Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển đổi số: Cần đi vào thực chất

07:11, 07/11/2022

Với ưu thế công nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua, Đồng Nai đã chủ động chuyển đổi số (CĐS), triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo, dịch vụ công trực tuyến.

Với ưu thế công nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua, Đồng Nai đã chủ động chuyển đổi số (CĐS), triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo, dịch vụ công trực tuyến.

Chuyên viên Sở Công thương hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất ở TP.Long Khánh đăng ký, quản lý gian hàng trên Sàn thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn). Ảnh: Hải Hà
Chuyên viên Sở Công thương hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất ở TP.Long Khánh đăng ký, quản lý gian hàng trên Sàn thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn). Ảnh: Hải Hà

Trên thực tế, công tác triển khai các hoạt động CĐS ngày càng được các địa phương trong tỉnh quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới nên nhiều hoạt động, dịch vụ liên quan đến CĐS vẫn cần thực tế, đi vào thực chất hơn nữa để quá trình CĐS thực sự mang lại nhiều tiện ích, giá trị cho người dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao chỉ số về CĐS (DTI) của Đồng Nai theo lộ trình đề ra.

* Cần cải thiện nhiều tiêu chí

Theo Ban chỉ đạo về CĐS của tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 3.500 trạm thu phát sóng thông tin di động 3G/4G, phủ sóng đến 100% khu dân cư, khu phố của các xã, phường. Về triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã thu nhập, cập nhật dữ liệu dân cư đạt tỷ lệ 99,53% nhân khẩu đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh.

Đến quý III-2022, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 81%; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt khoảng 83,5%, vượt kế hoạch đề ra trong năm 2022. Ngoài ra, tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%, qua đó hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch trong năm nay...

Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo về CĐS của tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH nhấn mạnh, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo về CĐS tỉnh cần xác định rõ việc phát triển các nội dung, sản phẩm về CĐS để phục vụ người dân, DN trên địa bàn tỉnh theo lộ trình phù hợp, đúng quy định; định hướng, phấn đấu đạt được các mục tiêu cụ thể trong quá trình CĐS của tỉnh. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, truyền thông, hướng dẫn về CĐS cho người dân, DN; nâng cao nhận thức và hành động về CĐS của lãnh đạo, người đứng đầu của các địa phương, các sở, ngành liên quan.

Đặc biệt, tính đến nay, các huyện, thành phố trong tỉnh đã thành lập được 1 ngàn tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số hơn 6,4 ngàn thành viên. Đồng Nai đã triển khai thí điểm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tại TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tiêu chí, chỉ tiêu về CĐS trong năm 2022 đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch, tiến độ triển khai chưa đạt so với kỳ vọng. Trong đó, theo Ban chỉ đạo về CĐS của tỉnh, tính đến quý III-2022, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến mới chỉ đạt hơn 9,2% trong khi mục tiêu của năm 2022 là 50%; tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến ước đạt khoảng 30% (trong khi mục tiêu đề ra trong năm nay là 50%).

Tại các cuộc họp về CĐS với lãnh đạo tỉnh, Giám đốc Sở TT-TT Lê Hoàng Ngọc chia sẻ, hiện nay quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh còn tồn tại các khó khăn, vướng mắc. Trong đó, tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh còn thấp, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã do đa số người dân chưa có thói quen hoặc gặp khó khăn trong việc sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, nhiều người dân vẫn muốn đến trực tiếp UBND cấp xã để thực hiện thủ tục hành chính vì gần nhà. Đặc biệt, nhiều thủ tục hồ sơ về đất đai, xây dựng vẫn chưa dễ triển khai các thủ tục trực tuyến. Đây cũng là vấn đề cần tháo gỡ ở nhiều địa phương, tỉnh, thành…

Song song với đó, theo lãnh đạo Sở TT-TT, hiện nay việc xây dựng và triển khai kho quản lý dữ liệu điện tử và nâng cấp chức năng phần mềm số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tỉnh còn chậm do gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư dự án. Bên cạnh đó, vấn đề CĐS rất cần sự quyết tâm từ phía chính quyền các địa phương, nhất là người đứng đầu về việc phổ biến, nâng cao nhận thức về CĐS đến người dân…

* Lấy người dân, DN làm trung tâm

Đồng Nai luôn xác định CĐS phải để người dân, DN hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho biết, TP.Biên Hòa tập trung triển khai, đẩy mạnh hệ thống phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, trong đó trọng tâm là triển khai các thủ tục, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Đồng thời, đối với trung tâm điều hành thông minh của địa phương, thành phố sẽ chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, trong đó có các cơ sở dữ liệu về đất đai, xây dựng, hệ thống camera giao thông… trên địa bàn.

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là các nền móng để phát triển kinh tế số, xã hội số; triển khai chiến lược phát triển hạ tầng số; phát triển, mở rộng nguồn nhân lực số, DN số và thanh toán số; nâng cao nhận thức về kỹ năng số, công dân số và văn hóa số…

Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh Tăng Quốc Lập chia sẻ, CĐS là vấn đề quan trọng của địa phương. Trong thời gian tới, TP.Long Khánh sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng internet để phục vụ cho người dân, nhất là những địa điểm giải quyết thủ tục hành chính từ cấp thành phố đến các phường, xã. Địa phương sẽ phối hợp với các DN viễn thông thúc đẩy phát triển internet công cộng. TP.Long Khánh cũng đã làm việc với các đơn vị liên quan như: ngân hàng, viễn thông… thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ hành chính công có thu phí, lệ phí. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn cho người dân về CĐS. Thành phố cũng sẽ làm việc với các đơn vị tư vấn về đề án xây dựng đô thị thông minh, rà soát, xem xét đầu tư hệ thống camera giám sát trên địa bàn…

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều cuộc họp với Ban chỉ đạo CĐS của tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương trong tỉnh về việc đề ra các giải pháp cấp bách để thúc đẩy quá trình CĐS, tháo gỡ những vướng mắc khi triển khai CĐS ở địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần thực sự quyết tâm, chủ động học hỏi kinh nghiệm từ những địa phương khác nhằm đẩy mạnh công tác CĐS phục vụ người dân, DN. Các sở, ngành liên quan chú trọng nâng cấp các mức độ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực giải quyết, thúc đẩy định danh điện tử… Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu lên vấn đề xem xét thành lập hội đồng tư vấn CĐS với quy mô toàn tỉnh, tổ chức học tập kinh nghiệm các mô hình triển khai CĐS thành công ở các địa phương khác. Qua đó, rà soát, triển khai có hiệu quả các chương trình, mô hình về CĐS trên địa bàn tỉnh.

Hải Quân

Tin xem nhiều