Hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã từng bước được đổi mới, cải tiến cả về nội dung lẫn hình thức; vai trò, trách nhiệm của ĐBQH tỉnh ngày càng được tăng cường; ý thức tham gia đóng góp ý kiến xây dựng địa phương, đất nước của cử tri ngày càng nâng cao...
Hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã từng bước được đổi mới, cải tiến cả về nội dung lẫn hình thức; vai trò, trách nhiệm của ĐBQH tỉnh ngày càng được tăng cường; ý thức tham gia đóng góp ý kiến xây dựng địa phương, đất nước của cử tri ngày càng nâng cao...
Cử tri TP.Biên Hòa phát biểu tại hội nghị tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri, sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Hồ Thảo |
Đó là kết quả nổi bật sau 10 năm Nghị quyết liên tịch số 525 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc TXCT của ĐBQH (gọi tắt là Nghị quyết 525) được ban hành năm 2012.
Thêm cải tiến, đổi mới
Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bùi Xuân Thống, từ khi Nghị quyết 525 được ban hành, hoạt động TXCT của ĐBQH, Đoàn ĐBQH tỉnh ngày càng đi vào nề nếp; mối quan hệ giữa ĐBQH và cử tri ngày càng được củng cố, gắn bó chặt chẽ. Trong khi ĐBQH ngày càng tăng cường vai trò trách nhiệm thì cử tri cũng ngày càng có ý thức hơn trong việc tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị xây dựng địa phương, đất nước. Đặc biệt là thông qua TXCT, nhiều vấn đề quan trọng, chương trình nghị sự của Quốc hội đã được các ĐBQH tiếp thu, chọn lọc từ ý kiến, kiến nghị của cử tri, góp phần hiện thực hóa chính sách, pháp luật trong đời sống thực tiễn.
10 năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức được 449 cuộc TXCT với hơn 54 ngàn cử tri tham dự. Qua đó, đã tổng hợp được hơn 3,5 ngàn ý kiến, kiến nghị của cử tri báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và chuyển đến các cơ quan thẩm quyền đề nghị xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định pháp luật… |
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà cho biết, thực hiện Nghị quyết 525, thời gian qua, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo ủy ban MTTQ cấp huyện tổ chức, chủ trì hội nghị TXCT của ĐBQH, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cử tri tham dự các cuộc tiếp xúc của ĐBQH. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan, chức, đơn vị ở địa phương; phối hợp tổ chức để cử tri góp ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và chương trình hành động mà ĐBQH đã hứa trước cử tri.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Ủy viên thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Biên Hòa cho biết, thực hiện kế hoạch TXCT của Đoàn ĐBQH, Ủy ban MTTQ thành phố đã chủ trì tổ chức cuộc họp mời HĐND, UBND và các ngành có liên quan để chuẩn bị nội dung, phân công nhiệm vụ và rà soát, nắm tình hình ý kiến kiến nghị của cử tri. Đồng thời, tuyên truyền cho cử tri tham gia phát biểu những ý kiến mang tính xây dựng chung mang tầm đất nước, thay vì những vụ việc có tính chất khiếu nại, tố cáo cụ thể mang tính cá nhân. Nhờ vậy, thời gian qua, chất lượng buổi TXCT với ĐBQH trên địa bàn đã nâng lên.
Không để TXCT thành buổi khiếu nại, tố cáo
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 525 vẫn còn một số hạn chế.
Đại diện ủy ban MTTQ các cấp và các ĐBQH đều nhìn nhận, tại hội nghị TXCT, cử tri thường nêu ý kiến, kiến nghị các vấn đề liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của địa phương (chủ yếu là cấp huyện, xã), ít đề cập đến các vấn đề lớn ở tầm vĩ mô thuộc chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH. Nhiều ý kiến mang tính chất cá nhân, khiếu nại về đất đai, tranh chấp tài sản, thi hành án... được cử tri mang đến đề nghị ĐBQH xem xét, giải quyết. Tình trạng ĐBQH tiếp xúc với đại diện cử tri, với “cử tri chuyên nghiệp” vẫn còn tồn tại. Việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri của các cơ quan thẩm quyền (trung ương, địa phương) có lúc còn chậm; nội dung chưa đi vào trọng tâm, chưa thuyết phục cử tri…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Long Thành Nguyễn Tấn Hưng cho biết, Long Thành là địa bàn “nóng” về đất đai, xây dựng. Do vậy, dù đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng song tại các buổi TXCT, phần nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đều chỉ xoay quanh vấn đề cá nhân về đất đai, xây dựng, ít đóng góp những vấn đề lớn về kinh tế - xã hội cho địa phương, đất nước. Công tác chủ trì buổi TXCT vì thế cũng gặp ít nhiều khó khăn.
Nhiều ý kiến từ ĐBQH và ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cho rằng, nếu lãnh đạo địa phương quan tâm giải quyết rốt ráo, xác đáng những ý kiến, bức xúc của cử tri, không để việc nhỏ tạo bức xúc kéo dài; đồng thời, kịp thời thông tin kết quả giải quyết đến cử tri thì chất lượng buổi TXCT sẽ nâng lên rất nhiều. Mặt khác, cần có chế tài để thúc đẩy trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền (trung ương, địa phương) trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri…
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt độngTXCT, các cơ quan có liên quan phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình. Đặc biệt, phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân…
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh lưu ý, lực lượng công an phải chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt từ sớm, từ xa những bức xúc, tình hình trong nhân dân nhằm kịp thời ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tự do dân chủ, lợi dụng diễn đàn TXCT để chống phá, gây mất an ninh trật tự. Ủy ban MTTQ tổ chức chặt chẽ, chu đáo, có định hướng nội dung để cử tri phát biểu đúng trọng tâm, đúng với vai trò, chức năng của Quốc hội và ĐBQH, không để buổi TXCT thành buổi khiếu nại, tố cáo. Văn phòng Đoàn ĐBQH tiếp tục tham mưu cho Đoàn ĐBQH tăng cường hoạt động giám sát, TXCT chuyên đề một cách đa dạng, linh hoạt, phù hợp nhằm kịp thời nắm bắt, giải quyết những vấn đề nóng hổi, liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân…
Hồ Thảo