Từ rất lâu, lễ Vu lan đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, là dịp rất ý nghĩa để những người con bày tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Từ rất lâu, lễ Vu lan đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, là dịp rất ý nghĩa để những người con bày tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Sinh viên Nguyễn Văn Vọng chia sẻ niềm vui với mẹ sau khi được nhận bằng khen của UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác. Ảnh: H.Thảo |
Những ngày này, mùa Vu lan báo hiếu đang lan tỏa khắp nơi và lắng đọng trong lòng mỗi người.
Quan tâm, yêu thương nhiều hơn
Tháng 7 vừa qua, chị Hồ Thị Hiền (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) đưa 3 con nhỏ của mình về thăm ông bà tại quê nhà Nghệ An. Chị Hiền xúc động kể, vợ chồng chị làm công nhân, thu nhập chỉ đủ ăn. Sau khi 3 đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống càng trở nên chật vật hơn. Vì vậy, việc tiết kiệm được khoản tiền làm lộ phí về quê với chị chẳng mấy dễ dàng. Đã 7 năm đằng đẵng trôi qua, chị chưa được gặp trực tiếp cha mẹ, chỉ trò chuyện qua điện thoại. “Đại dịch Covid-19 vừa qua khiến cuộc sống công nhân vất vả hơn nhiều, nhưng nó đã đánh động trong tôi một nỗi niềm, mong muốn cháy bỏng. Đó là được về nhà, được gặp cha mẹ. Năm qua, đã có lúc tôi từng rất sợ khi biết cha mẹ bị F0, sợ những điều xấu nhất có thể xảy ra. May mắn là sau tất cả, tôi hạnh phúc khi vẫn còn cha mẹ. Vì thế, hè năm nay, tôi quyết định dù có khó khăn, vất vả mấy cũng phải về quê thăm cha mẹ”.
Theo quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Vu lan là dịp để mỗi người nghĩ đến “tứ đại ân” gồm: ơn cha mẹ, ơn quốc gia, ơn thầy bạn và ơn xã hội. Trong dịp lễ Vu lan, tại các chùa sẽ tổ chức cầu siêu cho người đã khuất, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc, tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng... Ngoài các nghi lễ truyền thống, khi đến chùa dịp này, mỗi người sẽ được cài lên áo một bông hoa hồng: màu đỏ tượng trưng cho người còn mẹ và màu trắng cho những ai đã mất mẹ… |
Chị Hiền xúc động kể tiếp: “Về nhà, trực tiếp nhìn thấy mái tóc đã bạc gần hết, làn da đen sạm vì cháy nắng, đôi mắt trũng sâu đầy những vết chân chim, nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của cha mẹ khi ở bên con cháu, tôi tự trách bản thân mình nhiều năm qua vì áp lực cuộc sống mà nhiều lúc đã quá vô tâm. Tôi muốn nhắn nhủ mọi người rằng, ai còn có cha mẹ hãy quan tâm, yêu thương, chăm sóc nhiều hơn. Nếu ở xa thì cố gắng về thăm cha mẹ nhiều hơn, đừng để lúc nào đó sẽ phải hối hận”.
Cũng như các mùa Vu lan trước, mùa Vu lan năm nay, chị Hiền cũng không được ở gần cha mẹ. Nhưng khác ở chỗ, chị đã gọi điện về cho cha mẹ sớm hơn và đặc biệt là đã chuyển một khoản tiền nhỏ nhờ hàng xóm mua tặng cha mẹ món quà. “Quà đơn sơ thôi nhưng chắc chắn sẽ làm cha mẹ vui” - chị Hiền vui vẻ nói.
Sống tốt hơn để báo hiếu cha mẹ
Chị Nguyễn Thị Hương (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) chia sẻ, sau đại dịch Covid-19, mọi người dường như đều ý thức hơn về tầm quan trọng của sức khỏe, sự gắn kết của những người thân trong gia đình.
Theo chị Hương, có nhiều cách để mỗi người báo hiếu với cha mẹ mình. Việc báo hiếu đôi khi chỉ cần những điều rất giản dị mỗi ngày như nấu nướng và quây quần bên bữa cơm cùng cha mẹ, tranh thủ lúc cuối tuần hay rảnh rỗi đưa cha mẹ đi dạo đó đây. Hay quan tâm chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ nhiều hơn, bao gồm cả sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất, bởi với người già sức khỏe là quan trọng nhất.
“Với tôi, không phải chờ đến lễ Vu lan mới làm gì đó để báo hiếu cha mẹ mà tôi luôn ý thức mình phải làm điều đó mọi lúc có thể. Cha tôi đã mất, chỉ còn lại mình mẹ, nên tôi luôn trân trọng hơn những phút giây còn có mẹ bên mình. Vu lan này, cùng với những điều giản dị hằng ngày, tôi sẽ sắp xếp đưa mẹ cùng đi trải nghiệm một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe... để cải thiện sức khỏe cho mẹ. Đặc biệt, mỗi ngày tôi đều tự nhủ bản thân phải không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên trong công việc và cuộc sống, sống tốt hơn để mẹ được vui, được an lòng” - chị Hương bộc bạch.
Nỗ lực học tập và sống tốt hơn mỗi ngày cũng là cách mà anh sinh viên Trường đại học Y dược TP.HCM Nguyễn Văn Vọng (ngụ xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch) lựa chọn để báo hiếu cha mẹ mình. Anh Vọng bộc bạch, một mình mẹ phải vất vả đi phụ hồ kiếm tiền nuôi 2 anh em Vọng ăn học, từ lúc anh mới học lớp 5 đến nay. Bao nhiêu vất vả, hy sinh của mẹ, anh đều thấu rõ. Là con trai, anh ngại nói ra những lời yêu thương với mẹ, nhưng trong thâm tâm, anh luôn yêu thương và biết ơn mẹ vô cùng. “Với tôi, báo hiếu mẹ là phải không ngừng vượt khó, vươn lên học tập thật tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội, trở thành một nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho mọi người và cho mẹ” - anh Vọng bộc bạch.
Để thực hiện ước mơ ấy, ngoài thời gian học tập trên giảng đường, anh Vọng tranh thủ đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt; đồng thời, tận dụng cơ hội rèn giũa nghề ở nhiều cơ sở y tế khác nhau. Vừa qua, trong thời gian cao điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chẳng ngại hiểm nguy, anh Vọng đã xung phong tình nguyện vào tâm dịch để góp sức cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Hồ Thảo