Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Chuyện trường, trạm ở "siêu phường"

07:10, 25/10/2022

P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) có 128 ngàn dân, được ví như một "siêu phường" không chỉ của Đồng Nai mà trên cả nước. Đây chính là một trong những hệ quả của quá trình tăng dân số cơ học ở mức cao từ quá trình phát triển công nghiệp.

[links()]P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) có 128 ngàn dân, được ví như một “siêu phường” không chỉ của Đồng Nai mà trên cả nước. Đây chính là một trong những hệ quả của quá trình tăng dân số cơ học ở mức cao từ quá trình phát triển công nghiệp.

Trường tiểu học Trảng Dài (TP.Biên Hòa) đang có sĩ số trung bình 50 em/lớp. Ảnh: C.Nghĩa
Trường tiểu học Trảng Dài (TP.Biên Hòa) đang có sĩ số trung bình 50 em/lớp. Ảnh: C.Nghĩa

Áp lực tăng dân số tại P.Trảng Dài đã khiến cho nhiều vấn đề, trong đó có trường học, y tế trở nên quá tải khá nghiêm trọng.

* Quá tải trường lớp

P.Trảng Dài có 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS công lập và 1 trường phổ thông tư thục có nhiều cấp học. Nếu so với các phường của TP.Biên Hòa, Trảng Dài là phường có số lượng trường học công lập nhiều nhất. Các trường đều có số học sinh ở mức rất cao, từ 3-4 ngàn em/trường. Sĩ số học sinh/lớp hầu hết các trường trên địa bàn phường từ 48-50 em/lớp (trong khi quy định chuẩn chỉ 35 em/lớp). Chỉ tính riêng 3 trường tiểu học trên địa bàn phường đã có đến 12 ngàn học sinh. Dù có nhiều trường học nhưng đến nay phường chưa có trường nào đạt chuẩn quốc gia, nguyên nhân chủ yếu là quá tải về tiêu chí sĩ số.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Trảng Dài Ngô Thị Thủy cho biết, câu chuyện quá tải trường, lớp đã kéo dài suốt nhiều năm nay, kể từ khi phường có 1 trường tiểu học đến khi có thêm 2 trường rồi 3 trường tiểu học nhưng vẫn không thoát khỏi được tình trạng quá tải. Đã có những năm, Trường tiểu học Trảng Dài phải tổ chức học ca 3 và trở thành một trong những điểm “nóng” đối với ngành Giáo dục của tỉnh và cả nước. Những năm trở lại đây, tuy không còn học ca ba nhưng thực tế nhà trường phải dồn học sinh vào những lớp học quá tải về sĩ số. Thay vì 35 em/lớp đã phải tăng lên khoảng 50 em/lớp.

Hiệu trưởng Trường THCS Trảng Dài Phạm Thị Hải Anh cho biết, nhà trường có 58 lớp, với 2.768 học sinh, trung bình mỗi lớp có 48 em. So với các trường trên địa bàn, Trường THCS Trảng Dài có cơ sở vật chất khá khang trang nhưng áp lực về sĩ số học sinh/lớp quá lớn gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Nhiều thầy cô phải nỗ lực gấp 2-3 lần so với giáo viên dạy ở những trường chuẩn quốc gia có sĩ số phù hợp.

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cho biết, để giải quyết vấn đề quá tải trường lớp tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa đã triển khai xây dựng thêm 12 phòng học tại Trường tiểu học Hà Huy Giáp để kịp sử dụng cho năm học mới 2022-2023. Riêng tại P.Trảng Dài, Ban TVTU TP.Biên Hòa đã có kết luận về việc tiếp tục xây dựng thêm Trường tiểu học Trảng Dài 3 và Trường tiểu học Trảng Dài 4 để giải quyết vấn đề quá tải trường lớp, hướng đến xây dựng trường chuẩn quốc gia khi áp lực sĩ số giảm dần.

Trong lộ trình giảm tải lớp học, TP.Biên Hòa có dự kiến đến năm 2025 sẽ đưa sĩ số các trường trên địa bàn bàn, trong đó có “siêu phường” Trảng Dài xuống 35 em/lớp ở bậc tiểu học và 40 em/lớp với bậc THCS. Giải pháp là xây dựng thêm trường học trên đất mới và bổ sung thêm phòng học nên các trường hiện hữu đang còn quỹ đất.

