Báo Đồng Nai điện tử
En

Toàn văn nội dung ý kiến đóng góp của đại biểu Trương Văn Vở về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII

04:06, 18/06/2013

Để góp phần hoàn thiện, bảo đảm tính khả thi của Luật đất đai (sửa đổi), tôi kiến nghị một số vấn đề sau đây:

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa quý vị đại biểu Quốc hội,

Để góp phần hoàn thiện, bảo đảm tính khả thi của Luật đất đai (sửa đổi), tôi kiến nghị một số vấn đề sau đây:

Một, về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở Chương IV, tôi cho đây là vấn đề rất quan trọng, quyết định đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai. Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về nguyên tắc từ khâu lập đến việc thẩm định, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nội dung dự án luật cũng đã tiếp thu thực hiện được yêu cầu này. Tuy nhiên, tôi đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm nhất quán từ căn cứ lập, căn cứ thẩm định, đặc biệt tôi lưu ý công tác thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tính liên kết các địa phương trong vùng kinh tế. Tôi cho vấn đề quan trọng nữa là phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế vùng. Đây chính là điều kiện để khắc phục chồng chéo trong công tác quy hoạch, cát cứ, cục bộ địa phương và quan trọng nữa là khắc phục được tình trạng phân tán nguồn lực và lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở

Hai, về cơ chế và trình tự thu hồi đất, tôi cho rằng đây là điểm nghẽn phức tạp nhất cần phải tháo gỡ đối với Luật đất đai (sửa đổi) lần này nhằm bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, đồng thời phải bảo đảm được tính công khai, minh bạch trong thu hồi đất, hạn chế tranh chấp, khiếu kiện về đất đai. Điểm mới dự án luật lần này, tôi cho rằng có phân định rõ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích khác nhau, nhưng chưa rõ ràng, cụ thể, chưa xác định rõ tiêu chí nhất quán, nếu chưa như thế này thì tôi thấy sẽ dễ dẫn đến tùy tiện trong thực hiện. Bởi lẽ, trong dự án luật lần này vừa xác định thu hồi đất theo mục đích sử dụng và vừa theo thẩm quyền đầu tư, theo Điều 62 thu hồi đất để thực hiện đối với dự án kinh tế - xã hội.

Tôi cho rằng, dự án do quy hoạch, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hay do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đều có sự đan xen giữa lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và lợi ích của nhà đầu tư. Do đó, tôi đề nghị dự án luật nên xem xét sửa đổi phù hợp và quy định rõ cơ chế thu hồi đất theo hướng: sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là thu hồi đất để sử dụng mục đích chung phi lợi nhuận, còn lại sử dụng đất vào mục đích kinh doanh đều được xem là sử dụng đất vào mục đích kinh tế, thương mại. Đồng thời, xem xét Điều 116 về đấu giá quyền sử dụng đất đối với các trường hợp sử dụng đất vào mục đích kinh tế, thương mại cho cụ thể, sát hợp theo hướng mục đích sử dụng đất như đề nghị nêu trên.

Về trình tự, thủ tục thu hồi đất, điểm mới trong dự án luật lần này tôi cho rằng đã quy định thu hồi đất tương đối rõ, tức là thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ các khu tái định cư. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải quy định rõ thêm về thời điểm thông báo thu hồi đất và thẩm quyền rõ ràng hơn theo hướng cần xem xét, cân nhắc xác định rõ hơn và dứt khoát phải xác định thời điểm trước khi thu hồi đất trong Điều 68 là thời điểm ra quyết định thu hồi của cấp có thẩm quyền.

Vừa qua, tình trạng do không rõ ràng về thời điểm thu hồi đất cho nên xảy ra rất nhiều vấn đề phát sinh phức tạp trên thực tiễn. Đồng thời, tôi đề nghị bổ sung về trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu chính quyền các cấp để khắc phục 4 sai phạm hiện nay thuộc về lĩnh vực thu hồi đất như là sai quy hoạch, sai mục đích sử dụng, sai thẩm quyền, sai trình tự, thủ tục thu hồi đất. Tôi cho rằng, đây chính là vấn đề quan trọng nhằm khắc phục tình trạng tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện trong quản lý đất đai.

Về hạn mức giao đất, tôi đề nghị giữ hạn mức giao đất nông nghiệp tối đa 10ha, không phân biệt hạn mức cây hàng năm và cây lâu năm ở đồng bằng như Luật đất đai hiện hành. Vừa qua, tại kỳ họp thứ 4 tôi có đề nghị đây là thực tiễn phát sinh để khắc phục khó khăn hiện nay trong công tác quản lý giữa đất trồng cây lâu năm chuyển sang cây hàng năm mà vướng về thời gian giao đất.

Cuối cùng tôi đề nghị cần cụ thể hóa tối đa các nội dung quan trọng trong dự án luật, mặt khác tôi rất mừng lần này trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có kèm 3 nghị định: Nghị định chi tiết thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị định về công tác thực hiện giá đất, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính. Tôi thấy 3 nghị định này chưa cụ thể hơn dự án luật. Chính vì vậy, nó không khắc phục được tồn tại hiện nay là các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu chặt chẽ. Từ đó, tôi đề nghị trong thời gian từ nay đến ngày 21, nếu có điều kiện sửa đổi, bổ sung được, thì cố gắng tập trung sửa đổi để Quốc hội có thể thông qua tại kỳ họp này.

Xin cảm ơn Quốc hội.

Tin xem nhiều