Báo Đồng Nai điện tử
En

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

07:07, 28/07/2022

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2020 đã có những đóng góp quan trọng, góp phần đưa Đồng Nai trở thành tỉnh đi đầu cả nước trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2020 đã có những đóng góp quan trọng, góp phần đưa Đồng Nai trở thành tỉnh đi đầu cả nước trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, công tác này cũng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Chị A Si Sah (người Chăm ở ấp 4, xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) đã tham gia lớp học nghề may công nghiệp, hiện đang mở tiệm may tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: H.YẾN
Chị A Si Sah (người Chăm ở ấp 4, xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) đã tham gia lớp học nghề may công nghiệp, hiện đang mở tiệm may tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: H.YẾN

Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, nhiều nông dân đã ứng dụng thành công kiến thức, kỹ năng vào thực tế sản xuất, chăn nuôi và vươn lên làm giàu; những người học nghề phi nông nghiệp cũng chuyển đổi việc làm thành công…

* Hơn 65 ngàn lao động nông thôn được học nghề

Anh Đoàn Ngọc Hải (ngụ ấp Đồng Tâm, xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) được biết đến là người làm nghề ghép cây có tiếng của địa phương. Từ hơn 10 năm trước, anh đã ghép và bán cây giống cao su; những năm gần đây, anh chuyển sang ghép giống sầu riêng, bơ… Dù đã có tay nghề cao, được nhiều bà con nông dân trong vùng tin tưởng, đặt hàng nhưng khi H.Cẩm Mỹ mở lớp dạy nghề ghép cây thì anh Hải vẫn tham gia học.

Anh Hải tâm sự: “Là nông dân, được học điều gì phục vụ trực tiếp cho chăn nuôi, sản xuất đều rất quý. Tôi tham gia lớp học ghép cây đã biết thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật mới. Chẳng hạn, trước đây khi ghép sầu riêng, người ta thường ghép mắt, còn kỹ thuật mới bây giờ là ghép ngọn. Nông dân mình tự học ghép cây được thì sẽ tự chọn được những cây giống tốt, phù hợp với thổ nhưỡng để trồng, như vậy sẽ cho năng suất cao hơn là đi mua giống”.

Hiện nay, nguồn lực tài chính cho công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn Đồng Nai sử dụng ngân sách nhà nước là chủ yếu. Giai đoạn 2010-2020, tổng kinh phí thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là hơn 200,2 tỷ đồng (gồm 18 tỷ đồng là ngân sách của Trung ương, hơn 182 tỷ đồng ngân sách của địa phương).

Thầy Võ Văn Trung (giáo viên Trường tiểu học Triệu Thị Trinh, xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) là người từng gắn bó với công tác đào tạo nghề nông thôn trong 7 năm (2012-2017). Theo đó, thầy Trung đã phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể, các chức sắc tôn giáo ở địa phương đi vận động người dân ra học nghề. Nhờ tuyên truyền, vận động đúng cách, xã Xuân Hưng đã mở được nhiều lớp học nghề mà phần đông học viên là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Chăm, S’tiêng).

Ngay từ những ngày đầu có lớp dạy nghề may công nghiệp, cả 2 chị em chị Ma Ri Yah và A Si Sah đều tham gia học nghề. Sau khi học xong, chị Ma Ri Yah đi làm công nhân may, còn chị A Si Sah thì mở tiệm may tại nhà.

Chị A Si Sah tâm sự: “Các lớp học nghề may được tổ chức vào ban đêm nên rất thuận lợi cho chúng tôi đi học nghề. Sau khi học xong, tôi tự tin để mở tiệm may tại nhà và có thể may được nhiều kiểu dáng. Tôi còn nhận được một học trò để “truyền nghề”, hiện nay em đã học xong và ra làm riêng. Nghề may tuy là công việc làm thêm vào những lúc rảnh rỗi trong ngày nhưng cũng giúp tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống tốt hơn”.

Là huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước, Xuân Lộc cũng là địa phương thực hiện tốt hoạt động đào tạo nghề nông thôn. Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên H.Xuân Lộc cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị
19-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, Xuân Lộc đã mở được 323 lớp dạy nghề ngắn hạn, đào tạo cho hơn 9 ngàn người với tỷ lệ hoàn thành lớp học đạt trên 99%. Sau khi tốt nghiệp nghề, có trên 85% lao động tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm mới. Nhiều mô hình kinh tế áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nâng cao thu nhập giúp cho gia đình học viên thoát nghèo.

* Sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, ban, ngành, đoàn thể

Ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngày 5-11-2012, Ban Bí thư (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện Chỉ thị này, ngày 10-7-2013, Ban TVTU đã ban hành Thông tri số 22-TT/TU.

Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tỉnh, các tổ chức Đảng, các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt các nội dung của Chỉ thị số 19-CT/TW, Thông tri số 22-TT/TU và các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện những chỉ đạo nêu trên đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền về tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Cùng với đó, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền về dạy nghề cho lao động nông thôn. Sở LĐ-TBXH cũng đã tổ chức các hội thảo, các lớp tập huấn tuyên truyền, phát hành hàng chục ngàn tài liệu tuyên truyền… Đây chính là tiền đề tạo nên những thành công trong hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Để hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn đi vào thực chất, đạt được nhiều thành quả, Đồng Nai đã thực hiện hàng loạt biện pháp như: đổi mới hoạt động dạy nghề, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề; điều tra, khảo sát các hộ dân có đất trực tiếp sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nghề; điều chỉnh chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên theo yêu cầu của thị trường sử dụng lao động; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng chương trình theo hướng mở, thiết kế gọn nhẹ, phù hợp thực tiễn, sát với yêu cầu, nguyện vọng của người học và thị trường lao động, gắn với quy hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Theo thống kê của Sở LĐ-TBXH, từ năm 2010-2020, toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 2,2 ngàn lớp đào tạo nghề cho hơn 65,5 ngàn lao động nông thôn, gồm: nghề nông nghiệp (hơn 36 ngàn người, chiếm 55,05%), nghề phi nông nghiệp (hơn 29,4 ngàn người, chiếm 44,95%). Trong đó, có hơn 60,2 ngàn người đã tốt nghiệp, hơn 54,6 ngàn người có việc làm, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề của các khóa đạt trên 90%. Hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn lên 65% (thống kê cuối năm 2020).

Ngày 28-7, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5-11-2012 của Ban Bí thư (khóa XI) và Thông tri số 22-TT/TU ngày 10-7-2013 của Ban TVTU về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hội nghị sẽ đánh giá những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, trong đó ngoài nêu bật thành quả sẽ nêu rõ những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại. Cùng với đó, hội nghị cũng sẽ đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030.

Hải Yến

 

 

 

Tin xem nhiều