Trong những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội và mục tiêu phát triển ổn định, lâu dài của đất nước.
Trong những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội và mục tiêu phát triển ổn định, lâu dài của đất nước.
Trẻ em mồ côi vì Covid-19 gặp mẹ đỡ đầu trong chương trình lễ phát động Mẹ đỡ đầu. Ảnh: N.Sơn |
Để tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị 20) giai đoạn 2012-2022.
* Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Sau khi có Chỉ thị 20, Ban TVTU (khóa IX) đã ban hành Kế hoạch 144 triển khai thực hiện Chỉ thị 20. Đồng thời, ban hành công văn thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các chương trình, kế hoạch, chỉ thị liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hồng Trang cho biết, bên cạnh tham mưu Ban TVTU ban hành Kế hoạch 144, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu tổ chức quán triệt Chỉ thị 20, Kế hoạch 144 đến các cấp ủy Đảng trực thuộc tỉnh, các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Tỉnh đoàn. Đồng thời, chỉ đạo, định hướng ban tuyên giáo các Đảng ủy trực thuộc tỉnh tham mưu cấp ủy quán triệt, các cơ quan báo chí tuyên truyền nội dung của Chỉ thị 20, Kế hoạch 144 và các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến lĩnh vực trẻ em cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh bằng nhiều hình thức.
Sáng 16-6, tại hội trường Tỉnh ủy, Ban TVTU tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Hội nghị sẽ đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới. |
Trên cơ sở đó, 100% cấp ủy trực thuộc tỉnh; 100% các chi, Đảng bộ trên địa bàn tỉnh đã quán triệt Chỉ thị 20 và Kế hoạch 144, giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới và xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của gia đình và của toàn xã hội. Từ đó, các cấp, các ngành, các địa phương đã có sự chủ động trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Trong đó, Sở LĐ-TBXH đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác trẻ em; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao dành cho thiếu nhi; các hoạt động tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại; triển khai các mô hình đảm bảo an toàn cho trẻ em; xây dựng phần mềm quản lý thông tin trẻ em, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em… Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Sở đã tham mưu ban hành nhiều chính sách, trong đó có chính sách hỗ trợ trẻ em điều trị Covid-19 hoặc cách ly y tế; hỗ trợ trẻ em mồ côi vì Covid-19…
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái chia sẻ, Hội LHPN các cấp cũng đã tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ về tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; đồng thời, thông qua thực hiện các đề án, cuộc vận động, các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, phối hợp với các ngành trong việc nắm bắt thông tin, theo dõi và hỗ trợ các trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại..., các cấp Hội đã góp phần chăm sóc, giáo dục về bảo vệ trẻ em.
* Tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện
Bên cạnh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20 đã góp phần đảm bảo quyền của trẻ em.
Ban TVTU đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách về trẻ em; đồng thời, đã thực hiện góp ý dự thảo Luật Trẻ em; góp ý dự thảo chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhà trường và cộng đồng dân cư tích cực tham gia công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em; phát hiện, ngăn chặn, lên án các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em...
Ở các địa phương, các chỉ tiêu liên quan đến chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đều được đưa vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch hằng năm của địa phương, đơn vị; qua đó, đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội vào sự nghiệp chăm lo, giáo dục, bảo vệ trẻ em. |
Cũng từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Trong đó, nhằm đảm bảo quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh ở trẻ em (theo Điều 14, Chương II, Luật Trẻ em hiện hành), mạng lưới y tế trên địa bàn tỉnh đã được củng cố và hoạt động có hiệu quả; công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em được quan tâm: đa số trẻ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; được uống vitamin A, được theo dõi cân nặng, chiều cao; tỷ lệ trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 99,9%... Dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh ngày càng được mở rộng giúp phát hiện, can thiệp và điều trị sớm đối với một số bệnh, tật bẩm sinh...
Song song đó, trẻ em còn được đảm bảo quyền được học tập, giáo dục. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non tăng dần qua các năm; tỷ lệ trẻ nhập học tiểu học đúng độ tuổi đạt 100%; tỷ lệ trẻ hoàn thành cấp tiểu học, THCS tăng qua các năm... Để trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp tục đến trường, các cấp, các ngành, các đoàn thể đã vận động nguồn lực trao tặng học bổng, cặp, sách, vở, đồ dùng học tập...
Các em thiếu nhi TP.Biên Hòa được tạo điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi giải trí |
Việc thực hiện các chính sách đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng được các ngành, các cấp triển khai kịp thời, đúng chế độ. Trong đó, 100% trẻ em nhiễm HIV/AIDS trong diện quản lý tại địa phương được chăm sóc, điều trị, tư vấn thích hợp; 100% trẻ mồ côi, khuyết tật được hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng; trên 90% trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện đã tiếp nhận, xử lý, giải quyết, hỗ trợ theo quy định...
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các huyện, thành phố tiêm vaccine phòng Covid-19 cho cán bộ, nhân viên, người chăm sóc trẻ và đối tượng đang sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi quy định... Bên cạnh chính sách hỗ trợ cho trẻ em là F0, F1, các cấp, các ngành, các đoàn thể còn đặc biệt quan tâm đến trẻ em mồ côi vì Covid-19.
Nga Sơn