Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì cuộc sống tốt đẹp hơn

07:10, 10/10/2022

Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức các hoạt động nhân Ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và Ngày CĐS tỉnh Đồng Nai (10-10), với chủ đề là giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức các hoạt động nhân Ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và Ngày CĐS tỉnh Đồng Nai (10-10). Năm nay chủ đề của Ngày CĐS của tỉnh và quốc gia là CĐS giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan khu vực trải nghiệm thực tế sóng 5G tại Viettel Đồng Nai
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan khu vực trải nghiệm thực tế sóng 5G tại Viettel Đồng Nai. Ảnh: Hải Hà

Với chủ đề này, các hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS năm 2022 sẽ tập trung vào phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số…

* Chủ động CĐS trên nhiều lĩnh vực

Với ưu thế công nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua, Đồng Nai đã chủ động CĐS mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22-4-2022, qua đó lấy ngày 10-10 hằng năm là Ngày CĐS quốc gia. Tại Đồng Nai, vào tháng 8-2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2213/QĐ-UBND về Ngày CĐS tỉnh Đồng Nai. Theo đó, Đồng Nai lấy ngày 10-10 hằng năm làm Ngày CĐS của tỉnh.

Để hưởng ứng Ngày CĐS 10-10 năm nay, Đồng Nai sẽ tổ chức đồng loạt, lan truyền thông điệp Ngày CĐS tỉnh Đồng Nai - Ngày CĐS quốc gia trên môi trường số, gồm: các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Mocha…), Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử các sở, ngành, địa phương; hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã…

Dự kiến tổ chức hội nghị tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong tháng 10-2022; talkshow với chủ đề CĐS - cơ hội và thách thức cho thanh niên đổi mới sáng tạo, Hội thảo Metaverse - công nghệ số hội tụ nhân Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai (Techfest Dong Nai) năm 2022…

Phó giám đốc Sở TT-TT Võ Hoàng Khai cho biết, trong thời gian qua, nhiều ứng dụng, chương trình CĐS nổi bật đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh được thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo an toàn thông tin theo quy định. Tỉnh đã triển khai thí điểm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tại TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai đến 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã)…

Năm 2021, kết quả xếp hạng chỉ số CĐS (DTI) của Đồng Nai đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố (cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số). Trong đó, chính quyền số xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố; kinh tế số xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố; xã hội số xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) theo các định hướng và hướng dẫn của Bộ TT-TT đã kết nối với nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành của các bộ, ngành trung ương. Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành trung ương. Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4.

Về cơ bản, UBND tỉnh đã ban hành khá đầy đủ các văn bản để tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh trên trên địa bàn tỉnh. Đồng Nai đang triển khai thực hiện thí điểm CĐS cấp xã ở 3 địa phương gồm: xã Long Phước (H.Long Thành), xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) và xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc). Lãnh đạo UBND tỉnh vừa có buổi họp về công tác CĐS với các địa phương trong tỉnh.

* Đa dạng các tiện ích phục vụ người dân

Thời gian qua, nhiều trải nghiệm về dịch vụ công nghệ, dịch vụ viễn thông mới đã được giới thiệu, thí điểm và triển khai trên địa bàn tỉnh, góp phần từng bước phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ quá trình CĐS, trong đó có lĩnh vực thương mại, dịch vụ của tỉnh.

Nhân viên một chi nhánh ngân hàng ở TP.Biên Hòa hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số trên điện thoại thông minh. Ảnh: H.Hà
Nhân viên một chi nhánh ngân hàng ở TP.Biên Hòa hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số trên điện thoại thông minh. Ảnh: Hải Hà

Đồng Nai được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những địa phương năng động trong phát triển thương mại điện tử (TMĐT) và liên tục nằm trong nhóm những địa phương trên cả nước có chỉ số TMĐT cao. Theo báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam - EBI 2022 do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) vừa công bố, chỉ số TMĐT của Đồng Nai tiếp tục nằm trong tốp 5 toàn quốc. Từ cuối năm 2021, Sàn giao dịch TMĐT Đồng Nai (ecdn.vn) chính thức ra mắt, mở ra nhiều cơ hội cho người dân trải nghiệm dịch vụ, các doanh nghiệp (DN) có thêm kênh bán hàng, quảng bá sản phẩm…

Hay đối với các loại hình dịch vụ ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt, trên thực tế, cơ sở hạ tầng cho việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được đầu tư nhiều hơn, từ siêu thị, nhà hàng, các trang mua sắm điện tử… đều đầu tư cho việc khuyến khích người dùng hạn chế tiền mặt khi thanh toán các dịch vụ như: máy POS, ví điện tử, thẻ tín dụng…

Tại nhiều cuộc họp liên quan đến vấn đề CĐS, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, các sở, ngành, địa phương cần tham khảo, học tập, rút kinh nghiệm việc triển khai của các địa phương thí điểm để có phương án triển khai CĐS một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, thực hiện đúng các quy định pháp luật, đảm bảo an toàn, an ninh mạng… Trước mắt, các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá về thực trạng cơ sở vật chất, nhân sự về CĐS một cách chính xác, kỹ lưỡng; tập trung xử lý những vấn đề cấp thiết liên quan đến CĐS ở các địa phương.

Hải Quân


Phó giám đốc Sở TT-TT VÕ HOÀNG KHAI:

Trong thời gian tới, Sở TT-TT sẽ triển khai, phối hợp với nhiều sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện nhiều nội dung, chương trình, kế hoạch để nâng cao hiệu quả CĐS trên địa bàn tỉnh, nhất là các ứng dụng, chương trình CĐS giải quyết các vấn đề xã hội. Trong đó, có Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ; đề án Phát triển đô thị thông minh tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; thúc đầy người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Đồng thời, triển khai chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ CĐS, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, ưu tiên lựa chọn và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số Việt Nam phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân thuộc các lĩnh vực liên lạc, mua sắm, giải trí, sức khỏe, học tập, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng; triển khai thúc đẩy CĐS cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, sẽ tăng cường sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh một cách thống nhất, đồng bộ, tin cậy phục vụ cho CĐS; khuyến khích các DN thí điểm và nhân rộng việc xây dựng, phát triển mạng 5G…

Chị PHAN MINH HÀ (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa):

Với lợi thế của người trẻ thành thạo internet, việc tiếp cận công nghệ thông tin với tôi không quá khó. Do đó, chỉ cần các ngành, lĩnh vực có ứng dụng, phần mềm CĐS, tôi đều cài đặt và nắm bắt sử dụng để rút ngắn thời gian và công sức, từ thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công và việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp, sổ sức khỏe điện tử, bảo hiểm xã hội…

Việc ứng dụng công nghệ vào trong công việc cũng như cuộc sống mang đến cho người dân rất nhiều thuận lợi chỉ qua chiếc máy tính hay điện thoại thông minh. Ngoài ra, người dân trên địa bàn tỉnh còn có thể tiếp cận những thông tin hữu ích thông qua các cổng thông tin của địa phương hay mua sắm đặc sản vùng miền trên sàn thương mại điện tử. Tôi mong rằng không chỉ các cơ quan, DN lớn ứng dụng công nghệ số mà dần chuyển đổi đến các cửa hàng, đơn vị nhỏ thông qua các mã QR, qua đó vừa có thể tìm hiểu sản phẩm, thanh toán, quản lý chi tiêu… Có như vậy mới khuyến khích người dân ngày càng mạnh dạn chuyển đổi và sử dụng các công cụ số, tài khoản số...

Hải Hà (ghi)


 

Tin xem nhiều