Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng chiến lược thị trường bài bản, tránh "buôn chuyến" trong tiêu thụ nông sản

10:06, 07/06/2022

Như tin đã đưa, chiều 7-6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 7-6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT). Trách nhiệm trả lời chất vấn trực tiếp thuộc Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Đại biểu Thổ Út, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đặt câu hỏi chất vấn
Đại biểu Thổ Út, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đặt câu hỏi chất vấn

Số lượng câu hỏi “khủng” mở hàng phiên chất vấn cho thấy sự quan tâm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về những vấn đề thời sự “nóng” liên quan đến ngành Nông nghiệp.

* “Nóng” đầu vào, “nóng” cả đầu ra

Nội dung được các ĐBQH chất vấn nhiều nhất tập trung vào vấn đề nóng nhất hiện nay của ngành Nông nghiệp là giá vật tư đầu vào tăng cao, đầu ra nông sản gặp khó khăn. Đại biểu Thổ Út, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, đặt vấn đề trong bối cảnh kinh tế thế giới có biến động, nhiều nước trên thế giới có hạn chế về xuất khẩu lương thực, thực phẩm làm cho giá trị mặt hàng này tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Bộ trưởng có thể đưa ra giải pháp để ổn định giá cả các mặt hàng để làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón trong nước; để cho người dân sản xuất nông nghiệp không bỏ ruộng đất và người chăn nuôi không bỏ chuồng trại do sản xuất thua lỗ nhằm ổn định giá cả thực phẩm trong nước?

“Tôi rất tha thiết mong rằng, 14 triệu hộ nông dân chúng ta vào HTX, kinh tế tập thể nhằm giảm giá các nguyên liệu đầu vào vừa giảm được lượng phân thuốc hóa học nhờ sử dụng các chế phẩm tự sản xuất được, giúp nông dân có thể đối mặt rủi ro thị trường bất ổn như giai đoạn hiện nay. Thông qua đó, còn giúp nâng cao chất lượng nông sản, có thể năng suất ban đầu thấp hơn nhưng giá cả tốt hơn. Đó là ở tư duy lâu dài hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp chứ không phải làm đối phó nhất thời” - Bộ trưởng NN-PTNT  LÊ MINH HOAN phát biểu.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đặt vấn đề giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các loại vật tư nông nghiệp đầu vào vẫn tiếp tục tăng trong những năm qua làm người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lấy công làm lãi, thậm chí là thua lỗ. Đặc biệt, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, giá cả hàng hóa càng tăng phi mã. Bộ trưởng có giải pháp gì giúp người nông dân thích ứng và ứng phó với tình hình này để yên tâm sản xuất?

Đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) nhấn mạnh, cử tri rất lo lắng về tình trạng ùn tắc hàng nông sản tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc gây rất nhiều khó khăn, làm tăng chi phí, ảnh hướng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Một trong những nguyên nhân là tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc ngày càng khó.

Ngoài ra, nhiều ĐBQH chất vấn về các chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, tích lũy đất đai, thu hút đầu tư chế biến phát triển thị trường, hỗ trợ cho ngành đánh bắt thủy hải sản đang rất khó khăn do xăng dầu tăng…

* “Cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam”

Ngay tại nghị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nói lời cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam vì đã rất năng động, linh hoạt để góp phần vào kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD trong bối cảnh rất khó khăn. 

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ cho biết, qua những vấn đề chứng tỏ đã có thay đổi về tư duy của người sản xuất và tiến bộ hơn trong vấn đề quản lý, điều hành nền sản xuất sạch. Thị trường có nhiều cái biến nhưng có cái bất biến là chúng ta phải làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước: phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hợp tác quốc tế…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trăn trở, một quốc gia nông nghiệp nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân, thuốc, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN-PTNT trong chiến lược nâng cao năng lực tự chủ của ngành Nông nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, đỡ rủi ro về thị trường.

Ngoài giá, sản xuất nông nghiệp đã có những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, phần nào tự sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc sinh học. Đây không phải tạm thời đối phó tình huống mà về lâu dài cũng là giải pháp để hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp của chúng ta.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thông qua Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Tham tán thương mại nước ngoài, Bộ NN-PTNT cùng với các bộ đã xây dựng 3 thị trường lớn và đề án riêng cho từng loại thị trường, trong đó có thị trường Hoa Kỳ, thị trường EU và thị trường Trung Quốc. Theo đó, mỗi loại thị trường có chuẩn mực, tiềm năng và có quy định rào cản của thị trường. Do vậy, cần xây dựng đề án riêng, tránh tình trạng “đi buôn chuyến” để có chương trình xúc tiến bài bản tiếp cận thị trường với số đông doanh nghiệp tham gia hơn. Cách duy nhất là ngành Nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, tổ chức lại các hiệp hội, ngành hàng để dẫn dắt sự thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp cũng như “định vị” lại từng loại thị trường.

Bình Nguyên


Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ LÊ VĂN QUYẾT:

Mong chính sách đi vào thực tế

Hiện giá gà công nghiệp ngoài thị trường đạt 36-38 ngàn đồng/kg nhưng những trang trại tham gia chuỗi liên kết nuôi gà xuất khẩu vẫn bán cho doanh nghiệp theo giá ký hợp đồng là 28 ngàn đồng/kg.

Rất nhiều chuỗi liên kết bị đứt gãy, thất bại do các bên tham gia sẵn sàng phá bỏ cam kết vì những cái lợi ngắn hạn. Việc giữ đúng hợp đồng giữa các bên chính là điều kiện để chuỗi liên kết bền vững. Đây cũng chính là điểm đột phá để sản xuất nông nghiệp thoát khỏi lối mòn manh mún, nhỏ lẻ, hình thành những chuỗi liên kết quy mô sản xuất lớn với năng suất cao, giá thành hạ, chất lượng tốt để cạnh tranh được khi bước vào sân chơi quốc tế.

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã triển khai đồng loạt và rất quyết liệt những chính sách, chương trình phát triển nông nghiệp bền vững, nhất là trong xây dựng chuỗi liên kết. Điều chúng tôi mong chờ nhất là những chính sách, chương trình đã đề ra trong giai đoạn mới thực sự đi vào thực tế của từng địa phương.

Ông BÙI NHẬT TÂN, nông dân trồng bưởi sạch xã Tân An (H.Vĩnh Cửu):

Cần bệ đỡ về đầu ra cho nông sản sạch

Là nông dân đi tiên phong sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, tôi không ngại xây dựng quy trình, kỹ thuật sản xuất khác với cách làm truyền thống. Vấn đề khiến tôi và nhiều nông dân lo lắng nhất hiện nay là đầu ra cho nông sản sạch đang gặp khó.

Chỉ riêng xã Tân An hiện có khoảng 200ha bưởi. Trong đó, khoảng 5 hộ với diện tích 10ha đang rất muốn theo đuổi hướng sản xuất sạch nhưng đều chưa dám mạnh dạn đăng ký bởi đầu ra không ổn định. Nông dân còn nhiều khó khăn trong việc kết nối với đơn vị tiêu thụ. Theo tôi, để nông dân yên tâm sản xuất, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, kết nối nhiều hơn nữa giữa nông dân với các doanh nghiệp tiêu thụ. Khi có sự cam kết thu mua ổn định, nông dân sẽ tự tin bắt tay sản xuất, bảo đảm được cả về sản lượng và chất lượng của nông sản.

Lê Quyên - Ngọc Liên (ghi)


 

Tin xem nhiều