Báo Đồng Nai điện tử
En

Niềm vui của đồng bào Chăm ở Bình Sơn

07:11, 07/11/2022

Vừa qua, bà con đồng bào Chăm tại xã Bình Sơn (H.Long Thành) được đón nhận công trình phòng đọc và phòng học tiếng Chăm mới do Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và lực lượng vũ trang của huyện vận động các mạnh thường quân tài trợ.

Vừa qua, bà con đồng bào Chăm tại xã Bình Sơn (H.Long Thành) được đón nhận công trình phòng đọc và phòng học tiếng Chăm mới do Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và lực lượng vũ trang của huyện vận động các mạnh thường quân tài trợ.

Ông Đô Hô Sên, Giáo cả Thánh đường Hồi giáo Islam, người uy tín trong đồng bào Chăm tại xã Bình Sơn (ngoài cùng bên phải) và bà con đồng bào đọc sách báo tại công trình phòng đọc và phòng học tiếng Chăm do H.Long Thành vận động tài trợ
Ông Đô Hô Sên, Giáo cả Thánh đường Hồi giáo Islam, người uy tín trong đồng bào Chăm tại xã Bình Sơn (ngoài cùng bên phải) và bà con đồng bào đọc sách báo tại công trình phòng đọc và phòng học tiếng Chăm do H.Long Thành vận động tài trợ. Ảnh: H.Thảo

Có thêm công trình mới này, niềm vui của bà con đồng bào nơi đây dường như được nhân lên nhiều lần. Bà con có thêm động lực để tiếp tục nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

* Thêm động lực bảo tồn văn hóa

Em Fatimah, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Bình Sơn chia sẻ, em bắt đầu đến lớp học thêm tiếng Chăm tại Thánh đường Hồi giáo Islam từ năm học lớp 2. “Mỗi buổi tối, sau khi ăn uống, làm bài tập ở trường xong, em sẽ tranh thủ sang Thánh đường để học. Ở đây có phòng học mới rộng rãi, bàn ghế mới sạch đẹp, thêm nhiều sách vở, em cảm thấy rất vui và thích đi học hơn” - Fatimah bày tỏ.

Ông Đô Hô Sên, Giáo cả Thánh đường Hồi giáo Islam, đồng thời là người uy tín trong đồng bào Chăm tại xã Bình Sơn cho biết, lớp dạy tiếng Chăm đã được ông cùng Ban quản trị Thánh đường tổ chức nhiều năm qua nhằm bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết và văn hóa Chăm. Tuy nhiên, do thiếu thốn về điều kiện nên còn gặp nhiều khó khăn.

“Đáng phấn khởi là ngày càng có nhiều con em của đồng bào học hành, làm việc chăm chỉ và có đóng góp tích cực cho đồng bào, cho địa phương. Có người đang là Phó bí thư Đoàn Thanh niên xã, có người là công an viên, là đội trưởng ở nông trường cao su… Bà con đồng bào đã và đang nỗ lực hài hòa giữa đời sống tôn giáo và đời thường; sống tốt đời - đẹp đạo” - Giáo cả ĐÔ HÔ SÊN nói.

“Vừa qua, được sự quan tâm của các các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và lực lượng vũ trang của huyện nhà, chúng tôi được đón nhận công trình phòng đọc và phòng học tiếng Chăm mới tại Thánh đường. Công trình đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy, học tiếng Chăm cho con em chúng tôi. Từ khi có công trình này, bà con đồng bào rất phấn khởi, con em đến học cũng đông vui hơn” - Giáo cả Đô Hô Sên phấn khởi nói.

Công trình ý nghĩa này gồm 1 phòng đọc và 2 phòng học với tổng diện tích gần 170m2. Tổng kinh phí xây dựng là 736 triệu đồng; trong đó Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Long Thành vận động mạnh thường quân tài trợ 500 triệu đồng, Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo vận động tài trợ 236 triệu đồng, bà con nhân dân ở Bình Sơn và lực lượng vũ trang đóng góp hơn 100 ngày công lao động.

