Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực xây dựng thành phố văn minh, hiện đại

07:04, 21/04/2023

48 năm trước, ngày 21-4-1975, Chiến dịch giải phóng Xuân Lộc đã mở toang "cánh cửa thép" bảo vệ chế độ Sài Gòn ở hướng Đông, TP.Long Khánh được giải phóng, tạo đà cho quân ta tiến vào giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước.

48 năm trước, ngày 21-4-1975, Chiến dịch giải phóng Xuân Lộc đã mở toang “cánh cửa thép” bảo vệ chế độ Sài Gòn ở hướng Đông, TP.Long Khánh được giải phóng, tạo đà cho quân ta tiến vào giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước.

Một góc đô thị Long Khánh hôm nay
Một góc đô thị Long Khánh hôm nay

Từ một vùng đất nghèo, bị chiến tranh, bom đạn tàn phá, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP.Long Khánh đã kế thừa xứng đáng truyền thống anh hùng, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, vươn lên xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại, an toàn.

Ký ức không quên…

Ông Trần Văn Phú, nguyên chiến sĩ Đội Công binh xưởng quân giới Thị đội Long Khánh (Ban Chỉ huy quân sự TP.Long Khánh ngày nay) là người đã chế tạo thành công “bệ phóng bom bay”, dùng đạn lép của địch chế tạo thành vũ khí đánh địch. Nhờ đó, Đội Công binh xưởng của ông đã đánh hơn 70 trận lớn, nhỏ; tiêu diệt gần 1 ngàn tên địch, góp phần to lớn vào chiến dịch giải phóng Long Khánh cách đây 48 năm.

Trong quá trình xây dựng, phát triển, TP.Long Khánh luôn biết ơn, tri ân 131 bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều liệt sĩ, thương binh, gia đình có công để nỗ lực vươn lên hoàn thành các mục tiêu phát triển.

Theo ông Phú, lúc đó ngụy quyền Sài Gòn xác định mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Đối với ta, muốn giải phóng Sài Gòn thì phải mở được “cánh cửa thép” Xuân Lộc nên cuộc chiến đấu giữa ta và địch vô cùng ác liệt, diễn ra liên tục trong 12 ngày đêm (từ ngày 9 đến 21-4-1975).

“Với khí thế tiến công như vũ bão, quân chủ lực của ta nổ súng đồng loạt tấn công vào các điểm cùng với địa phương tiến lên phối hợp đánh từ trong ra; người dân hỗ trợ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội, quân ta đã mở “cánh cửa thép” vào sáng 21-4-1975. Sĩ quan, binh lính ngụy tháo chạy tán loạn, tạo thời cơ thuận lợi để đại quân ta tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước” - ông Phú kể lại.

Cựu chiến binh Phạm Quốc Thân, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 (Quân khu 4 ngày nay) xúc động cho hay, khi các đơn vị nhận lệnh tiến vào giải phóng mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc - Long Khánh, được sự hỗ trợ của nhân dân địa phương, quân chủ lực của ta đánh đến đâu, giải phóng đến đó, đúng với khí thế tiến công như vũ bão. Đến hơn 8 giờ sáng 21-4-1975, “cánh cửa thép” được mở toang, trở thành dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP.Long Khánh ngày nay.

Từng là trinh sát biệt động dẫn đường cho quân chủ lực của ta tiến vào giải phóng TP.Long Khánh, ông Đào Bá Lượng vẫn xúc động khi nghĩ về những ngày tháng khói lửa năm xưa. Ông Lượng nói: “Khi nhận lệnh tấn công mở “cánh cửa thép”, tôi và nhiều đồng đội như đi trên mây, vô cùng vui sướng dù biết đây là trận chiến giằng co ác liệt giữa ta và địch. Anh em trong Đội biệt động luôn khao khát được bước vào chiến dịch, đánh thù, giải phóng quê hương nên dù có phải hy sinh, chúng tôi vẫn sẵn sàng”.

Hướng tới đô thị xanh, văn minh…

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vùng đất thép từng bị bom đạn cày xới tiếp tục gặp không ít khó khăn; từ năm 1991, địa phương được chia thành 2 đơn vị hành chính: H.Xuân Lộc và H.Long Khánh (TP.Long Khánh bây giờ).

Cựu chiến binh Trần Văn Phú kể về thời khắc chế tạo vũ khí đánh địch
Cựu chiến binh Trần Văn Phú kể về thời khắc chế tạo vũ khí đánh địch

Theo Bí thư Thành ủy Long Khánh Hồ Văn Nam, với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, quân và dân nơi đây, Long Khánh đang từng ngày thay da đổi thịt. Đời sống nhân dân được nâng lên; số hộ giàu, khá tăng lên nhanh chóng; thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 145 triệu đồng, tăng 41,42 lần thời điểm mới chia tách địa phương, tăng 17 lần so với năm 2004 (khi TX.Long Khánh được thành lập) và tăng 2,16 lần so năm 2014. Long Khánh  là một trong 2 đơn vị cấp huyện đầu tiên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.

“Nhìn lại nửa nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành đạt và vượt các nhiệm vụ chính trị của địa phương theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy… Đây là yếu tố để toàn dân đồng thuận cùng cấp ủy, chính quyền, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng đô thị Long Khánh đạt chuẩn loại II trước năm 2025, thực sự là thành phố xanh, văn minh, hiện đại, an toàn” - Bí thư Thành ủy Long Khánh Hồ Văn Nam nhấn mạnh.

Nửa nhiệm kỳ 2020-2025, TP.Long Khánh huy động mọi nguồn lực nâng cấp, chỉnh trang, phát triển đô thị theo hướng ưu tiên xây dựng công trình công cộng như: Nâng cấp công viên Bia Chiến thắng, P.Xuân An từ nguồn vốn hỗ trợ của Hội Doanh nghiệp Long Khánh; cải tạo công viên Vườn Dầu; phố đi bộ…

Đến nay, hệ thống giao thông đô thị của thành phố đã được nhựa hóa trên 98%; đường liên xã và đường trục chính các xã được bê tông hóa, nhựa hóa đạt 100%; tỷ lệ hộ dân dùng điện sinh hoạt đạt 99,9%; trên 98% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; 98,1% ấp, khu phố văn hóa; 100% phường, xã đạt chuẩn “Phường văn minh đô thị”, “Xã văn hóa nông thôn mới”…

Từng sinh sống tại Long Khánh trước năm 1975, ông Lê Trung Thảo cho rằng, sự đổi thay của thành phố theo hướng đời sống người dân ngày càng được nâng cao; hình hài đô thị xanh, văn minh, hiện đại, an toàn và đáng sống đang hiện hữu. Điều này cho thấy cấp ủy, chính quyền các cấp ở Long Khánh đã và đang kế thừa xứng đáng truyền thống đấu tranh cách mạng, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành xây dựng đô thị đáng sống, vì dân.

“Người dân chúng tôi phải có trách nhiệm cùng cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị đoàn kết, nỗ lực chung tay vì thành phố xanh, văn minh, hiện đại, an toàn” - ông Thảo nói.

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều