Quá trình chuyển đổi số (CĐS) đang được nhiều địa phương trong tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới nên nhiều hoạt động, dịch vụ liên quan đến CĐS vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định. Một trong những vấn đề được lãnh đạo tỉnh và các địa phương chú trọng đó là phát triển nguồn nhân lực về CĐS.
Quá trình chuyển đổi số (CĐS) đang được nhiều địa phương trong tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới nên nhiều hoạt động, dịch vụ liên quan đến CĐS vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định. Một trong những vấn đề được lãnh đạo tỉnh và các địa phương chú trọng đó là phát triển nguồn nhân lực về CĐS.
Cán bộ Đoàn P.Xuân Thanh (TP.Long Khánh) hướng dẫn người dân cài đặt, đăng ký ứng dụng định danh điện tử VneID. Ảnh: H.Hà |
Việc phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số tại các địa phương. Trên thực tế, tại nhiều địa phương, vấn đề về nguồn nhân lực để triển khai các hoạt động CĐS cấp cơ sở vẫn là bài toán nan giải, cần sớm có kế hoạch, phương án triển khai phù hợp.
* Thiếu nhân sự chuyên trách về CĐS
Để thúc đẩy quá trình CĐS ở cấp cơ sở thì các vấn đề về nhân sự, hạ tầng công nghệ số và kinh phí để triển khai, thực hiện là những vấn đề hết sức quan trọng. Trong đó, hiện nay khó khăn của nhiều địa phương trong quá trình thực hiện CĐS là thiếu nguồn nhân lực có trình độ về công nghệ số, dịch vụ số để triển khai các hoạt động, công tác liên quan đến quá trình CĐS.
Đồng Nai đang triển khai thực hiện thí điểm CĐS cấp xã ở 3 địa phương gồm: xã Long Phước (H.Long Thành), xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) và xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc). Các xã này đã triển khai nhiều kế hoạch, phương án để thúc đẩy quá trình CĐS trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương, do CĐS là vấn đề mới nên trong quá trình thí điểm còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề về hạ tầng máy móc, kỹ thuật, đường truyền internet và nhân sự. Trong đó, về nhân sự triển khai công tác CĐS, dù nhiều xã đã có ban chỉ đạo, tổ giúp việc về CĐS, nhưng chủ yếu vẫn là các nhân sự kiêm nhiệm, về lâu dài cần có bộ phận phụ trách trực tiếp, được đào tạo, tập huấn chuyên môn cơ bản, có trình độ…
Tính đến nay, các huyện, thành phố trong tỉnh đã thành lập khoảng 1 ngàn tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số hơn 6,4 ngàn thành viên. Với sự tác động tích cực từ các hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng, người dân đã tiếp cận nhanh hơn với công nghệ số. Những khó khăn về nhận thức hay khoảng cách địa lý đã giảm bớt nhờ sự hỗ trợ tích cực của tổ công nghệ số cộng đồng… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các tổ công nghệ số cộng đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành TT-TT của tỉnh năm 2023, Trưởng phòng VH-TT TP.Long Khánh Trương Thị Hương chia sẻ, trong thời gian qua, các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn thành phố đã phát huy hiệu quả, đây là những “cánh tay nối dài” giúp Ban Chỉ đạo CĐS của thành phố đưa công nghệ số đi vào cuộc sống người dân. Nhưng thực tế hiện nay là chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng; chủ yếu là hoạt động trên tinh thần tự nguyện, vì vậy phần nào cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động… Về lâu dài, để đảm bảo yêu cầu hoạt động hiệu quả của các tổ công nghệ số cộng đồng, TP.Long Khánh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của UBND tỉnh, sự hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở TT-TT để tạo điều kiện cho công tác CĐS Long Khánh phát triển bền vững…
Ngoài ra, trên thực tế tại nhiều địa phương, một số thành viên tổ công nghệ số cộng đồng đã lớn tuổi, tuy có kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhưng bản thân họ đôi khi lại lúng túng, thiếu tự tin khi thực hiện thao tác đăng nhập, đăng ký thông tin tài khoản các ứng dụng về dịch vụ hành chính công, thanh toán điện tử.
* Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn về kỹ năng số
Để hướng tới xây dựng, phát triển nguồn nhân lực về CĐS thì vấn đề đào tạo, tập huấn, triển khai về kỹ năng số, công nghệ số cần được các địa phương đưa ra lộ trình, kinh phí triển khai phù hợp.
Đoàn viên ở TP.Biên Hòa hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Biên Hòa SmartCity. Ảnh: H.Hà |
Giám đốc VNPT Đồng Nai Phạm Hùng Đức chia sẻ, trong năm vừa qua, VNPT Đồng Nai tiếp tục đồng hành với địa phương trong công tác đào tạo, thay đổi nhận thức về CĐS cho hơn 1 ngàn cán bộ chủ chốt tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đây là khâu quan trọng góp phần thúc đẩy tiến trình CĐS thành công. Ngoài ra, VNPT Đồng Nai đã tập trung tư vấn cho nhiều huyện, sở, ngành về lộ trình, cách thức và kế hoạch CĐS…
Phó giám đốc Sở TT-TT Võ Hoàng Khai cho biết, trong năm 2023, Sở sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đợt, chương trình tập huấn về CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tập huấn sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các cá nhân, đơn vị thuộc cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh và tập huấn phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho thanh niên trên địa bàn tỉnh cho người dân khu vực nông thôn…
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành TT-TT của tỉnh năm 2023, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, Sở TT-TT cần tham mưu các giải pháp thu hút nguồn nhân lực trong và ngoài tỉnh gắn với đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương để xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành đội ngũ chuyên gia CĐS nhằm dẫn dắt, lan tỏa tiến trình CĐS. Đồng thời, thường xuyên đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức CĐS, kỹ năng số phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc.
Trong năm 2022, Sở TT-TT đã phối hợp với Cục CĐS quốc gia (Bộ TT-TT) tổ chức 2 đợt tập huấn trực tuyến kỹ năng số với hơn 7,4 ngàn thành viên tham gia. Cùng với đó, Sở TT-TT đã phối hợp, triển khai nhiều hoạt động, chương trình tập huấn CĐS cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin ở các địa phương, chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin… |
Hoàng Hải