Khi mỗi gia đình trong ấp xảy ra việc tang, tùy theo quy ước của từng ấp mà mỗi gia đình sẽ đóng góp từ 5-10 ngàn đồng gọi là "Tiền rau muống".
Khi mỗi gia đình trong ấp xảy ra việc tang, tùy theo quy ước của từng ấp mà mỗi gia đình sẽ đóng góp từ 5-10 ngàn đồng gọi là “Tiền rau muống”.
Thành viên Ban ấp Đức Long 1 (xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất) rà soát danh sách hộ dân trước khi thực hiện mô hình Tiền rau muống. Ảnh: S.Thao |
Số tiền này sau đó được ban công tác Mặt trận ấp, khu phố tập hợp lại rồi chuyển đến gia đình không may có người qua đời để thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia sự mất mát.
* Mô hình nhân văn
Mô hình Tiền rau muống đang được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp lan tỏa đến hầu hết các ấp, khu phố trong tỉnh. Đây được xem là mô hình phát huy hiệu quả trong gắn kết người dân.
Ông Trần Chí Dũng, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Đức Long 3 (xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất) cho hay, trước khi ông đảm nhận vai trò Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Đức Long 3 thì mô hình này đã duy trì nhiều năm. Sau này, ông Dũng tiếp tục duy trì mô hình nhân văn này từ những thế hệ Trưởng ban công tác Mặt trận đi trước. Theo đó, tại ấp Đức Long 3, khi gia đình nào trong ấp xảy ra việc tang, mỗi gia đình sẽ đóng góp 5 ngàn đồng. Số tiền này nhân với 642 hộ thì được hơn 3,2 triệu đồng. Sau đó, ban ấp đại diện bà con đến phúng viếng, chia buồn cùng gia đình có việc tang. Hàng xóm láng giềng, người thân quen trong ấp vẫn tiếp tục đến phúng viếng, đốt nhang cho người quá cố theo mối thân tình.
Ông TRẦN CHÍ DŨNG, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Đức Long 3 (xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất) chia sẻ: “Trong hoàn cảnh khó khăn, mất mát thì tình người lại càng tỏa sáng. Mô hình Tiền rau muống chính là một trong những hoạt động giúp gắn kết thêm tình làng, nghĩa xóm khi mỗi gia đình không may mất đi người thân”. |
Theo ông Hoàng Văn Chương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Gia Tân 2, hiện mô hình này đã lan tỏa ở cả 5 ấp của xã. Tùy theo quy ước mà mỗi ấp đóng góp khác nhau. Nhưng có điểm chung là bà con đều chung tay thực hiện mô hình này.
Tương tự, tại ấp Thái Hòa (xã Phú Túc, H.Định Quán), mô hình này cũng được người dân hưởng ứng, duy trì nhiều năm qua.
Theo ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Thái Hòa, từ năm 2005, ấp bắt đầu triển khai mô hình Tiền rau muống. Hiện hơn 600 hộ dân cùng đóng góp 10 ngàn đồng/gia đình để ban ấp đại diện đến chia buồn với gia đình có tang. “Dù trong ấp có nhiều thành phần dân tộc, nhiều thành phần tôn giáo khác nhau nhưng bà con đều tự nguyện tham gia và đây là mô hình có sự hưởng ứng rất tích cực từ mỗi gia đình trong ấp” - ông Diệp chia sẻ thêm.
* Nhân lên mô hình gắn kết cộng đồng
Mô hình Tiền rau muống ra đời từ ấp Đức Long 3 (xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất) cách đây gần 20 năm. Tùy vào quy ước của từng ấp, khu phố mà ở từng thời kỳ, mô hình này tăng dần số tiền mỗi hộ đóng góp để phù hợp với giá cả thị trường. Qua đó, giúp được nhiều hơn cho gia đình có đám tang, nhất là hộ hoàn cảnh khó khăn.
Theo ông Hoàng Văn Diệp, ban đầu khi mới triển khai mô hình, mỗi hộ chỉ đóng 2 ngàn đồng. Sau đó, bà con nhất trí tăng lên 5 ngàn đồng/hộ. Hiện nay, số tiền tham gia mô hình này là 10 ngàn đồng/hộ. “Khi nghe trong xóm có tang là bà con chủ động tìm đến tôi để đóng góp. Mỗi gia đình xem đây nghĩa vụ của mình đối với lối xóm. Không ít gia đình còn góp nhiều hơn số tiền quy định chung” - ông Diệp nói.
Bên cạnh đó, nhiều ấp, khu phố còn chủ động làm mới mô hình Tiền rau muống bằng những hình thức khác nhau theo nguyện vọng của người dân.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ) cho biết, xã có 12 ấp, ngoài một số khu dân cư tập trung thì hầu hết các gia đình sống cách xa nhau. Do đó, tùy sự đồng thuận của bà con trong ấp mà Chi bộ, Ban công tác Mặt trận ấp thực hiện đóng góp tiền hỗ trợ mai táng theo hình thức khác nhau. Trong đó, ở nhiều ấp bà con tự nguyện đóng góp 10 ngàn đồng/năm. Đây là số tiền “cứng” để khi gia đình nào có việc tang thì tùy hoàn cảnh gia khó khăn mà ban ấp đến phúng viếng chia buồn ngay. Nếu hộ nào quá khó khăn, neo đơn, ban ấp tiếp tục vận động thêm nguồn lực nhằm hỗ trợ lo tang ma cho người đã khuất.
Như khi gia đình ông Lê Văn Gàn (hộ cận nghèo ở ấp 1, xã Xuân Tây) có đám tang, do hoàn cảnh ông khó khăn lại neo đơn nên ban ấp cùng nhân dân đã tìm đến để chung tay lo đám tang cho người qua đời, thể hiện tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư.
Sông Thao