Thời gian qua, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh được duy trì, nhân rộng với nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT). Nhiều địa phương còn vận động thực hiện những mô hình tự quản trên các lĩnh vực khác như: bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới…
Thời gian qua, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh được duy trì, nhân rộng với nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT). Nhiều địa phương còn vận động thực hiện những mô hình tự quản trên các lĩnh vực khác như: bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới…
Thời gian qua, mô hình Tiếng kẻng an ninh được duy trì hiệu quả tại ấp 2, xã Phú Lộc (H.Tân Phú). Ảnh: H.Thảo |
Các mô hình tự quản đã góp phần phát huy tinh thần đoàn kết và quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cách làm ấy cũng đúng với phương châm “Lấy dân làm gốc”, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”… mà Bác Hồ đã dạy.
* Phát huy sức mạnh trong dân
Với 25 thành viên, thời gian qua, mô hình Tổ tự quản về ANTT ấp Bàu Cối (xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) đã góp phần tích cực trong gìn giữ ANTT trên địa bàn.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bảo Quang Lương Thị Bảo Thùy cho hay, phát huy vai trò của mình, thời gian qua, các thành viên trong tổ đã tích cực tham gia cùng với lực lượng công an xã tuần tra giữ gìn ANTT trên địa bàn tổ, ấp; vận động, giáo dục thành viên gia đình và nhân dân trong ấp chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng khu dân cư an toàn về ANTT, không có tội phạm, tệ nạn xã hội.
Cùng với đó, khi phát hiện có đối tượng nghi vấn phạm tội hoặc vi phạm pháp luật khác, tổ kịp thời báo ngay cho Công an xã xử lý. Các thành viên của tổ còn tích cực tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỡ tại cộng đồng dân cư…, giúp họ vượt qua mặc cảm, sớm trở thành người có ích cho xã hội.
Bà Thùy nhấn mạnh, những đóng góp của Tổ ANTT ấp Bàu Cối nói riêng cũng như các mô hình tự quản khác trên địa bàn nói chung đã đóng góp thiết thực vào quá trình xây dựng thành công Bảo Quang thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.
Là xã có đông đồng bào dân tộc, bà Quách Thị Toan, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) cho hay, để công tác tuyên truyền được hiệu quả, người dân đồng tình và chấp hành, Ủy ban MTTQ xã thường xuyên giữ mối quan hệ, phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc, già làng trong công tác tuyên truyền, vận động. Đồng thời, chú trọng thành lập các mô hình tự quản nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết trong khu dân cư.
Đơn cử như mô hình Tổ đồng bào dân tộc Chơro tham gia bảo vệ môi trường gắn với tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hàng Gòn phối hợp với ban ấp, già làng, đồng bào dân tộc Chơro trên địa bàn thành lập.
Với 15 thành viên, hơn 2 năm qua, kể từ khi thành lập, các thành viên cùng các hộ dân tham gia dọn dẹp vệ sinh, phát quang cây cối và khơi thống cống rãnh, vét mương tạo dòng chảy tránh để ngập nước trong mùa mưa… Các hoạt động của tổ đã góp phần tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, trách nhiệm và có nhiều hành động cụ thể, thiết thực để bảo vệ môi trường, hình thành nếp sống văn hóa - văn minh - thân thiện.
Bà Toan cho hay, hoạt động của mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư trên địa bàn luôn gắn với việc triển khai thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa bàn dân cư, đảm bảo ANTT, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Cũng là ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số, ấp Hòa Hiệp (xã Ngọc Định, H.Định Quán) có khoảng 365 hộ dân với gần 1,6 ngàn nhân khẩu, trong đó có khoảng 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với khoảng 400 nhân khẩu. Ấp có diện tích rộng, tiếp giáp với nhiều xã, người dân trong ấp sinh sống thưa thớt theo những khu rẫy rộng lớn, đường sá bê tông hóa rồi nhưng còn vắng vẻ… Do đó, trước đây, kẻ xấu thường tận dụng cơ hội để trộm cắp tài sản của người dân.
“Nhằm phát huy sức mạnh trong dân, ấp đã thành lập mô hình tổ tự quản về ANTT. Các thành viên của tổ đã không quản ngày đêm tình nguyện thực hiện tuần tra, canh gác trong các khu dân cư trên địa bàn ấp. Từ đó, gìn giữ ANTT ấp luôn đảm bảo ổn định” - ông Mỵ Duy Nghệ, Trưởng ấp Hòa Hiệp cho hay.