* Khi y tế không đủ sức

Trước khi có đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, Trạm y tế P.Trảng Dài có 14 cán bộ nhân viên, trong đó có 1 bác sĩ. Tuy nhiên, sau đợt bùng phát dịch vừa qua, có đến 4 nhân viên y tế của trạm y tế xin nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực công việc và thu nhập thấp. Khu đất của Trạm y tế phường rộng khoảng 1 ngàn m2  nhưng diện tích xây dựng chỉ khoảng 200m2, tất cả đều đã xuống cấp. TP.Biên Hòa đã có kế hoạch xây dựng mới Trạm y tế P.Trảng Dài nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Bà Hoàng Thị Yến Oanh, một trong những nhân viên y tế làm việc lâu năm tại Trạm y tế P.Trảng Dài cho biết, bà về công tác tại trạm y tế từ 25 năm trước, khi trạm vừa được xây mới khá khang trang. Nhưng đến nay thì trạm đã xuống cấp và chật hẹp so với quy mô dân số của phường. Cả trạm hiện chỉ có 2 tài sản có giá trị là chiếc máy siêu âm và chiếc tủ lạnh do Bí thư Tỉnh ủy mới tặng. Mỗi khi mưa, cán bộ và nhân viên trạm lại lo lắng vì nước tràn vào trạm.

Nhân viên y tế P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: CDC Đồng Nai
Nhân viên y tế P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: CDC Đồng Nai

Trưởng trạm y tế P.Trảng Dài Nguyễn Thị Liên cho biết, Trảng Dài hiện có khoảng 128 ngàn dân, nếu so sánh thì dân số của phường gần bằng một số huyện của tỉnh như: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú. Thậm chí, chỉ một KP.4B và 4C đã đông hơn cả một phường có dân số thấp nhất ở Biên Hòa. Bà Liên chia sẻ: “Nhiều người hay nói vui, tôi là trưởng trạm y tế phường nhưng quản lý sức khỏe của người dân tương đương với một huyện nên phải gọi là “Giám đốc trung tâm y tế mới “đúng tầm”.

Nhắc lại những ký ức của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, Trưởng trạm Nguyễn Thị Liên cho biết: “Khi đó chúng tôi chỉ còn biết căng hết sức mình, làm được tới đâu cho người dân thì cố gắng, phần còn lại phải trông chờ vào chi viện ở trên xuống. Nhiều nhân viên chúng tôi thay vì ở trạm thì xuống ở các nhà văn hóa khu phố để sàng lọc, làm đêm, làm ngày, có người kiệt sức. Hay có thời điểm giải tán các bệnh viện dã chiến, F0 được giao về phường quản lý, có ngày chúng tôi tiếp và xử lý đến 500 F0, gồm cả người mới lẫn người cũ…”.

Nói về công việc hiện tại khi dịch bệnh Covid-19 tạm lắng, bà Liên cho hay, hiện Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa đã bổ sung cho phường 4 nhân lực mới thay cho 4 người vừa nghỉ việc. Hằng ngày, cán bộ nhân viên của trạm vẫn phải căng mình ra lo cho sức khỏe của 120 ngàn dân ứng phó với nhiều loại dịch bệnh như Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêm chủng mở rộng… Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác liên quan đến sức khỏe người dân phải chia nhau ra quản lý theo dõi.

 “Tôi mong ước trạm y tế sớm được xây mới, có thêm nhiều trang thiết bị hiện đại, có thêm những bác sĩ, nhân viên y tế giỏi, ai cũng có đồng lương xứng đáng với công sức và sống được bằng nghề để lo cho sức khỏe người dân, bởi hiện tại những gì chúng tôi đang nỗ lực ngày đêm đang thực sự quá sức” - bà Liên bộc bạch.


Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ ĐĂNG BẢO LINH: Ưu tiên quỹ đất và nguồn vốn đầu tư

Muốn giải quyết được bài toán về áp lực trường lớp, P.Trảng Dài cũng như một số phường khác phải dành quỹ đất và nguồn đầu tư để xây dựng trường lớp mới. Bên cạnh đó, phải phân bố vị trí trường lớp cho phù hợp để tiện cho học sinh các khu phố, đồng thời không tạo ra áp lực giao thông ở những trường có cự ly quá gần nhau. Phải thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa đối với giáo dục để giảm áp lực cho ngân sách và phụ huynh có nhiều lựa chọn trường lớp hơn cho con em mình.

Anh PHẠM QUANG THẮNG, phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Học: Chọn trường công lập để nhẹ gánh học phí

Vợ chồng tôi làm công nhân với thu nhập thấp, lại phải sống trong cảnh “bão giá”, chi tiêu không đủ, nếu gửi 2 con vào học trường tư thục thì không đủ tiền để đóng. Do đó, vợ chồng tôi lựa chọn trường công lập để nhẹ gánh học phí dù biết rằng sĩ số ở các trường học công lập trên địa bàn phường quá đông, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.


Công Nghĩa

Bài 3: Quá tải trong quản lý nhân, hộ khẩu

Tin xem nhiều