Báo Đồng Nai điện tử
En

Như ngọn đèn pha soi rọi...

07:05, 12/05/2022

Kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng là lĩnh vực công tác rất quan trọng của Đảng. Vì sao như vậy? Bởi thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng mà qua quýt là làm hỏng tổ chức Đảng. Không chú trọng, không màng đến là xem khinh công tác xây dựng Đảng. Nhưng lạm dụng quyền hạn, làm sai, làm trái trong công tác này là có tội với Đảng, với cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng là lĩnh vực công tác rất quan trọng của Đảng. Vì sao như vậy? Bởi thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng mà qua quýt là làm hỏng tổ chức Đảng. Không chú trọng, không màng đến là xem khinh công tác xây dựng Đảng. Nhưng lạm dụng quyền hạn, làm sai, làm trái trong công tác này là có tội với Đảng, với cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2022. Ảnh: Phương Hằng
Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2022. Ảnh: Phương Hằng

Lâu nay, có không ít người rất lười học lý luận chính trị nhưng lại thích cao đàm khoát luận. Từ đó, nói năng huyên thuyên nhưng có khi sai lệch với quan điểm của Đảng. Hại hơn, trong thực hành công việc, do hiểu sai, hiểu không thấu đáo dẫn đến làm sai, thành người có lỗi, thậm chí có tội với tổ chức Đảng hay đồng chí, đồng nghiệp của mình.

Trên Báo Sự thật, số 103, ngày 30-11-1948, tức cách đây gần 3/4 thế kỷ, Bác Hồ có viết bài báo Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần làm ngay. Đó chính là việc kiểm tra và giám sát của Đảng lâu nay. Bác nói: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi… Khi đã có chính sách đúng thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích. Mục đích sự tổ chức công tác là: động viên toàn thể nhân dân hăng hái thi hành chính sách đã định. Mục đích lựa chọn cán bộ là dùng nhân tài cần phải hợp lý, chớ dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn và cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Mà muốn biết sự động viên ấy và sự thực hành ấy đã đến mức nào thì phải có kiểm tra”.

Như vậy, đó là 3 mặt gắn bó hữu cơ của công tác Đảng. Thiếu mặt nào cũng chệch choạc, không đi đến nơi, chẳng về đến chốn, tức là kết quả không như mong muốn, thậm chí chẳng có gì.

Cũng trong bài báo ngắn đó, Bác Hồ giải thích vì sao phải kiểm tra: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời. Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị mà công việc vẫn không chạy”.

Qua kiểm tra chỉ một vài tổ chức cơ sở Đảng của Khối các cơ quan tỉnh dịp cuối năm 2021, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối phát hiện một hiện tượng là nhiều cơ sở không xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát; hoặc nếu có thì chưa triển khai. Thực tế, đây là việc làm cho có, để ghi vào báo cáo với cấp trên. Còn năm nay, cho đến hiện giờ, đã gần giữa tháng 5, nhưng vẫn còn những tổ chức chưa xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát của năm. Nhưng trong thực tế, lại có một hiện tượng khác nữa. Có nơi e ngại, thậm chí sợ kiểm tra, giám sát của Đảng.

Như vậy là trong Đảng, dù chỉ cá biệt, đã hiểu sai hoặc làm sai công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Đừng nhìn một vài đồng chí bị phê bình, kỷ luật qua giám sát, kiểm tra mà hiểu rằng đó là mục đích duy nhất của công tác quan trọng này. Mục tiêu lớn nhất của giám sát, kiểm tra của Đảng là để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Những khuyết điểm cần được chỉ rõ; những lệch lạc phải được ngăn chặn, khắc phục; những vi phạm phải được xử lý. Và, điều này cũng không kém phần quan trọng là phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Nhận thức đúng về vai trò của kiểm tra, giám sát là vế đầu tiên của công tác này. Nhưng thực hành, phải có cách thức đúng. Đừng chuyện bé xé ra to. Cũng đừng dĩ hòa vi quý, nơi nào và ai cũng có hạn chế là do nhiều việc quá; do suy nghĩ chưa thấu đáo; do ít kinh nghiệm nhưng rất nhiệt tình, hay trẻ người non dạ. Vân vân và vân vân.

Bác Hồ dạy về cách kiểm tra rất ngắn gọn mà không thiếu mặt nào:

1. Kiểm tra phải có hệ thống, nghĩa là khi đã có nghị quyết thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn.

2. Kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi.

3. Kiểm tra phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình, để tỏ rõ hết mọi khuyết điểm và tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy. Như thế thì cán bộ càng thêm trọng kỷ luật và lòng phụ trách.

Đó là nói về cách thức kiểm tra. Nhưng còn cần có tư cách người kiểm tra nữa đảm bảo thực hiện tốt công tác này. Bác Hồ bảo: Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín (uy tín). Song không vì thế mà lãnh đạo ôm đồm hết cả mọi việc mà cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm.

Lợi ích của công tác kiểm tra thật lớn:

Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn pha. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra.

Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm.

Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng rất quan trọng và cũng rất khó. Ai phụ trách hoặc trực tiếp thực hiện công tác này không chỉ có tri thức, kỹ năng, bản lĩnh mà cần chịu khó, tâm huyết với công việc và tổ chức Đảng, coi như mình đang gánh vác một nhiệm vụ nặng nề. Để hoàn thành nhiệm vụ này, phải thực sự làm gương, làm mẫu cả trong công tác lẫn trong sinh hoạt. Mình không làm gương, làm mẫu cho đảng viên và quần chúng noi theo thì làm sao có thể đi kiểm tra, giám sát ai được.

Hôm trước, đọc báo thấy ở một tỉnh trên Tây nguyên có ông chủ nhiệm ủy ban kiểm tra huyện ủy nọ xây nhà trên đất nông nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính. Để trả đũa, ông ra lệnh chi bộ phòng kinh tế hạ tầng cung cấp hồ sơ xây nhà ở của ông chủ tịch huyện! Thật là vô phép vô thiên. Sao lại biến một công việc quan trọng, nghiêm túc của Đảng vào chuyện cá nhân sai trái. Bác Hồ có nói, tất cả cán bộ từ trung ương đến địa phương vào Đảng để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đảng không cho phép ai sử dụng quyền lực và công cụ của Đảng và Nhà nước để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng là việc khó, đôi khi gặp phải sự ngại ngần, tế nhị, thậm chí phản đối. Có nơi, chi bộ, Đảng bộ tổ chức kiểm điểm để xem xét kỷ luật mà đối tượng có cả đảng viên là cán bộ lãnh đạo của cả đơn vị, to chức hơn bí thư chi bộ mấy bậc. Nhưng dù ai đi nữa, có khuyết điểm đều phải kiểm điểm. Đó là nguyên tắc của Đảng. Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng dẫn lời dạy của một bậc vĩ nhân mà Người luôn xem là người thầy: Trí giả bất hoặc, Nhân giả bất ưu, Dũng giả bất cụ. Nghĩa là, người Trí chẳng nghi ngờ, người Nhân chẳng lo buồn, người Dũng chẳng sợ hãi.

Người phụ trách hay trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có đủ 3 đức lớn đó sẽ vững vàng và an tâm khi sử dụng ngọn đèn pha của Đảng vào công việc chung của từng tổ chức cơ sở Đảng và của chính bản thân mình.

Bùi Quang Huy

 

Tin xem nhiều