Báo Đồng Nai điện tử
En

Lan tỏa ý nghĩa chương trình Mẹ đỡ đầu

07:04, 09/04/2022

Với mục tiêu vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân trong việc nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc/nuôi dưỡng trẻ em mồ côi (trước mắt là trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19) có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện, cuối năm 2021, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động và triển khai chương trình Mẹ đỡ đầu.

Với mục tiêu vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân trong việc nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc/nuôi dưỡng trẻ em mồ côi (trước mắt là trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19) có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện, cuối năm 2021, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động và triển khai chương trình Mẹ đỡ đầu.

Cơ sở Hội trực thuộc Hội Phụ nữ Công an tỉnh nhận đỡ đầu cho trẻ mồ côi. Ảnh: Hội Phụ nữ Công an tỉnh cung cấp
Cơ sở Hội trực thuộc Hội Phụ nữ Công an tỉnh nhận đỡ đầu cho trẻ mồ côi. Ảnh: Hội Phụ nữ Công an tỉnh cung cấp

Hưởng ứng chương trình, các cấp Hội LHPN trong tỉnh nhanh chóng triển khai, đến nay đã đạt được kết quả bước đầu. Các cấp Hội trong tỉnh đã kết nối, vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu/hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng 59 trẻ (trong đó có 20 em mồ côi cha, mẹ vì lý do khác, 39 em mồ côi cha, mẹ do Covid-19) tới khi đủ 18 tuổi.

* Cùng góp sức

Bà Phí Thị Thu Hà, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, căn cứ vào nội dung phát động và hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam về triển khai chương trình Mẹ đỡ đầu - hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, Hội LHPN tỉnh đã ban hành hướng dẫn triển khai chương trình trong các cấp Hội LHPN tỉnh nhằm giúp Hội LHPN các cấp, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia hiểu rõ nội dung, cách thức triển khai chương trình Mẹ đỡ đầu nhằm chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chăm lo cho trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19 hoặc các nguyên nhân khác.

Theo hướng dẫn, chương trình Mẹ đỡ đầu sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn từ năm 2021-2027 sẽ tập trung hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 (mồ côi cả cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ) đến khi các con đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện, tình hình thực tế của từng địa phương có thể mở rộng đối tượng hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ mồ côi nói chung có hoàn cảnh gia đình hoặc gia đình người chăm sóc thay thế thuộc hộ nghèo; trẻ em không nơi nương tựa, không có người nuôi dưỡng do những nguyên nhân khác (như: cha mẹ, người nuôi dưỡng mất khả năng lao động hoặc đang trong thời gian chấp hành án phạt tù…).

Theo Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh PHÍ THỊ THU HÀ, tới đây Hội các cấp sẽ tiếp tục tuyên truyền cho hội viên phụ nữ và nhân dân hiểu về ý nghĩa nhân văn của chương trình; vận động, kết nối tổ chức, cá nhân, nhất là phụ nữ tại địa phương trong công tác nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại gia đình; quan tâm chăm sóc trẻ hằng ngày về sức khỏe, tâm lý, tình cảm… Đồng thời, làm tốt vai trò vận động, kết nối hỗ trợ cho trẻ em mồ côi.

Đối với giai đoạn từ năm 2028 trở đi, các cấp Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 đến khi các con đủ 18 tuổi. Đồng thời, mở rộng đối tượng hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ mồ côi nói chung, trẻ em không nơi nương tựa, không có người nuôi dưỡng do những nguyên nhân khác.

Thực hiện hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN các huyện, thành phố và đơn vị trực thuộc đã tổng hợp danh sách, kết nối, vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng 59 em. Trong đó, thông qua sự hỗ trợ của tỉnh, Hội LHPN tỉnh cũng đã kết nối với Quỹ Công tác xã hội - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Trọng Bình nhận đỡ đầu 24 em, hiện còn 18 em (do một số em chuyển đi địa phương khác, một số em quá tuổi) với mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/em/tháng để trang trải chi phí học tập. Gần đây nhất, Hội LHPN tỉnh cũng đã có văn bản tiếp nhận nguồn hỗ trợ 10 tỷ đồng trong vòng 10 năm (mỗi năm 1 tỷ đồng) của Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành để chăm lo cho trẻ em mồ côi cha, mẹ vì Covid-19 sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Bên cạnh các trẻ được Hội LHPN tỉnh kết nối với các đơn vị nhận đỡ đầu, Hội LHPN các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc cũng đang vận động, kết nối mạnh thường quân nhận đỡ đầu cho trẻ.

Bà Mai Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN H.Long Thành cho biết, đến thời điểm này, Hội LHPN H.Long Thành đã nhận đỡ đầu trên 10 trẻ. Tháng đầu tiên, nguồn hỗ trợ sẽ do Hội LHPN huyện thực hiện nhưng từ tháng thứ 2 trở đi, Hội LHPN huyện giao cho Hội LHPN cơ sở đảm nhận việc vận động nguồn lực nhận đỡ đầu về mặt lâu dài. Hay như Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã vận động hội viên phụ nữ của đơn vị tự nguyện đóng góp để tạo nguồn kinh phí đỡ đầu trẻ em mồ côi. Tính đến nay, các cơ sở Hội thuộc Hội LHPN Công an tỉnh đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng 10 trẻ mồ côi, giúp các em có cơ hội được phát triển toàn diện.

* Tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa của chương trình

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đi qua để lại hậu quả nặng nề, nhất là đối với trẻ em. Nhiều em có cha mẹ bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi. Nỗi đau mất đi đấng sinh thành đối với các em là cú sốc quá lớn, không gì có thể bù đắp được. Vì vậy, chương trình Mẹ đỡ đầu do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động đúng lúc góp phần xoa dịu nỗi đau, mất mát, chia sẻ khó khăn, giúp các em có thêm điểm tựa trong hành trình đi tới tương lai.

Đại diện Quỹ Công tác xã hội - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Trọng Bình thăm, trao hỗ trợ cho trẻ mồ côi vì dịch Covid-19 được nhận đỡ đầu. Ảnh: N.Sơn
Đại diện Quỹ Công tác xã hội - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Trọng Bình thăm, trao hỗ trợ cho trẻ mồ côi vì dịch Covid-19 được nhận đỡ đầu. Ảnh: N.Sơn

Đang ở cái tuổi vô tư, hồn nhiên nhưng 3 chị em: Trần Ngọc Minh Thư, Trần Ngọc Thiên Thư và Trần Ngọc Thiên Ngân (ở ấp 3, xã Tân Hiệp, H.Long Thành) đã phải trải qua nỗi đau mất đi người cha yêu quý. Từ ngày cha mất, gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai mẹ nên mẹ để 3 chị em Thư ở với bà nội, một mình lên TP.HCM bươn chải kiếm tiền nuôi 3 chị em ăn học.

Minh Thư chia sẻ, là con gái lớn trong nhà, nhìn thấy mẹ một mình vất vả em thấy lo, bởi cha mất rồi, giờ 3 chị em chỉ còn có mẹ và bà nội năm nay đã già yếu. Chẳng may mẹ có bề gì, chị em Minh Thư không biết nương tựa vào đâu. Em đã từng nghĩ đến việc nghỉ học để đi làm phụ mẹ lo cho 2 em, nhưng mẹ khuyên em tiếp tục đi học để sau này không phải vất vả như mẹ, còn kinh tế gia đình cứ để mẹ lo. Đúng lúc gia đình khó khăn, bản thân em đứng giữa quyết định học tiếp hay nghỉ thì chương trình Mẹ đỡ đầu đến với em. “Số tiền hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng/người tuy không lớn nhưng giúp mẹ em vơi bớt gánh nặng, giúp em yên tâm tiếp tục đến trường” - Minh Thư bộc bạch.

Theo bà Phí Thị Thu Hà, riêng với đối tượng trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19 hiện vẫn còn 91 trường hợp chưa được nhận đỡ đầu. Để đạt mục tiêu 100% trẻ mồ côi vì dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu và tiến tới có nhiều trẻ mồ côi vì các nguyên nhân khác được nhận đỡ đầu, Hội LHPN tỉnh đã có công văn đề nghị các cấp Hội tập trung triển khai chương trình. Trong đó, cần tăng cường tuyên truyền cho hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân hiểu ý nghĩa nhân văn của chương trình; vận động, kết nối tổ chức, cá nhân, nhất là phụ nữ tại địa phương nhận hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại gia đình; quan tâm chăm sóc trẻ về sức khỏe, tâm lý, tình cảm… để trẻ có cơ hội phát triển toàn diện.

Nga Sơn

Tin xem nhiều