Báo Đồng Nai điện tử
En

'Thủ lĩnh' thanh niên thích ứng thời kỳ mới

11:03, 24/03/2022

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thanh niên có thêm nhiều cơ hội kết nối, phát triển và từ đó cũng có những đòi hỏi cao hơn ở tổ chức Đoàn, ở những "thủ lĩnh" thanh niên...

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thanh niên có thêm nhiều cơ hội kết nối, phát triển và từ đó cũng có những đòi hỏi cao hơn ở tổ chức Đoàn, ở những “thủ lĩnh” thanh niên.

Chị Nguyễn Thị Mai Trang (giữa), Bí thư Đoàn xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) tham quan tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã để lan tỏa trong đoàn viên thanh niên. Ảnh: N.Sơn
Chị Nguyễn Thị Mai Trang (giữa), Bí thư Đoàn xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) tham quan tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã để lan tỏa trong đoàn viên thanh niên. Ảnh: N.Sơn

Nhận thức được điều này, với vai trò dẫn dắt, định hướng thanh niên trong các phong trào, hoạt động, đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp luôn rèn luyện cho mình bản lĩnh, lòng yêu nghề, sáng tạo và linh hoạt trong quá trình triển khai các hoạt động Đoàn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong tình hình mới.

* “Ngọn lửa” nhiệt huyết luôn rực cháy

Năm 2014, anh Nguyễn Văn Thêm, ngụ ấp Lý Lịch 1 (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về tiếp tục tham gia đóng góp cho hoạt động của địa phương. Là bộ đội xuất ngũ, gia đình lại có truyền thống cách mạng, bản thân là đảng viên tích cực trong các hoạt động tại địa phương nên năm 2015, anh được giới thiệu và bầu làm Bí thư Chi đoàn ấp Lý Lịch 1.

Anh Thêm chia sẻ, địa bàn ấp Lý Lịch 1 đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc tuyên truyền vận động ĐVTN và các tầng lớp nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, ban ngày đi làm rẫy, tối đến anh Thêm lại phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong ấp đi đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để nắm tình hình ĐVTN, để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là liên quan đến chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên.

Đồng chí NGUYỄN ANH TUẤN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn từng chia sẻ: “Cán bộ Đoàn phải trải qua quá trình rèn luyện, tích lũy, có sản phẩm ở từng vị trí công tác chứ không phải là một công việc nhẹ nhàng, đơn giản, vào rồi cứ thế thăng tiến. Cán bộ Đoàn phải biết rèn luyện, học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm qua công việc mà mình được phân công…”.

Đặc biệt, trong đợt dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh năm vừa qua, anh Thêm cùng với ủy viên Ban chấp hành Chi đoàn đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch; cài đặt ứng dụng khai báo y tế khi có những dấu hiệu bất thường… Anh Thêm còn gương mẫu đi đầu tham gia các lớp học đánh cồng chiêng, vận động ĐVTN tham gia lớp học đánh cồng chiêng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Cũng bởi niềm đam mê với phong trào mà chị Nguyễn Thị Mai Trang (ở xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) từ bỏ công việc đúng chuyên môn để tham gia công tác Đoàn với vai trò Bí thư Đoàn xã Xuân Phú. Chị Trang cho biết, được làm công việc yêu thích với chị Trang là hạnh phúc. Nhưng quá trình gắn bó với công tác Đoàn, bản thân chị cũng gặp không ít khó khăn, nhất là giai đoạn con trai chị còn nhỏ.

Theo chia sẻ của chị Trang, cán bộ Đoàn cơ sở ngoài việc phải xây dựng chương trình, kế hoạch, quản lý hồ sơ đoàn vụ còn phải gần gũi cơ sở, thường xuyên dự sinh hoạt chi đoàn, trực tiếp tham quan các mô hình phát triển kinh tế của ĐVTN để nắm bắt tình hình và kịp thời định hướng, lan tỏa trong ĐVTN. Chưa kể, bí thư chi đoàn ấp thường xuyên thay đổi nên chị Trang có khi phải “cầm tay chỉ việc”. Các buổi sinh hoạt chi đoàn hay các chương trình hoạt động của Đoàn Thanh niên xã thường diễn ra vào buổi tối hoặc ngày nghỉ nên chị phải sắp xếp việc nhà, gửi con cho ông bà trông giúp để tham gia hoạt động.

Nhờ có nhiệt huyết của tuổi trẻ mà Bí thư Đoàn xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) Võ Thúy Hằng đã vượt qua biết bao khó khăn trong quá trình gắn bó với Đoàn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 nóng bỏng vừa qua. Chị Hằng cho hay, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh, ngoài việc tham gia truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân…, chị còn hỗ trợ mua đồ cho các trường hợp F0, F1 trong khu vực phong tỏa. Đáng nói là trong quá trình làm nhiệm vụ, chị không may bị ngã xe làm nứt xương vai, rạn xương chân. Bác sĩ khuyên chị hạn chế đi lại, nghỉ ngơi nhưng chỉ ở nhà 2 ngày chị đã đứng ngồi không yên, lại xông pha cùng với mọi người hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Sự xông pha của chị Hằng ở thời điểm ấy đã trở thành hình ảnh đẹp trong cán bộ, ĐVTN về “lửa” nhiệt huyết của một “thủ lĩnh” thanh niên.

* Sáng tạo, linh hoạt trong công tác Đoàn

Không chỉ giữ được “lửa” nhiệt huyết với phong trào, bối cảnh hiện nay còn đỏi hỏi cán bộ Đoàn luôn sáng tạo, linh hoạt trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ĐVTN.

7 năm tham gia công tác Đoàn, Phó bí thư Thành đoàn Biên Hòa Nguyễn Ngọc Thảo An luôn tìm tòi, học hỏi đưa ra nhiều sáng kiến để các hoạt động Đoàn - Đội được phong phú hơn và thu hút được ĐVTN, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến phương thức hoạt động truyền thống của Đoàn. Từ năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, chị đã tham mưu Thành đoàn xây dựng và triển khai tài liệu sinh hoạt chi đoàn, các ấn phẩm tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị bằng các sản phẩm truyền thông được đăng tải trên các fanpage của tổ chức Đoàn - Hội thành phố. Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình trực tuyến bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 như: tọa đàm, hội thi trực tuyến…

Chị Nguyễn Ngọc Thảo An (bìa trái), Phó bí thư Thành đoàn Biên Hòa, cùng với đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ tiêu thụ vải cho nông dân Bắc Giang trong đợt dịch bệnh
Chị Nguyễn Ngọc Thảo An (bìa trái), Phó bí thư Thành đoàn Biên Hòa, cùng với đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ tiêu thụ vải cho nông dân Bắc Giang trong đợt dịch bệnh

Cũng trong bối cảnh dịch bệnh, chị đã tham mưu Thành đoàn tổ chức 4 điểm bán vải thiều hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang; điểm bán hàng bình ổn giá, mô hình Tủ lạnh thân thương, vận động quà hỗ trợ người dân, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, chị đã chủ động phối hợp cùng Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa, CLB Phụ trách Đội tổ chức pha chế 5 ngàn chai nước rửa tay sát khuẩn tặng cho người dân; thiết kế, đăng tải hơn 50 video clip, trên 5,8 ngàn bài viết, hình ảnh, đường link tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên các trang mạng xã hội của Đoàn, Hội. 

Vừa làm chuyên môn, vừa kiêm thêm nhiệm vụ “thủ lĩnh” thanh niên ở đơn vị có 16 chi đoàn trực thuộc, nằm rải rác ở các địa bàn khác nhau, anh Phạm Kỳ Minh, Bí thư Đoàn cơ sở Tổng công ty Sonadezi cùng với các ủy viên Ban chấp hành Đoàn cơ sở luôn đổi mới, sáng tạo để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh Minh cho biết, các chi đoàn nằm rải rác, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ chính nên khó có thể tập trung để hoạt động. Vì vậy, anh đã ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các cuộc họp trực tuyến đồng thời phân chia các chi đoàn theo những nhóm ngành nghề có liên quan với nhau và cử nhóm trưởng theo dõi.

Cùng với việc vận động ĐVTN tích cực đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần làm lợi cho doanh nghiệp, với vai trò “thủ lĩnh”, anh Minh đã tổ chức cho ĐVTN thực hiện các phần việc vì cộng đồng, góp phần làm lợi cho doanh nghiệp, nâng cao vị thế của tổ chức Đoàn. Trong đó có thể kể đến là: chương trình tiếp bước cho em đến trường, tặng sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh khó khăn; vận động ủng hộ con cán bộ, công nhân viên công ty bị bệnh hiểm nghèo; ra quân ngày thứ bảy tình nguyện, chủ nhật xanh; phát động ĐVTN tham gia các hoạt động hướng về biên giới, hải đảo, thăm tặng quà gia đình chính sách; nhận chăm sóc hàng trăm phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh…

Với sự sáng tạo, linh hoạt của chị Đồng Thị Thu, Bí thư Đoàn Khoa Sư phạm khoa học tự nhiên (Trường đại học Đồng Nai), ĐVTN của trường đã có thêm những hoạt động ngoài giờ lên lớp, có cơ hội được cống hiến cho cộng đồng. Trong đó, hoạt động Trò chơi lớn là hoạt động được chị Thu duy trì hằng năm vừa tạo sân chơi cho sinh viên sau giờ học, vừa tạo sự giao lưu, gắn kết giữa các sinh viên trong cùng một lớp, các thế hệ sinh viên cùng Khoa. Hay mô hình Thứ bảy xanh tình nguyện với các hoạt động cải tạo môi trường học tập xanh - sạch - đẹp thu hút hàng trăm sinh viên tham gia.

Nga Sơn

Tin xem nhiều