Ấp 2, xã Phú Lộc (H.Tân Phú) cũng là một trong những ấp xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình tự quản. Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Bí thư Chi bộ ấp 2, xã Phú Lộc chia sẻ, với phương châm lấy dân làm gốc và dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân như Bác Hồ đã dạy, thời gian qua, ấp duy trì nhiều mô hình như: Tiếng kẻng an ninh, Cổng rào an ninh… Nhờ đó, đã góp phần giúp tình hình ANTT trên địa bàn ấp những năm qua luôn được giữ vững, tăng sự gắn kết giữa các gia đình, xây dựng tình đoàn kết cộng đồng. Cũng từ đây, bà con đã yên tâm lao động sản xuất, có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao, bộ mặt ấp ngày càng đổi thay rõ nét.
* Tăng kết nối, thêm gắn bó
Đồng Nai là tỉnh có đông công nhân lao động, số lao động đến thuê nhà trọ để tạm trú làm việc rất lớn. Từ đó, dễ kéo theo tình trạng mất ANTT. Nhằm giúp các công nhân an tâm sinh sống, làm việc, thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp cùng với các chủ nhà trọ xây dựng các mô hình tự quản nhằm đảm bảo ANTT cũng như tạo thêm sự gắn kết, chung tay trong chăm lo đời sống công nhân.
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) cho biết, xã Sông Trầu là địa phương có đông công nhân lao động đang tạm trú làm việc. Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh xã đã sáng tạo mô hình Tổ nhà trọ văn minh thân thiện không có tệ nạn xã hội với các thành viên là các cựu chiến binh có phòng trọ cho thuê và các công nhân tại khu nhà trọ nhằm chung sức tạo dựng được môi trường sống an toàn, lành mạnh, giúp công nhân lao động an tâm làm việc, gắn bó.
Ông Nguyễn Quang Khải, Tổ trưởng Tổ nhà trọ văn minh thân thiện không có tệ nạn xã hội của Hội Cựu chiến binh xã cho biết thêm, toàn xã hiện có gần 30 hội viên cựu chiến binh có khu nhà trọ cho công nhân thuê với tổng số khoảng 300 phòng. Trước khi cho công nhân vào thuê trọ, chủ nhà trọ thường xuyên nhắc nhở công nhân nâng cao cảnh giác, giữ gìn tài sản cá nhân và chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ. Người thuê trọ phải cam kết không mắc các tệ nạn xã hội.
Ông Khải cho hay, mặc dù số phòng trọ và người thuê trọ tăng lên nhưng nhờ duy trì tốt Tổ nhà trọ văn minh thân thiện không có tệ nạn xã hội nên tình hình ANTT địa bàn luôn được duy trì ổn định.
Bà Hoàng Thị Định, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Hòa Bình (xã Giang Điền, H.Trảng Bom) cũng cho biết, ấp Hòa Bình là nơi tập trung đông công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của tổ chức Hội cấp trên, chi hội phụ nữ ấp đã thành lập mô hình Tổ phụ nữ nhà trọ tự quản. Từ mô hình này đã giúp kết nối chị em hội viên trong công nhân lao động, giúp cho chị em có thêm điều kiện được giao lưu ngoài những giờ làm việc căng thẳng để sống và làm việc hiệu quả, thoải mái hơn.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cuộc sống của người lao động vất vả hơn. Đồng hành với công nhân trong giai đoạn khó khăn này, các Tổ tự quản tại khu nhà trọ đã tích cực vận động các thành viên miễn, giảm tiền nhà trọ cho công nhân và được người lao động hưởng ứng nhiệt tình.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào theo đạo, đông công nhân lao động, đa dạng về thành phần dân tộc, thời gian qua, tỉnh chú trọng xây dựng thêm nhiều mô hình tự quản mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...; trong đó, luôn chú trọng đến các đối tượng là các chức sắc tôn giáo, người uy tín trong đồng bào dân tộc, công nhân lao động. Qua đó, góp phần đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả các loại tội phạm, bảo đảm ANTT, xây dựng khối đại đoàn kết và tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. |
Hồ Thảo