UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch Chuyển đổi số (CĐS) năm 2023. Để hiểu rõ hơn về mục tiêu, giải pháp thúc đẩy tiến trình CĐS trên địa bàn tỉnh, Báo Đồng Nai có cuộc phỏng vấn Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng.
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch Chuyển đổi số (CĐS) năm 2023. Để hiểu rõ hơn về mục tiêu, giải pháp thúc đẩy tiến trình CĐS trên địa bàn tỉnh, Báo Đồng Nai có cuộc phỏng vấn Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng.
Trong giai đoạn từ năm 2022-2025, tổng kinh phí cho CĐS của tỉnh là hơn 1,6 ngàn tỷ đồng, trong đó có vốn đầu tư công lẫn nguồn vốn sự nghiệp.
* Thưa ông, trong năm 2022, Đồng Nai đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình thúc đẩy tiến trình CĐS trên địa bàn. Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật về CĐS của tỉnh thời gian qua?
- Trong năm qua, Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả trong cả 3 trụ cột về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã thành lập được khoảng 1 ngàn tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 6,4 ngàn thành viên. Ngoài ra, tỉnh còn thí điểm việc triển khai Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh và 2 trung tâm điều hành tại TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh; đồng thời, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ.
Về lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), trong năm 2022, đã có tổng số 25 hộ sản xuất tham gia Sàn TMĐT tỉnh Đồng Nai với hơn 200 sản phẩm được đưa lên sàn. Với sàn TMĐT Vỏ Sò và Postmart, tổng số hộ sản xuất được tạo tài khoản trên sàn TMĐT khoảng 125,8 ngàn, tổng số tài khoản hoạt động hơn 76,3 ngàn, số sản phẩm lên sàn gần 1,1 ngàn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (hàng trước, thứ hai từ phải qua) tham quan gian hàng công nghệ tại hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2022. Ảnh: Thảo Quế |
Các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tập huấn tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp (DN) về CĐS khá thành công, hiệu quả. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS giai đoạn 2022-2025 để hỗ trợ thúc đẩy việc CĐS, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong DN nhỏ và vừa.
* Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những tồn tại, hạn chế nào trong công tác CĐS trên các lĩnh vực trong năm qua, thưa ông?
- Theo kết quả công bố của Bộ TT-TT trong năm 2022, chỉ số về CĐS (DTI) năm 2021 của Đồng Nai xếp hạng 19/63 tỉnh, thành, tăng 1 hạng so với năm 2020. Tuy nhiên, việc thu thập, định lượng để đánh giá chính xác một số chỉ tiêu về kinh tế số, xã hội số chưa thực hiện được. Tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực cải cách hành chính, tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về CĐS. Tăng tỷ lệ người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 40%, thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến lên trên 30% trong năm 2023.
Bên cạnh đó, các nguồn dữ liệu còn phân tán, chưa liên thông, tích hợp để hình thành nguồn dữ liệu chung phục vụ cho sự chỉ đạo, điều hành, đáp ứng các tiện ích cho người dân và DN. Một số cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính, đất đai chưa liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư, do đó chưa thuận tiện cho người dân trong việc khai thác, sử dụng (đặc biệt về xác định định danh điện tử)…
* Thưa ông, mục tiêu của Đồng Nai đến năm 2025 nằm trong tốp 10 của Việt Nam về CĐS. Vậy thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung cải thiện những chỉ số thành phần quan trọng nào?
- Để đạt mục tiêu nằm trong tốp 10 cả nước về CĐS vào năm 2025, Đồng Nai cần phải nỗ lực vượt bậc, thực hiện các kế hoạch, chương trình đã có, cần một sự quyết tâm hành động của các sở, ngành. Trong đó, xác định triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: các sở, ngành, địa phương phải xây dựng chiến lược CĐS toàn diện, phù hợp với tình hình và nhu cầu của từng lĩnh vực, ngành nghề, địa phương và đơn vị; tập trung cải thiện những chỉ số theo DTI những năm qua còn chưa đạt yêu cầu.
Đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật và an toàn thông tin, nâng cao khả năng kết nối và truy cập của người dân và DN trên tinh thần làm đủ bước, đúng các nội dung, quy trình, quy định. Tiếp tục tăng cường năng lực nhân lực công nghệ thông tin, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…
Đối với kế hoạch CĐS của tỉnh năm 2023, các sở, ngành, địa phương cần xác định rõ các sản phẩm về CĐS phục vụ người dân và DN, dự trù kinh phí đối với các sản phẩm để từng bước triển khai theo lộ trình phù hợp, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra.
* Trong thời gian qua, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng khi thực hiện CĐS, vậy theo ông, đâu là vấn đề then chốt để thúc đẩy tiến trình CĐS một cách hiệu quả?
- Vấn đề quan trọng trong công tác CĐS ở các địa phương là người lãnh đạo, trực tiếp là người đứng đầu phải hiểu và nhận thức rõ ý nghĩa của việc CĐS. Lãnh đạo các địa phương phải hành động quyết liệt để có sản phẩm về CĐS. Sản phẩm đó cần được nghiên cứu kỹ để nâng cao chất lượng, phục vụ tốt hơn cho người dân, DN. Trong quá trình đưa vào ứng dụng, nếu sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người dân, DN thì tiếp tục nhân rộng, phát huy. Sản phẩm nào còn thiếu sót, hạn chế thì điều chỉnh hoặc dừng triển khai nếu không đạt yêu cầu.
Trong quá trình CĐS, chính quyền giữ vai trò chủ đạo, còn người dân là chủ thể vừa sử dụng, vừa tương tác, góp ý để phát triển, hoàn thiện các sản phẩm CĐS phù hợp, hiệu quả.
Sở TT-TT đóng vai trò “thuyền trưởng” chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương làm sao để không lúng túng và tìm con đường, hướng đi phù hợp với tiến trình CĐS của các địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.
* Xin cảm ơn ông!
Hoàng Hải (thực hiện) - Đồ họa: Hải Quân