Công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên (BCV) được Đảng ta xác định là công cụ quan trọng, sắc bén nhằm tuyên truyền, giáo dục, truyền bá đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân.
Công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên (BCV) được Đảng ta xác định là công cụ quan trọng, sắc bén nhằm tuyên truyền, giáo dục, truyền bá đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân.
Hội nghị báo cáo viên thường kỳ tháng 6-2022 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức |
Tại Đồng Nai, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ BCV các cấp những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ. Qua đó, góp phần tạo sự thống nhất nhận thức, tư tưởng và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân và góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Chú trọng củng cố, kiện toàn đội ngũ BCV
Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền miệng của Đảng trong tình hình mới”(sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 17-CT/TW) nhấn mạnh: “Tuyên truyền miệng và đội ngũ BCV, tuyên truyền viên là một khâu quan trọng, trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân, Trung ương với địa phương và cơ sở để vừa đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, vừa nắm bắt, phản ánh trung thực, kịp thời tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
Hôm nay 7-9, tại hội trường Tỉnh ủy diễn ra hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền miệng của Đảng trong tình hình mới”. |
Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17-CT/TW, Thông báo Kết luận số 225-TB/TW ngày 3-3-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền miệng của Đảng trong tình hình mới” cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương có liên quan. Đồng thời, cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng và bổ sung vào phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng chính trị trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Ban TVTU cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền miệng và hoạt động BCV trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng trực thuộc tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo về củng cố đội ngũ BCV, đồng thời tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng ở cấp mình. Nhờ đó, chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng được nâng lên rõ rệt. Nội dung thông tin luôn được đổi mới, phong phú, kịp thời đáp ứng yêu cầu sát đối tượng và sát thực tế.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đội ngũ BCV các cấp được chọn lựa kỹ càng, dựa theo điều kiện và tiêu chuẩn quy định. Đây đều là những đồng chí có lập trường, tư tưởng và bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có phẩm chất, đạo đức và lối sống trong sáng, lành mạnh; biết vận dụng tâm lý học, phương pháp sư phạm và nghiệp vụ tuyên truyền, nhất là nghiệp vụ tuyên truyền miệng; có mối quan hệ gần gũi với nhân dân trên địa bàn...
Từ đội ngũ này, những năm qua, thông tin thời sự trong nước và quốc tế, về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Nhà nước và pháp luật… được truyền tải tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Qua đó, góp phần đoàn kết toàn Đảng bộ, động viên quần chúng nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh. Đáng phấn khởi là trong 6 tháng đầu năm 2022, Đồng Nai được đánh giá là địa phương tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng Đông Nam bộ, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,06% so với cùng kỳ năm 2021. Kinh tế trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục phục hồi và phát triển tốt...
Đổi mới nội dung, hình thức thực hiện
Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tạo điều kiện thực hiện tốt công tác tuyên truyền miệng.
Huyện Thống Nhất có dân số gần 166 ngàn người, trong đó đồng bào có đạo chiếm 87,23% dân số. Phó bí thư thường trực Huyện ủy Thống Nhất Nguyễn Huy Du cho biết, là địa bàn đặc thù về tôn giáo, huyện luôn xác định việc tuyên truyền cho đồng bào tôn giáo hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Trong đó, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động BCV luôn được huyện coi trọng.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, toàn Đảng bộ tỉnh hiện có hơn 4,9 ngàn BCV các cấp và tuyên truyền viên cơ sở. Trong đó, BCV Trung ương có 3 đồng chí; BCV cấp tỉnh có 25 đồng chí. BCV cấp huyện và tương đương có 273 đồng chí; BCV của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh có 175 đồng chí; tuyên truyền viên cơ sở có 4.457 đồng chí. |
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, hệ thống Tuyên giáo trên địa bàn huyện thời gian qua tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và của tỉnh, huyện có liên quan đến công tác tôn giáo cho các vị chức sắc, chức việc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, thường xuyên thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kịp thời xem xét, giải quyết và động viên đồng bào các tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”. Từ đó tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy đồng bào có đạo ý thức tự giác vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện.
Huyện còn gắn kết chặt chẽ công tác tuyên truyền miệng với các hình thức tuyên truyền khác như: tổ chức giao ban công tác tình hình tư tưởng, công tác dư luận xã hội định kỳ hằng tháng; tổ chức các cuộc đối thoại, các hội thi, các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ... Nhờ vậy, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động BCV những năm qua của huyện ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, góp phần giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
TP.Biên Hòa hiện có 17 công trình trọng điểm đang được triển khai. Trong đó, có 2 công trình đang thi công, 7 công trình chuẩn bị thi công và 8 công trình đang đề xuất chủ trương thực hiện.
Hầu hết các công trình trọng điểm đều có quy mô rất lớn cả về diện tích đất thu hồi và số hộ bị ảnh hưởng. Do nhiều nguyên nhân khách quan, việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố thực tế gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Biên Hòa Ngô Chí Thức, trước những khó khăn đó, để các dự án được triển khai đúng tiến độ, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, tổ chức MTTQ và các đoàn thể nhân dân phải phát huy tinh thần trách nhiệm. Trong đó, đội ngũ làm công tác BCV thành phố và tuyên truyền viên cơ sở đã thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác tuyên truyền miệng, công tác vận động, thuyết phục.
Cũng theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Biên Hòa, lực lượng tham gia tuyên truyền được huy động từ thành phố đến cơ sở, nhất là lực lượng ở địa bàn khu dân cư. Trong đó có đại diện cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể khu phố, ấp, người có uy tín tại địa bàn, các tổ trưởng tổ nhân dân. Thành phố còn kết hợp nhiều hình thức khác như: tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi bộ, tổ, hội; hệ thống đài truyền thanh thành phố và phường, xã; trang thông tin điện tử thành phố; tuyên truyền cổ động trực quan; tổ chức các tổ đi đến từng hộ dân để tuyên truyền... Qua đó, đã giúp người dân hiểu rõ hơn lợi ích thiết thực từ các dự án mang lại cho nhân dân cũng như diện mạo Biên Hòa - Đồng Nai trong tương lai.
Hồ Thảo