Thời gian gần đây, trong một bộ phận cán bộ, công chức đang xuất hiện tâm lý "an phận thủ thường", làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm thì không sai, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử...
Thời gian gần đây, trong một bộ phận cán bộ, công chức đang xuất hiện tâm lý “an phận thủ thường”, làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm thì không sai, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử...
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại Đảng ủy P.Tam Phước (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.HẰNG |
Tâm lý này nếu không sớm có “thuốc” trị sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ ở từng cơ quan, đơn vị và sự phát triển chung.
Tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên
Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bùi Quang Huy cho biết, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 2 năm vừa qua Tỉnh ủy đều chọn các chuyên đề liên quan đến tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên thực tế, có một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa chấp hành đúng nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Thiếu tướng NGUYỄN SỸ QUANG, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Công an tỉnh nhận định, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân, trong đó có hạn chế về thể chế, quy định không rõ ràng dẫn đến khó thực hiện. Bên cạnh đó, có “bệnh” sợ trách nhiệm, “bệnh” này là một trong những lực cản phát triển kinh tế - xã hội. Có người không liên quan trách nhiệm gì cũng lợi dụng tình hình để “sợ”, không chịu làm. |
Do đó, các cấp ủy, chính quyền cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Chỉ khi làm thật tốt và làm thực sự thì mới tránh được tình trạng né tránh, trốn việc đang biểu hiện ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay.
Ở một số cơ quan, đơn vị, vì lý do nào đó, có một hoặc vài người bị kỷ luật chứ không phải toàn bộ cơ quan đó bị kỷ luật nhưng rất nhiều người đã nhân cơ hội này để trốn việc, không thực thi công vụ. Nếu không xử lý được cán bộ, công chức chây ì, trốn việc thì không bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm vì trách nhiệm chung.
Phó bí thư thường trực phụ trách điều hành hoạt động của Đảng bộ TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Đạt cho biết, trên địa bàn TP.Biên Hòa đang triển khai rất nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và thành phố, nhưng không ít công trình, dự án tiến độ thực hiện rất chậm, còn nhiều vướng mắc, do nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, dự án đường Hương lộ 2 nối dài (đoạn qua P.An Hòa) đã đền bù được hơn 90% diện tích của dự án, phần còn lại chỉ 170m của một công ty nhưng đến nay chưa giải phóng được mặt bằng do chưa xác định được phương án đền bù hay hỗ trợ. Vừa qua, TP.Biên Hòa đã đề xuất với tỉnh xem xét cho ý kiến về phương án giải quyết vấn đề này.
Bên cạnh vướng mắc trên, dự án đường Hương lộ 2 còn có vướng mắc khác là, dự án này có 2 đoạn: đoạn 24m và đoạn 60m, nhưng cơ quan chức năng chỉ ban hành bảng giá đền bù cho đoạn 60m mà không có bảng giá đền bù đoạn 24m. TP.Biên Hòa đã kiến nghị nội dung này lên một sở chức năng của tỉnh và đề xuất phương án giải quyết nhưng sở trả lời, đề xuất của Biên Hòa chưa đảm bảo theo quy định. Vậy làm thế nào mới đảm bảo theo quy định thì sở đó lại chưa chỉ được cho Biên Hòa?
Phải tháo được “điểm nghẽn”
Để khắc phục “bệnh” sợ trách nhiệm, PGS-TS Lê Văn Cường, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ, công chức phải kiên định, tin tưởng mục tiêu do Đảng đề ra, không hoang mang dao động về chính trị tư tưởng, có niềm tin vào sự nghiệp đổi mới đất nước, có bản lĩnh chính trị, nhạy bén, luôn nêu cao cảnh giác, có thái độ đúng đắn trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - xã hội, phân biệt rõ đối tượng, đối tác.
Hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; những điều gì còn bất cập thì nhanh chóng sửa đổi theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn để không gây tâm lý lo sợ trong thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Đồng thời, đánh giá đúng, công tâm, khách quan trong công tác cán bộ để ngăn ngừa được tình trạng “tranh công, đổ lỗi”, việc nhẹ, việc dễ và có “bổng lộc” thì nhận, còn việc khó đùn đẩy cho người khác, cho tập thể. Tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức và thực hiện tốt khen thưởng, kỷ luật nhằm khắc phục “bệnh” sợ trách nhiệm.
Phương Hằng