Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được xác định là một trong những trách nhiệm quan trọng của đội ngũ trí thức nói chung và đội ngũ nữ trí thức tỉnh Đồng Nai nói riêng.
Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được xác định là một trong những trách nhiệm quan trọng của đội ngũ trí thức nói chung và đội ngũ nữ trí thức tỉnh Đồng Nai nói riêng.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết quy định mức trợ giúp xã hội. Ảnh: N.Sơn |
Theo NGƯT-TS Nguyễn Thị Thu Lan, Chủ tịch Hội Nữ trí thức tỉnh, gắn với nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan, đơn vị, nữ trí thức đã tích cực tham gia đóng góp trí tuệ trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và vấn đề giới trên địa bàn tỉnh.
* Lồng ghép với nhiệm vụ chuyên môn
Tại hội thảo do Ban chủ nhiệm đề tài cấp tỉnh đánh giá mô hình nữ trí thức tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội tổ chức, TS Vũ Thị Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết, bên cạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nhằm phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên, tham gia hoạch định chủ trương, chính sách tại các địa phương của tỉnh, đội ngũ nữ trí thức còn tham gia viết bài tại các hội nghị, hội thảo, trong đó kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp với Tỉnh ủy và các cơ quan chức năng nhằm triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách của các cấp ủy Đảng, chính quyền.
NGƯT-TS NGUYỄN THỊ THU LAN đề xuất, cấp ủy, chính quyền tỉnh nên có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, quy trình, kinh phí thực hiện tư vấn, phản biện… tạo điều kiện để Hội được tham gia tư vấn, phản biện xã hội. |
Chẳng hạn, đối với dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, nữ trí thức Trường Chính trị tỉnh đã có 9 bài góp ý cho ban soạn thảo văn kiện, trong đó có một bài kiến nghị Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ này ban hành nghị quyết chuyên đề về nữ trí thức, một bài viết kiến nghị đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp…
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái cho hay, thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW về quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, từ năm 2014 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức giám sát 7 chính sách luật pháp, thành lập 10 đoàn giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, thực hiện công tác góp ý, phản biện xã hội, hằng năm Hội LHPN tỉnh đều thực hiện lấy ý kiến góp ý của cán bộ, hội viên phụ nữ về dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về các chính sách. Đồng thời, tham gia phản biện đối với các dự thảo nghị quyết liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Hội LHPN tỉnh tiếp thu, tổng hợp và gửi văn bản góp ý, phản biện đến cơ quan soạn thảo…
Không chỉ tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội trên lĩnh vực chuyên môn mà nữ trí thức là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp thời gian qua đã có nhiều đóng góp vào việc hoạch định các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Nổi bật, nữ trí thức Đồng Nai với vai trò đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều buổi giám sát, phản biện xã hội, góp ý các dự thảo luật của Quốc hội phục vụ cho công tác quản lý xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, các chính sách pháp luật về bình đẳng giới… Đối với nữ trí thức là đại biểu HĐND các cấp, trong kỳ họp tích cực tham gia thảo luận, chất vấn, đặc biệt là chất vấn chủ tịch và các thành viên của UBND các cấp về những hạn chế trong lãnh đạo, điều hành thực hiện các vấn đề cử tri quan tâm…
* Tạo điều kiện để Hội tham gia tư vấn, phản biện…
NGƯT-TS Nguyễn Thị Thu Lan cho biết, Hội Nữ trí thức tỉnh với vai trò là thành viên của Hội LHPN tỉnh, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã xác định hoạt động tư vấn, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội. Thời gian qua, bên cạnh vai trò chủ động của hội viên nữ trí thức trong giám sát, phản biện trên lĩnh vực chuyên môn, Hội Nữ trí thức tỉnh cũng tham gia hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội nhưng chưa thường xuyên, chủ yếu tham gia bằng hình thức cử đại diện tham gia cuộc họp hoặc đóng góp ý kiến vào báo cáo chính trị, văn kiện đại hội của tổ chức mà Hội Nữ trí thức là thành viên hoặc là các hội thảo…
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách hiện thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn đời sống xã hội. Thời gian tới, bên cạnh khuyến khích nữ trí thức tiếp tục tham gia tư vấn, phản biện trên lĩnh vực chuyên môn, Hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội bằng cách tiếp tục thực hiện mô hình nữ trí thức tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và giới trên địa bàn tỉnh.
Hội cũng sẽ tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tập hợp nữ trí thức ở các ngành nghề, lĩnh vực để đảm bảo về nhân lực. Trong đó, Hội sẽ xây dựng lực lượng nòng cốt là nữ trí thức có chuyên môn cao trên các lĩnh vực để sẵn sàng tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Hội cũng sẽ kết nối để hội viên nữ trí thức được tham gia các chương trình, hội thảo để nâng cao kiến thức phục vụ công tác tư vấn, phản biện xã hội… Đồng thời, Hội cũng sẽ phát huy vai trò chủ động trong việc nghiên cứu, đề xuất tham gia tư vấn, phản biện các vấn đề có liên quan.
Chủ tịch Hội Nữ trí thức tỉnh Nguyễn Thị Thu Lan cho rằng, bên cạnh sự chủ động của tổ chức Hội, để phát huy vai trò của Hội Nữ trí thức trong công tác tư vấn, phản biện xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, để Hội được tham dự đầy đủ các chuyên đề nghiên cứu, các buổi quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; được tạo điều kiện để nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ tư vấn, phản biện xã hội đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nga Sơn