Trong năm 2022 mặc dù có rất nhiều khó khăn tác động tiêu cực đến thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của tỉnh, nhưng đến nay, hầu hết các chỉ tiêu mà Tỉnh ủy đề ra cho năm nay đã thực hiện đạt và vượt. Nổi bật là GRDP của tỉnh tăng 9,22%, thuộc tốp cao trong các tỉnh vùng Đông Nam bộ…
Trong năm 2022 mặc dù có rất nhiều khó khăn tác động tiêu cực đến thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của tỉnh, nhưng đến nay, hầu hết các chỉ tiêu mà Tỉnh ủy đề ra cho năm nay đã thực hiện đạt và vượt. Nổi bật là GRDP của tỉnh tăng 9,22%, thuộc tốp cao trong các tỉnh vùng Đông Nam bộ…
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường cùng lãnh đạo các đơn vị của tỉnh, H.Vĩnh Cửu thăm xưởng sản xuất của Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam. Ảnh: P.HẰNG |
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tuy đã phục hồi mạnh mẽ nhưng để tiếp tục thực hiện được các chỉ tiêu, nhiệm vụ tiếp theo là cả quãng đường gian nan phía trước.
Còn nhiều khó khăn
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên nêu rõ, từ quý III-2022 trở lại đây, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp (DN) không chỉ không đảm bảo đủ việc làm cho người lao động mà còn khó tiếp cận vốn và gặp khó về các thủ tục đầu tư.
Vừa qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành tập trung công tác quy hoạch tổng thể chung của tỉnh và lập các quy hoạch phân khu nhưng có những loại quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (như quy hoạch chung đô thị Biên Hòa, Nhơn Trạch), do đó tỉnh muốn đẩy nhanh tiến độ việc này cũng không được.
Chánh Văn phòng Tỉnh ủy VIÊN HỒNG TIẾN cho biết, tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh mới đây, các ý kiến đã tập trung phân tích những thách thức, khó khăn mà tỉnh đang phải đối mặt và đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2023. Một số ý kiến đề nghị tỉnh cần có hội nghị chuyên đề bàn về giải pháp đẩy nhanh việc giải ngân vốn dự án đầu tư công và hội nghị chuyên đề về việc các DN gặp khó khăn, cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, an ninh trật tự… |
Mặt khác, hiện nay toàn tỉnh có 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng diện tích đất còn lại trong các khu công nghiệp chủ yếu nhỏ lẻ nên không đáp ứng việc thu hút những dự án có quy mô đầu tư lớn. Vì thế, thu hút đầu tư ở Đồng Nai hiện đang “đuối” hơn nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai cao nhưng thu nhập bình quân đầu người ở Đồng Nai lại thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố giáp ranh. Cụ thể, hiện nay thu nhập bình quân đầu người ở Đồng Nai là 133,6 triệu đồng/người/năm; trong khi thu nhập bình quân đầu người của TP.HCM là 157 triệu đồng và tỉnh Bình Dương là 166 triệu đồng. Thu nội địa của Đồng Nai cũng thấp hơn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Đồng Nai, chất lượng tăng trưởng trong cơ cấu kinh tế ở tỉnh ta không đồng bộ, hơn 56% dân số sống ở khu vực nông thôn nhưng tỉ trọng nông nghiệp chỉ chiếm 9,24% trong tăng trưởng GRDP. Các dịch vụ phục vụ cho công nghiệp và đời sống người dân rất yếu, thậm chí kém. Ở Đồng Nai chưa có địa điểm tổ chức các hội nghị mang tầm quốc gia, quốc tế. Mới đây, Bộ KH-ĐT có gợi ý Đồng Nai tổ chức hội nghị vùng để hướng dẫn, triển khai kế hoạch năm 2023 nhưng qua rà soát cơ sở vật chất của tỉnh chưa đảm bảo cho tổ chức hội nghị này.
Việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh mới đạt 58,24% kế hoạch năm. Ông Nguyễn Hữu Nguyên nhận định, có nhiều nguyên nhân tác động đến tiến độ giải ngân chậm, trong đó có việc không giải phóng được mặt bằng để thi công. Ngoài ra, còn có vướng mắc do không chuẩn bị được hồ sơ để thi công. Qua những vụ việc bị xử lý sai phạm thời gian qua, các sở, ngành rất e ngại và thận trọng trong khâu xử lý hồ sơ nên việc xử lý hồ sơ đã bị kéo dài so với trước đây.
Người lao động thiếu việc làm
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền thông tin, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 300 DN lớn, đến nay 80 DN bị giảm đơn hàng, 50 DN thiếu vốn do đang bị đối tác nợ tiền hàng, 40 DN thiếu nguyên liệu nhập khẩu và 40 DN không xuất khẩu được hàng hóa, qua đó khoảng 210 ngàn công nhân bị ảnh hưởng việc làm (trong đó 9 ngàn công nhân đang bị ngừng việc, trả lương theo thỏa thuận và hơn 1 ngàn công nhân đang tạm hoãn hợp đồng lao động). Trước mắt, các DN đang cố cầm cự, chưa cắt giảm lao động nhưng từ nay đến hết quý I-2023, nếu tình hình không chuyển biến tích cực thì buộc các DN phải cắt giảm lao động.
Sở LĐ-TBXH đã tham mưu với tỉnh có những chính sách hỗ trợ công nhân giảm bớt khó khăn, trong đó dịp Tết Nguyên đán 2023, tỉnh sẽ hỗ trợ khoảng 60 ngàn công nhân với tổng số tiền khoảng 30 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ công nhân bị mất việc mà không thể quay lại được thị trường lao động và đối tượng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Trong khi đó, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc công an tỉnh cho hay, năm 2022 Đồng Nai đã kéo giảm được 20% số vụ phạm pháp hình sự so với năm trước nhưng tội phạm lừa đảo lại gia tăng, chủ yếu lừa đảo thông qua môi trường mạng (tội phạm công nghệ cao).
Loại tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao gia tăng, chứng tỏ việc tuyên truyền nâng cao cảnh giác và sức đề kháng cho người dân, kể cả cán bộ, công chức, viên chức chưa mang lại hiệu quả cao. Các cơ quan chức năng đã khuyến cáo rất nhiều là cơ quan tư pháp, viện kiểm sát, tòa án, công an không bao giờ nhắn tin, gọi điện thoại, trao đổi qua Zalo, Facebook để mời người dân đến các cơ quan công quyền giải quyết công việc hoặc tống đạt các quyết định này, quyết định kia thế nhưng nhiều người vẫn “mắc bẫy” của loại tội phạm này và cứ tin theo những lời mời gọi, dụ dỗ như “việc nhẹ, lương cao”.
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang nêu rõ, việc đấu tranh xử lý loại tội phạm công nghệ cao còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, như: đây là loại tội phạm ẩn danh, xuyên biên giới, quốc gia… Do đó, hiệu quả đấu tranh tốt nhất với loại tội phạm này vẫn là cảnh giác, phòng ngừa. Từng cấp ủy phải quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo tuyên truyền đến từng người dân hiểu rõ loại tội phạm này, nâng cao cảnh giác để không bị mắc lừa.
Phương Hằng