Anh Asnavi tình nguyện là “thầy giáo” cho các lớp dạy tiếng Chăm tại Thánh đường Hồi giáo Islam đã hơn 7 năm nay. Sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào các em tập hợp đông là “thầy” Asnavi lại lên lớp và xác định đó là công việc chính mỗi ngày. “Trong lớp có các em ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ tiểu học cho đến cả các thanh niên ngoài 20 tuổi. Các em còn bận đi học trên trường, có em còn bận đi làm nên có lúc cũng chưa tham gia đều đặn. Trình độ, năng lực, khả năng tiếp thu của các em cũng không đều. Do đó, tôi phải dành nhiều thời gian chỉ bảo tận tình từng em, cố gắng hết sức nhằm giúp các em nắm vững, gìn giữ, phát huy được tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Hiện có khoảng 60 em đang theo học tại 2 lớp. Từ khi có thêm phòng học mới, các em thích thú và hào hứng đến học nhiều hơn” - anh Asnavi nói.

Anh Amine, thành viên Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo nơi đây cho biết thêm, anh Asnavi và các “thầy giáo” khác đều dạy trên tinh thần tình nguyện, không có lương bổng gì. Trân trọng đóng góp của các anh, Ban quản trị Thánh đường vận động chút tấm lòng trong bà con để hỗ trợ tiền xăng xe. “Cùng với sự quan tâm của địa phương, chúng tôi đã và đang nỗ lực mỗi ngày để bảo tồn văn hóa dân tộc. Quả thực nếu có thêm được nguồn kinh phí hỗ trợ cho các thầy như một khoản tiền lương ổn định thì sẽ tạo điều kiện cho các thầy cống hiến tốt hơn”- anh Amine nói.

* Đạo đời hòa hợp

Giáo cả Đô Hô Sên chia sẻ, xã Bình Sơn hiện có gần 140 hộ đồng bào Chăm với khoảng trên 400 nhân khẩu. Bà con chủ yếu làm việc tại các công ty, xí nghiệp hoặc buôn bán nhỏ lẻ. Đời sống tuy không quá khá giả nhưng đã ổn định và cải thiện hơn trước rất nhiều.

 Cũng theo Giáo cả Đô Hô Sên, thời gian qua, đồng bào Hồi giáo cũng như đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và MTTQ trên địa bàn. Điển hình như nhiều năm trước đây, khi bà con còn đói nghèo, Đảng, Nhà nước đã kịp thời triển khai chương trình 135 hỗ trợ giảm nghèo bền vững hay Chương trình 134 hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn… Nhờ đó, đời sống bà con dần dà vượt khó, thoát nghèo và từng bước đi lên.

Hay gần đây, huyện còn cử cán bộ đưa máy móc về tận Nhà văn hóa dân tộc Chăm để dạy nghề may công nghiệp cho chị em phụ nữ đồng bào. Nhờ đó, chị em được nâng cao trình độ tay nghề, có thu nhập tốt hơn. Dịp lễ, Tết, lãnh đạo các cấp ở địa phương đều đến thăm hỏi, chúc mừng và tặng quà cho bà con đồng bào. Đồng thời, quan tâm lắng nghe những đề xuất kiến nghị của đồng bào và tìm cách hỗ trợ giải quyết.

Giáo cả Thánh đường Hồi Giáo bộc bạch thêm, là chức sắc tôn giáo, đồng thời là người uy tín trong đồng bào dân tộc, chính sự quan tâm ấy đã tạo động lực to lớn cho ông ngày càng nỗ lực phát huy vai trò cầu nối giữa đồng bào mình với các cấp ủy Đảng, chính quyền. Ở vai trò, vị trí của mình, ông Đô Hô Sên cùng các thành viên Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo Islam luôn tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định địa phương tới bà con. Sâu sát nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con và kịp thời khuyên giải, định hướng, phản ánh lên chính quyền để được hỗ trợ giải quyết. Chẳng hạn như khi nắm bắt được có trường hợp thanh niên đồng bào nào hay nhậu nhẹt, chưa tu chí làm ăn, Giáo cả đến tận nhà để trực tiếp khuyên răn. Nhờ đó, đi kèm với cải thiện về điều kiện sống, còn là việc nâng cao về mặt trình độ nhận thức, lối sống của bà con.

Hồ Thảo

Tin xem nhiều