Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ không "ngừng", không "nghỉ"

08:04, 26/04/2023

Trong khi các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn ra sức xuyên tạc, bôi nhọ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực của Đảng ta thì từ đầu năm đến nay, công tác PCTN tiếp tục được các cơ quan chức năng đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Trong khi các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn ra sức xuyên tạc, bôi nhọ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực của Đảng ta thì từ đầu năm đến nay, công tác PCTN tiếp tục được các cơ quan chức năng đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 54 bị can trong đại án “chuyến bay giải cứu”. Ảnh minh họa: VGP
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 54 bị can trong đại án “chuyến bay giải cứu”. Ảnh minh họa: VGP

Qua đó cho thấy quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ với tinh thần “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh.

* Đẩy mạnh xử lý các vụ án tham nhũng

Tổng bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG khẳng định: “Đẩy mạnh PCTN và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh”.

Thời gian qua, các thế lực thù địch, cơ hội, bất mãn chính trị vẫn ra sức phủ nhận đường lối, chủ trương cũng như kết quả trong công tác PCTN mà Đảng ta đang quyết tâm thực hiện. Chúng rêu rao rằng, đấu tranh PCTN, xử lý cán bộ, đảng viên là “đấu đá nội bộ, phe cánh”, “thanh trừng phe phái” và chỉ gây tổn thất cho đất nước. Mặt khác, sau khi nhiều cán bộ lãnh đạo bị phát hiện và xử lý liên quan đến tham nhũng thì còn xuất hiện những luận điệu như chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước. Và cuối cùng, chúng hướng đến luận điệu “để bài trừ tham nhũng ở Việt Nam thì phải thay đổi chế độ”, qua đó phơi bày âm mưu “diễn biến hòa bình”, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Mới đây, trang tiếng Việt của một hãng truyền thông nước ngoài lại đăng tải bài viết bình luận về công tác PCTN ở nước ta với những luận điệu cho rằng “thiếu tính chuyên nghiệp và hy sinh đời bố, củng cố đời con” hay chống tham nhũng kiểu “giật gấu, vá vai, lặt vặt, không giải quyết vấn đề gì”…

Bên cạnh đó, vào dịp cả nước tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, không ít luận điệu lại xuyên tạc về giá trị, phủ nhận ý nghĩa của cuốn sách như cuốn sách chỉ để “đánh bóng tên tuổi”, không hề có ý nghĩa gì ngoài mị dân…

Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, công tác PCTN đã và đang khẳng định sức mạnh của kỷ luật đảng và không thể dừng lại. Bởi đó là sợi dây gắn kết, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và cũng là công cụ để Đảng tự thanh lọc chính mình. Những tháng đầu năm nay, cuộc chiến chống tham nhũng tiếp tục được các cơ quan chức năng đẩy mạnh với nhiều vụ án được phát hiện, xử lý nghiêm minh, được đông đảo người dân quan tâm, theo dõi.

Theo Bộ Công an tại cuộc họp báo về tình hình, kết quả các mặt công tác công an quý I-2023, nhiệm vụ công tác trọng tâm thời gian tới, cơ quan điều tra đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Trong quý I, cơ quan chức năng đã phát hiện 218 vụ, 708 người phạm tội về tham nhũng và chức vụ; hơn 1.500 vụ, gần 2 ngàn người phạm tội về trật tự quản lý kinh tế.

Đặc biệt, liên quan đến đại án “chuyến bay giải cứu”, ngày 19-4 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 54 bị can về các tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối hộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong đó, 18 bị can bị truy tố về tội nhận hối lộ với khung hình phạt tù có thể lên đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình, số tiền hối lộ lên đến 165 tỷ đồng. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng được người dân quan tâm, thiệt hại không chỉ đo đếm bằng số tiền các đối tượng hối lộ và nhận hối lộ. Việc đề xuất khung hình phạt nghiêm khắc trong vụ án hối lộ và nhận hối lộ liên quan đến các chuyến bay giải cứu cũng cho thấy quyết tâm rất lớn trong xử lý tội phạm tham nhũng.

* Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn

Các vụ việc liên quan đến tham nhũng được đẩy nhanh tiến độ xử lý trong thời gian qua đã minh chứng cho những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong đấu tranh PCTN, tiêu cực với tinh thần “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Đồng thời, đập tan các luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch. Công cuộc PCTN không chỉ được thực hiện từ một phía mà còn nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Chúng ta cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo dấu ấn rõ nét trong công tác PCTN. Từ đó, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có mặt thuyên giảm. Điều này cũng được nêu rõ qua báo cáo của Chính phủ về tổng kết Chiến lược quốc gia PCTN năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước LHQ về chống tham nhũng vừa được Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ngày 24-4. Theo đó, các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng được thực hiện đồng bộ với quyết tâm chính trị ngày càng cao, hành động mạnh mẽ, “không dừng”, “không nghỉ”, không có ngoại lệ.

Chỉ số nhận thức về tham nhũng của Việt Nam do tổ chức Minh bạch quốc tế đánh giá ngày càng tăng. Năm 2009, Việt Nam chỉ được 2.6/10 điểm, đứng thứ 120/180 quốc gia, thì đến năm 2021 đã đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87/180 trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Theo báo cáo, các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động nhận diện kịp thời các vấn đề nóng, nhạy cảm, phức tạp, các hành vi vi phạm để triển khai các biện pháp, chọn khâu đột phá để phát hiện, đấu tranh trong những lĩnh vực nhạy cảm, dư luận bức xúc như: y tế, giáo dục, chứng khoán, đấu thầu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Điển hình là Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Á về tội đưa hối lộ; Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC phạm tội thao túng thị trường chứng khoán; Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) phạm tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng...

Thảo Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích