Báo Đồng Nai điện tử
En

Thẳng thắn đánh giá những tồn tại, khó khăn

07:07, 06/07/2023

6 tháng đầu năm, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2023 đã được các đại biểu tham dự Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12 (khóa XI) thẳng thắn chỉ ra.

6 tháng đầu năm, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2023 đã được các đại biểu tham dự Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12 (khóa XI) thẳng thắn chỉ ra.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: C.Nghĩa
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: C.Nghĩa

Theo nhiều đại biểu, dù tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh xếp thứ 2 khu vực Đông Nam bộ nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp chưa phục hồi được sản xuất, khó tiếp cận nguồn vốn, dẫn đến việc người lao động thiếu việc làm, thu ngân sách bị ảnh hưởng.

* Gỡ nút thắt tái định cư

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu nêu tại các tổ thảo luận là tình hình chậm bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn đầu tư công chưa được khắc phục triệt để.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, nguyên nhân chậm trễ vẫn là khó khăn trong bố trí tái định cư cho người dân bị thu hồi đất phục vụ triển khai các dự án. Nhiều địa phương dù đền bù xong cho dân bị thu hồi đất nhưng vẫn chưa có nơi tái định cư. Có địa phương, giải quyết tình thế bằng cách hỗ trợ tiền cho dân thuê nhà trong lúc chờ tái định cư nhưng không được dân đồng tình và ra điều kiện phải có chỗ tái định cư mới chịu chuyển đi.

Theo Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Nguyễn Hồng Quế, tỉnh đang thực hiện dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với gần 3,6 ngàn hộ dân bị thu hồi đất, nhưng cả TP.Biên Hòa và H.Long Thành vẫn chưa xong khu tái định cư cho người dân chuyển đến ở. Nhiều người dân bị thu hồi đất đã hỏi cán bộ, dân sẽ được tái định cư ở chỗ nào? Khi nào thì được tái định cư? Nhưng cán bộ phụ trách không trả lời được. Thậm chí có tình trạng “nợ” tái định cư, khiến người dân phải mất nhiều năm chờ đợi mới được nhận suất tái định cư.

Hiện tại, tỉnh đã quy hoạch nhiều khu tái định cư nhưng vốn đầu tư chưa bố trí được. Đại biểu đặt vấn đề, tỉnh đang triển khai nhiều dự án giao thông lớn như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường kết nối sân bay, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường vành đai 3 - TP.HCM; sắp tới là Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Đường vành đai 4 - TP.HCM và nhiều tuyến tỉnh lộ khác nữa, nếu không quyết liệt triển khai sẵn các khu tái định cư sẽ tiếp tục khó khăn trong giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng và sẽ tác động đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

* Khi nào chấm dứt tình trạng mưa là ngập?

Mỗi lần vào mùa mưa, vấn đề ngập nước ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở khu vực đô thị lại khiến người dân bức xúc. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho hay, qua tiếp xúc cử tri, người dân bức xúc vì cứ đến mùa mưa lại xảy ra tình trạng ngập nước. Người dân mong muốn Nhà nước đầu tư giải quyết dứt điểm tình trạng này, tạo thuận lợi cho quá trình đi lại và sinh sống.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG: Kiểm soát chặt chẽ, không để bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết

Đồng Nai đang vào cao điểm mùa mưa, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết rất cao. Các địa phương phải chủ động “đánh chặn” từ xa bằng cách tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Tổ chức các chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường, diệt muỗi và lăng quăng để phòng, chống dịch bệnh. Phải quyết liệt kiểm soát, không để bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho rằng, tình hình chống ngập ở TP.Biên Hòa năm nay tốt hơn các năm trước. Cụ thể, năm 2022 có 23 điểm ngập thì đã khắc phục được 16 điểm. Năm 2023 này, thành phố còn 6 điểm ngập, trong đó có 5 điểm thuộc thẩm quyền xử lý của thành phố và 1 điểm trên quốc lộ 1, gần Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, thuộc thẩm quyền của Khu Quản lý đường bộ 4 (Bộ GT-VT).

Nói về giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước trong thời gian tới, ông Đỗ Khôi Nguyên cho biết, thành phố vừa khởi công dự án Chống ngập trên đường Đồng Khởi (điểm P.Trảng Dài - P.Tân Phong). Nếu thời tiết thuận lợi thì trong năm 2023 sẽ hoàn thành, hoặc chậm nhất là hết quý I-2024. Liên quan đến dự án Chống ngập trên đường Võ Nguyên Giáp (gần Khu du lịch Vườn Xoài, P.Phước Tân) vốn dự kiến lên đến 1 ngàn tỷ đồng đang được Sở KH-ĐT xem xét chủ trương đầu tư. Ngoài ra, một số dự án chống ngập khác cũng đang được triển khai.

* Quyết liệt bảo vệ môi trường

Thời gian qua, người dân rất quan tâm, đồng tình với chủ trương di dời các khu chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề này.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho hay, toàn tỉnh hiện có khoảng 10 ngàn điểm chăn nuôi nhỏ lẻ và quy mô lớn. Sau khi có kế hoạch của Tỉnh ủy và chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Sở TN-MT đang khẩn trương phối hợp với các địa phương triển khai xử lý, di dời.

Cụ thể, đã có khoảng 50% cơ sở chăn nuôi trên toàn tỉnh được Sở TN-MT phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát. Khi đến kiểm tra các cơ sở chăn nuôi đều kết luận cụ thể việc có sai phạm hay không, mức độ gây ô nhiễm đến đâu, biện pháp khắc phục ra sao, thậm chí là đình chỉ hoạt động lâu dài. Bên cạnh đó, cũng đưa ra các hình thức xử phạt theo mức độ sai phạm nếu có theo thẩm quyền của từng cấp.

Ông Đặng Minh Đức cho hay, theo kế hoạch, trong tháng 7 sẽ hoàn thành công tác kiểm tra, rà soát tất cả các điểm chăn nuôi trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, do số lượng cơ sở chăn nuôi rất lớn, khoảng 10 ngàn điểm chăn nuôi nhỏ lẻ cấp địa phương quản lý và 160 điểm quy mô lớn thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh nên Sở TN-MT đề nghị với UBND tỉnh gia hạn thời gian. Dự kiến tuần tới, Sở sẽ làm việc với chủ các cơ sở chăn nuôi lớn, chuyên chăn nuôi gia công cho các công ty để đưa ra giải pháp xử lý, khắc phục.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều