Báo Đồng Nai điện tử
En

Không ngừng ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin

08:07, 19/07/2023

Nhiều năm qua, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vẫn đang tiếp tục hành trình kiện các công ty hóa chất Mỹ về việc sử dụng chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam và nhận được ngày càng nhiều sự ủng hộ của cộng đồng tiến bộ quốc tế.

Nhiều năm qua, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vẫn đang tiếp tục hành trình kiện các công ty hóa chất Mỹ về việc sử dụng chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam và nhận được ngày càng nhiều sự ủng hộ của cộng đồng tiến bộ quốc tế. Vụ kiện chưa đạt được kết quả như mong muốn của chúng ta, các thế lực thù địch nhân “cơ hội” này làm video clip bình luận với giọng điệu đầy “hả hê”.

Clip trên trang t. bàn về vụ kiện da cam của Việt Nam
Clip trên trang t. bàn về vụ kiện da cam của Việt Nam

Cụ thể, ngày 1-7, trang t. - tự giới thiệu có địa chỉ tại nước ngoài -  đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội Facebook với tiêu đề: “Hồ sơ vụ kiện da cam, vì sao VN thua kiện”. Clip này kéo dài gần 10 phút, trong đó những luận điệu hết sức sai trái, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của cộng đồng quốc tế: “Đến giờ này, nhiều em học sinh vẫn nghĩ rằng nguyên nhân gây quái thai, dị dạng là do chất độc màu da cam đã rải xuống Việt Nam. Như vậy có đúng không? Tất nhiên là không rồi. Đó chỉ là loại thuốc khai hoang làm rụng lá cây ở những cánh rừng rậm rạp và lượng độc chỉ đủ để rụng lá chứ không làm chết cây (?). Vài năm sau những cánh rừng đó lại phát triển trở lại. Mục đích (của việc rải chất dioxin - PV) là không để Việt cộng có nơi ẩn nấp…”.

* Còn đó nỗi đau da cam

Theo cuốn 120 câu hỏi - đáp về chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ, phần lớn là chất da cam/dioxin (chất độc nhất mà con người biết được từ trước đến nay) xuống 1/4 diện tích đất tự nhiên ở miền Nam Việt Nam.

Bàn về sự độc hại của dioxin, cuốn sách trên cho rằng: “Dioxin là một loại chất cực độc, với liều lượng rất thấp cỡ 14-37 phần tỷ miligam trên 1kg thể trọng trong 1 ngày (24 giờ) đã gây tác hại đối với con người. Vì vậy, năm 1998, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với hệ số an toàn bằng 10, quy định liều phơi nhiễm cho phép là 1-4 phần tỷ miligam trên 1kg thể trọng trong thời gian ngày (24 giờ). Ảnh hưởng của dioxin đối với con người phụ thuộc vào các yếu tố quan trọng sau: liều phơi nhiễm, thời gian phơi nhiễm, độ tuổi (trẻ con, bào thai là những đối tượng nhạy cảm nhất đối với dioxin), cơ địa của người bị phơi nhiễm, chế độ và khẩu phần ăn (chủ yếu là thực phẩm động vật). Liều gây ung thư gan đối với chuột là 210 phần tỷ miligam trên 1kg thể trọng trong 1 ngày (24 giờ). Liều gây chết một nửa số động vật thí nghiệm (ký hiệu là LD50) đối với khỉ là 70 phần ngàn mg trên 1kg thể trọng”.

Chất độc dioxin không chỉ tàn phá môi trường mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống con người. Khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người được ghi nhận là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Không chỉ người Việt Nam mà những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam cũng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên nhấn mạnh: Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng những hậu quả nặng nề của nó vẫn còn dai dẳng. Nhiều hệ sinh thái bị phá hủy bởi chất độc da cam/dioxin chưa thể phục hồi. Nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin thiệt mạng và chịu nhiều di chứng nặng nề; con cháu của họ, thậm chí đến thế hệ thứ tư, thứ năm sinh sau chiến tranh hàng chục năm, vẫn đang phải vật lộn, chống chọi với các di chứng, bệnh tật hiểm nghèo.

“Trong nhiều năm làm công tác ở Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, tôi có cơ hội đến thăm, chia sẻ với những nạn nhân da cam. Có những hoàn cảnh nạn nhân chất độc da cam rất khó khăn, họ gánh chịu nỗi đau rất lớn về thể xác lẫn tinh thần nên 2-3 thành viên trong gia đình phải dành thời gian chăm sóc, từ đó ảnh hưởng đến công việc làm ăn, kinh tế gia đình kiệt quệ. Thậm chí, có những gia đình có đến 2-3 nạn nhân da cam, hoàn cảnh rất thương tâm…” - bà Đào Nguyên chia sẻ.

* Hành trình đòi công lý bền bỉ, lâu dài vì lương tri

Với những nỗi đau do chất độc da cam/dioxin gây ra từ chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam, từ năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tiến hành kiện các công ty hóa chất và sản xuất, thương mại chất độc da dam/dioxin của Hoa Kỳ, yêu cầu các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả chất độc da cam/dioxin đã gây ra tại Việt Nam. Qua gần 20 năm, hành trình theo đuổi công lý cho những nạn nhân da cam vẫn đang tiếp tục.

Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên, mặc dù hành trình đòi công lý chưa có kết quả về mặt pháp lý như mong muốn nhưng đã tạo dấu ấn đậm nét về mặt nhân văn và xã hội trong cộng đồng tiến bộ quốc tế.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên khẳng định: “Nhận thức của cộng đồng thế giới về hành trình đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam/dioxin ngày càng lan tỏa, nhận được sự ủng hộ chia sẻ tích cực, tiến bộ. Do đó, việc các thế lực thù địch bày tỏ sự hả hê, đắc chí… mỗi khi hành trình này trục trặc, khó khăn, chỉ là thiểu số, cần phải đấu tranh triệt để và sớm muộn gì quan điểm sai trái đó cũng bị đẩy lùi”.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào ngày 4-2-2020, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về việc bà Trần Tố Nga (78 tuổi, người Pháp gốc Việt) được một tòa án tại Pháp chấp thuận xét xử vụ kiện cáo buộc 14 công ty bán chất độc da cam đã gây ra tổn hại đau đớn cho bà và các con, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Việt Nam phải chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da dam/dioxin. Chúng tôi ủng hộ việc các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty hóa chất và sản xuất, thương mại chất độc da dam/dioxin của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Việt Nam cho rằng, các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả chất độc da cam/dioxin đã gây ra tại Việt Nam”.

Lâm Viên

Tin xem nhiều