Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuyên ngôn độc lập với khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam

07:09, 01/09/2022

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và toàn thế giới về sự ra đời của một nước Việt Nam mới - Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cùng với những tư tưởng tiến bộ của nhân loại đã được đúc kết, khát vọng về hòa bình của dân tộc Việt Nam đã vang lên trong bản Tuyên ngôn độc lập.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và toàn thế giới về sự ra đời của một nước Việt Nam mới - Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cùng với những tư tưởng tiến bộ của nhân loại đã được đúc kết, khát vọng về hòa bình của dân tộc Việt Nam đã vang lên trong bản Tuyên ngôn độc lập.

Lễ tuyên ngôn độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình
Lễ tuyên ngôn độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình

Mở đầu bản tuyên ngôn bất hủ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789 để khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

* Khát vọng ngàn đời

Để có ngày 2-9-1945, biết bao thế hệ người Việt Nam đã nối nhau ra pháp trường và vào nhà tù của đế quốc, thực dân. Nhà cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn trong tác phẩm nổi tiếng Tháng Tám trời mạnh thu đã viết: “Tác phẩm càng vĩ đại thì đau khổ, hy sinh càng nhiều. Sanh một con người phải chín tháng mang nặng, một cuộc đẻ đau và ba năm bú mớm. Làm một cuộc cách mạng phải mấy thế hệ mang nặng, mấy cuộc đẻ đau và mấy mươi năm nuôi dưỡng”.

Hòa bình là khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam, mỗi khi đất nước có ngoại xâm, nhà sư cũng cởi áo cà sa khoác chiến bào. Thế nhưng, khi đất nước trở lại thanh bình thì gươm thần sẽ được trả: “Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (Nguyễn Đình Thi). Giữa thủ đô Hà Nội vẫn còn đó hồ Hoàn Kiếm vốn được mang tên gắn với truyền thuyết Lê Lợi trả kiếm thần. Đó là truyền thuyết đẹp nói lên khát vọng yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Trong bức thư chúc mừng nhân dân Mỹ nhân dịp đầu năm mới 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân dân Việt Nam rất thiết tha với hòa bình, nhưng hòa bình thật sự không thể tách khỏi độc lập thực sự. Vì đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, cho nên nhân dân Việt Nam phải chống lại để bảo vệ độc lập và gìn giữ hòa bình”.

Để bảo vệ nền hòa bình của dân tộc, trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Chính vì khát vọng hòa bình của dân tộc nên khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh... Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách... Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi... Dù sao, tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy”.

Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

* Hành trang hạnh phúc

Thế giới và khu vực những năm gần đây biến chuyển nhanh chóng và đầy phức tạp. Trong một thế giới đầy biến động này, ước vọng, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam tiếp tục hòa nhịp bước cùng nhân loại văn minh, tiến bộ. Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại... chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng nhất quán khẳng định đường lối quốc phòng là hòa bình và tự vệ với nguyên tắc “4 không”: “Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.

Ngày 25-2-2022, trả lời báo chí về phản ứng của Việt Nam trước diễn biến căng thẳng tại Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên toàn thế giới”.

Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 1-3-2022, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định: “Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ”.

Là một dân tộc phải gánh chịu nhiều đau khổ vì chiến tranh, Việt Nam luôn mong muốn đất nước và thế giới hòa bình. Vì vậy, chúng ta yêu chuộng hòa bình, lên án chiến tranh phi nghĩa, áp đặt cường quyền. Tư tưởng và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam ghi dấu từ Tuyên ngôn độc lập năm 1945 vẫn đang là hành trang để dân tộc Việt Nam “tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại” (lời nói đầu của Hiến pháp 1946).

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều