Thông qua thực hiện các mô hình đáp ứng mong mỏi chính đáng của người dân ở địa bàn dân cư, các trưởng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố và chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã đã gắn kết được người dân cùng xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp.
Thông qua thực hiện các mô hình đáp ứng mong mỏi chính đáng của người dân ở địa bàn dân cư, các trưởng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố và chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã đã gắn kết được người dân cùng xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp.
Ông Nguyễn Xuân Đoàn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận KP.5, TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom chuẩn bị tổ chức Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022 vào tháng 11 vừa qua. Ảnh: SÔNG THAO |
Qua đó, đã phát huy vai trò của người làm công tác Mặt trận ở cơ sở, đồng thời khơi dậy được sức mạnh tại chỗ trong thực hiện các phong trào thi đua.
Khơi dậy sự chủ động của người dân
Ông Trần Văn Tiến đã có 7 năm đảm nhận vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận KP.5, P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Ông Tiến cho hay, khu phố có nhiều khu vực buôn bán tấp nập dọc theo các tuyến đường. Đôi lúc một số người bày hàng lấn ra vỉa hè hay xuống cả lòng đường. Rồi người mua vì thuận tiện mà chạy xe vào chợ hay dừng lại giữa đường để mua hàng. Từ đó, dẫn đến nhiều tuyến đường trong tình trạng kẹt xe, nhất là giờ cao điểm họp chợ. Rồi rác thải chưa được xử lý kịp thời gây ảnh hưởng đến vẻ đẹp, môi trường của khu phố…
Xuất phát từ mong mỏi của 754 hộ trong khu phố, Ban điều hành khu phố đã thành lập được tổ tự quản với 10 thành viên do ông Tiến quản lý. Khi nhận được tin báo tuyến đường nào xảy ra tình trạng ùn tắc là đội đến điều tiết và nhắc nhở người mua bán thu gọn hàng, không lấn ra đường, thu gom rác sau khi họp chợ.
Ngoài ra, ông Tiến cùng Ban điều hành khu phố vận động người dân ở tuyến đường nào xuống cấp thì cùng chung tay đóng góp, chủ động sửa đường phục vụ cho chính việc di chuyển của mình cùng gia đình. Năm 2022, thông qua Ban điều hành khu phố, những hộ dân sống dọc theo tuyến đường chợ khu phố dài 400m đã cùng nhau góp hơn 1,2 tỷ đồng để nâng nền, đổ nhựa lại con đường này. Rồi khi tuyến đường 518 xuất hiện nhiều chỗ hư hỏng với tổng diện tích cần sửa là 136m2, Ban điều hành khu phố vận động bà con đóng góp 68,5 triệu đồng để vá những hố sụt trên mặt đường.
Bà Trần Thị Chiều, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Xã Hoàng (xã Bình Sơn, H.Long Thành) là cầu nối giữa người dân có đất nằm trong diện thu hồi phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với chính quyền địa phương.
Bà Chiều cho hay, gia đình bà có diện tích đất bị thu hồi phục vụ thực hiện dự án. Trong quá trình tham dự buổi họp dân, tiếp xúc với chính quyền các cấp và nhất là với thành viên Tổ Công tác vận động quần chúng huyện, bà được nhiều gia đình trong ấp nhờ cậy để nêu những thắc mắc như đất mua bán sang tay qua nhiều chủ chỉ bằng thỏa thuận với nhau không có xác nhận của chính quyền địa phương sẽ được giải quyết ra sao…
Theo bà Chiều, với những thắc mắc này, sau khi trình bày với thành viên Tổ Công tác vận động quần chúng huyện, chính quyền địa phương và nắm được thông tin phản hồi, bà truyền đạt đến người dân rồi vận động, nhắc nhở người dân cố gắng tham gia đầy đủ các buổi làm việc với chính quyền các cấp để trực tiếp lắng nghe thông tin, trao đổi vấn đề mình còn băn khoăn.
Việc làm của bà Chiều đã góp phần cùng với chính quyền các cấp kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân trong vùng dự án. Đồng thời, tuyên truyền người dân chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước trong xây dựng công trình trọng điểm quốc gia này. Điều này góp phần để những hộ bị thu hồi đất phục vụ cho dự án sân bay an tâm về quyền lợi của mình và tiến độ dự án được diễn ra nhanh chóng.
Huy động nguồn lực tại chỗ
Ông Đào Duy Hợp, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đắc Lua (H.Tân Phú) chia sẻ, ấp 7 của xã nhiều gia đình chưa có nhà vệ sinh xây dựng kiên cố. Xuất phát từ thực tế này, cá nhân ông Hợp cùng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã đến từng nhà để thống kê số lượng hộ cần trợ giúp thiết bị vệ sinh. Qua đó, có 100 gia đình cần hỗ trợ bồn cầu để làm nhà vệ sinh kiên cố. Nhờ vận động bằng nhiều nguồn lực, đến nay cả 100 gia đình này đều đã nhận được thiết bị vệ sinh.
Còn ông Nguyễn Xuân Đoàn, Trưởng ban Công tác Mặt trận KP.5, TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom) cho hay, khu phố có 1,1 ngàn hộ dân với 11,4 ngàn người thường trú và trên 8,5 ngàn người ở trọ. Đây là khu phố đông dân nhất trong số 5 khu phố của thị trấn và gia đình nào cũng mong muốn có sự gắn kết, nhất là thể hiện sự quan tâm mỗi khi có việc hiếu hỉ.
Được sự thống nhất của người dân, ông Đoàn thành lập ban tang lễ để hỗ trợ gia đình trong khu phố có người thân qua đời. Trong đó, người dân tự nguyện đóng góp kinh phí để mua đồng phục cho thành viên ban tang lễ; đóng góp tiền phúng viếng cho khu phố với mức 300 ngàn đồng/trường hợp. Không chỉ áp dụng trong phạm vi khu phố mà gia đình có cha mẹ qua đời dù ở quê xa cũng được khu phố cử đại diện gọi điện thăm hỏi, chia buồn và áp dụng hình thức phúng điếu tương tự.
Bên cạnh đó, là khu vực trung tâm của thị trấn nên để giữ gìn hình ảnh sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, vào ngày thứ bảy hằng tuần, ông Đoàn cùng Ban điều hành khu phố phát động bà con cùng dọn vệ sinh tuyến đường mà mình sinh sống. Qua đó, người dân đã đồng thuận, tự nguyện xây dựng 17 tuyến đường theo mô hình sáng - xanh - sạch - đẹp và thường xuyên tổ chức hoạt động bảo dưỡng. Ngoài ra, khi khu phố có tuyến đường dài 138m bị xuống cấp, Ban Công tác Mặt trận khu phố lấy ý kiến người dân và bà con chủ động đóng góp 525 triệu đồng để đổ nhựa. “Vì điều này đáp ứng nhu cầu của bà con nên ai cũng cố gắng cử thành viên tham gia, bởi con đường sạch đẹp thì gia đình mình cũng được hưởng sự sạch sẽ” - ông Nguyễn Văn Trung (ngụ KP.5) nói.
Văn Truyên