Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển mạng lưới doanh nghiệp công nghệ số

09:09, 25/09/2022

(ĐN)- Theo mô hình của một số nước có nền kinh tế phát triển dựa trên các DN công nghệ số, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100 ngàn DN công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện CĐS quốc gia…

(ĐN)- Theo mô hình của một số nước có nền kinh tế phát triển dựa trên các DN công nghệ số, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100 ngàn DN công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện CĐS quốc gia…

Nhiều chuyên gia về công nghệ cho rằng, so với các lĩnh vực khác, khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh như: cơ cấu dân số trẻ, số lượng người dùng internet, người sử dụng điện thoại di động đạt tỷ lệ cao… Thêm vào đó, thị trường Việt Nam đã bước vào giai đoạn đủ lớn để đón nhận các sản phẩm công nghệ có tính đột phá mà các start-up có thể mang lại. Điều đó cho thấy Việt Nam hoàn toàn là một thị trường hấp dẫn và đầy hứa hẹn để khởi nghiệp về công nghệ.

Ông Lê Anh Tiến, đồng sáng lập và CEO Công ty CP Công nghệ Chatbot Việt Nam chia sẻ, thời đại số hóa cộng thêm những ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã khiến cho việc áp dụng công nghệ vào các hoạt động của đời sống trở nên phổ biến hơn. Các DN/start-up công nghệ đang có những cơ hội thuận lợi để phát triển mạnh mẽ với các sản phẩm/dịch vụ phục vụ cộng đồng.

Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển DN công nghệ số tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu tổng quát là tạo điều kiện thuận lợi để DN ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngoài ra, hỗ trợ DN công nghệ số được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực và hiệu quả hoạt động của DN công nghệ số trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tiếp cận mạng lưới chuyên gia, các nhà tư vấn, các nền tảng số để thúc đẩy CĐS…

Phấn đấu giai đoạn 2022-2025, trên địa bàn tỉnh có ít nhất 5 DN công nghệ số thành lập mới; 10 doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực. Sản phẩm phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin của doanh nghiệp trong tỉnh đáp ứng tốt yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh phục vụ hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức và người dân.

Hải Hà

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích