Với ưu thế công nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua, Đồng Nai đã chủ động triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (CĐS) trên nhiều lĩnh vực.
Với ưu thế công nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua, Đồng Nai đã chủ động triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (CĐS) trên nhiều lĩnh vực.
Tổ công nghệ số cộng đồng ở xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) đến các hộ dân giới thiệu thông tin về chuyển đổi số ở địa phương, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng thanh toán trực tuyến… Ảnh: H.Hà |
Tỉnh đã và đang xây dựng những nền móng đầu tiên cho quá trình CĐS với những mô hình thí điểm được triển khai nhằm đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng, phát triển các mô hình về CĐS theo hướng bền vững, thực sự lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm.
* Thí điểm triển khai CĐS đến cấp cơ sở
CĐS về cơ sở giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS trong chính quyền ở xã, huyện góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành…
Theo Sở TT-TT, tính đến cuối năm 2022, các địa phương trong tỉnh đã thành lập được 1 ngàn tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số hơn 6,4 ngàn thành viên. |
Đồng Nai đang triển khai thực hiện thí điểm CĐS cấp xã ở 3 địa phương gồm: xã Long Phước (H.Long Thành), xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) và xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc).
Theo UBND xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc), về các phần mềm CĐS, xã đã ứng dụng các phần mềm tài chính - kế toán gồm 3 hạng mục: tiền lương, tài sản, kế toán; phần mềm bảo hiểm xã hội (BHXH) trong việc thu, nộp BHXH hàng tháng cho cán bộ, công chức; hệ thống dịch vụ công giao dịch kho bạc; hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hệ thống báo cáo thông tin cơ sở… UBND xã có 31 máy tính, trong đó có 8 máy tính sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng, còn lại là đường truyền internet…
Tương tự, đối với xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu), UBND xã đã nâng cấp mạng nội bộ của xã; nâng cấp, bổ sung thiết bị CNTT, triển khai đường truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống hội nghị truyền hình, triển khai 5 tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp trên địa bàn để khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ các nhà vườn tại địa phương kết nối, đưa các loại nông sản thế mạnh của xã lên các sàn thương mại điện tử.
Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) Lê Hoàng Long cho biết, Ban Chỉ đạo về CĐS của xã sẽ tập trung đẩy mạnh các nội dung tuyên truyền, phổ biến việc triển khai thực hiện CĐS đến nhân dân trên địa bàn thông qua việc tuyên truyền thực tế của các tổ công nghệ số cộng đồng, qua trang thông tin điện tử, các nhóm Facebook, Zalo của cộng đồng dân cư và lồng ghép vào các buổi họp giao ban, sinh hoạt chi bộ, ngày hội đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn các ấp… để người dân nắm bắt kịp thời những thông tin về CĐS, phát huy tối đa nguồn lực thực hiện CĐS ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả bước đầu, theo nhiều địa phương đang thí điểm thì vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện CĐS, bởi đây là một vấn đề còn mới mẻ đối với chính quyền cơ sở và người dân. Vẫn còn một bộ phận đáng kể người dân chưa sẵn sàng hoặc cảm thấy chưa dễ tiếp cận với các công cụ, dịch vụ số, nhất là đối với nhóm người lớn tuổi, nhóm người dân ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, cần sớm có phương án để thúc đẩy quá trình CĐS ở các địa phương cấp cơ sở thông qua việc xây dựng nguồn lực, nguồn nhân sự, hạ tầng công nghệ số và kinh phí để triển khai, thực hiện CĐS theo lộ trình phù hợp.
* Nhân rộng mô hình trung tâm điều hành thông minh
Đồng Nai đã triển khai thí điểm trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh. Các trung tâm IOC này hướng tới nhiều chức năng trên các lĩnh vực điều hành quản lý như: giám sát an toàn thông tin, giám sát lĩnh vực giáo dục, y tế, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giám sát du lịch, hệ thống camera an ninh, giao thông, giám sát hành chính công…
Theo UBND TP.Long Khánh, Trung tâm IOC của thành phố được đưa vào thí điểm hoạt động từ tháng 10-2021 với 6 module chính gồm: giám sát điều hành giao thông và an ninh công cộng; hệ thống phản ánh hiện trường, phản ánh kiến nghị của người dân; quản lý thông tin báo chí và truyền thông; dịch vụ công và giám sát hỏi đáp ý kiến người dân qua Tổng đài 1022; thông tin y tế, giáo dục…Thành phố còn cung cấp ứng dụng (app) Long Khanh Smart trên thiết bị điện thoại thông minh. Qua đó, tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân thông qua hệ thống phản ánh hiện trường. Đồng thời, triển khai hướng dẫn người dân cài đặt, đến nay đã có hơn 20,4 ngàn người dân tải và cài đặt ứng dụng này…
Đối với TP.Biên Hòa, thành phố tập trung triển khai, đẩy mạnh hệ thống phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, trong đó trọng tâm là triển khai các thủ tục, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Đồng thời, đối với trung tâm điều hành thông minh của địa phương, thành phố đã và đang chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, trong đó có các cơ sở dữ liệu về đất đai, xây dựng, hệ thống camera giao thông… trên địa bàn.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện, triển khai, vận hành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, qua đó tăng cường kết nối, tích hợp nhiều tính năng về giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, giao thông… để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, DN, hiệu quả điều hành của chính quyền thành phố. Đồng thời, sẽ tiếp tục nhân rộng, phát triển các hoạt động tương tác, tính năng phù hợp trên ứng dụng Biên Hòa SmartCity để người dân có thêm kênh phản ánh, tra cứu các thông tin hiệu quả…
Qua quá trình thí điểm, nhiều mô hình về CĐS, trong đó có mô hình trung tâm điều hành thông minh đã được rà soát, đánh giá để triển khai với quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn, cũng như tạo tiền đề để các địa phương khác học tập kinh nghiệm, nhân rộng và phát triển mô hình.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG: Trong năm 2023, Sở TT-TT cần chủ động tham mưu các giải pháp thu hút nguồn nhân lực trong và ngoài tỉnh gắn với đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương để xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành đội ngũ chuyên gia CĐS để dẫn dắt, lan tỏa tiến trình CĐS… Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư CNTT trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu CĐS của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trên tinh thần làm đủ bước, đúng các nội dung, quy trình, quy định; đẩy mạnh CĐS trong các lĩnh vực như: an ninh trật tự, giao thông, TN-MT, y tế, giáo dục, nội vụ, thanh tra, tài chính, KH-ĐT, thực hiện số hóa bảo tàng, thư viện… Sở TT-TT phối hợp các sở, ngành liên quan có phương án tham mưu phù hợp về việc thành lập Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh, trung tâm điều hành thông minh cấp huyện, cấp xã để triển khai các ứng dụng thiết yếu phục vụ người dân và DN… Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh TĂNG QUỐC LẬP: CĐS là vấn đề quan trọng của địa phương. Trong thời gian tới, TP.Long Khánh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn cho người dân về CĐS. Thành phố cũng sẽ làm việc với các đơn vị tư vấn về đề án xây dựng, phát triển đô thị thông minh, rà soát, xem xét đầu tư hệ thống camera giám sát trên địa bàn, có kế hoạch hoàn thiện và đưa vào hoạt động chính thức trung tâm IOC của thành phố… Đồng thời, TP.Long Khánh sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng internet để phục vụ người dân, nhất là những địa điểm giải quyết thủ tục hành chính từ cấp thành phố đến các phường, xã. TP.Long Khánh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan phát triển các nền tảng, tiện ích về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN trên địa bàn. |
Hoàng Hải