xem xét ban hành chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, tập trung hơn, trong đó có chính sách hỗ trợ các tổ CNSCĐ. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cũng đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích các địa phương chủ động chuyển đổi số, hỗ trợ đối với lực lượng chuyên trách đảm bảo an toàn thông tin để tạo nguồn, giữ chân lực lượng chuyên trách này…
Hải Quân