Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp

08:03, 01/03/2022

Nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4....

Nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính, thời gian qua, tỉnh tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4.

Người dân được hướng dẫn khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa TP.Biên Hòa. Ảnh: Hồ Thảo
Người dân được hướng dẫn khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa TP.Biên Hòa. Ảnh: Hồ Thảo

Đây là nhiệm vụ được tỉnh xác định quan trọng, thường xuyên trong công tác cải cách hành chính, góp phần xây dựng chính quyền điện tử.

* Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân

H.Nhơn Trạch là một trong những địa phương đang quyết liệt triển khai đưa các DVCTT đủ điều kiện lên mức độ 3, 4. Theo UBND huyện, đến nay H.Nhơn Trạch đã triển khai được 188 thủ tục hành chính (TTHC) cấp huyện và 93 TTHC cấp xã thực hiện DVCTT trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và công khai trên Trang thông tin điện tử của huyện. Trong năm 2021, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã tiếp nhận được khoảng 2.430 hồ sơ trực tuyến đối với cấp huyện và 8.118 hồ sơ ở cấp xã/thị trấn.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Lương Hữu Ích, đẩy mạnh DVCTT được huyện xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử. Huyện xác định rõ, đưa thành công các dịch vụ công lên môi trường trực tuyến mới chỉ là tạo thêm một kênh để giải quyết các TTHC, quan trọng nữa là cần có các giải pháp để đưa DVCTT đến gần hơn nữa với người dân, từ đó mới phát huy hiệu quả của DVCTT. Chính vì vậy, huyện chỉ đạo các địa phương cần nghiên cứu những TTHC có lượng hồ sơ nộp trực tiếp lớn nên khuyến khích người dân chuyển sang hình thức nộp trực tuyến. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn tận tình, chi tiết cho người dân, từ đó nâng cao nhận thức của người dân và hình thành thói quen cho người dân về hình thức nộp hồ sơ trực tuyến.

Tại H.Xuân Lộc, theo Phó chủ tịch UBND huyện Huỳnh Thị Lành, xác định rõ tiện ích mà DVCTT mang lại, thời gian qua, UBND huyện cũng đã đẩy mạnh thực hiện DVCTT mức độ 3, 4 và đã mang lại những hiệu quả rất đáng ghi nhận. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân. Trong đó lưu ý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bộ phận một cửa phải là người đi trước, tận tình hướng dẫn; nếu người dân chưa thực hiện được thì làm giúp cho người dân.

Lãnh đạo các đơn vị, địa phương cũng cho rằng, hiện nay một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng DVCTT còn thấp là do nhiều người dân còn chưa nắm bắt, chưa có điều kiện thuận lợi về công nghệ thông tin để sử dụng. Cùng với đó là tâm lý muốn được gặp mặt trực tiếp cán bộ để được hướng dẫn, giải quyết… Do đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chính là giải pháp quan trọng để đưa DVCTT đến gần hơn với người dân.

Ghi nhận tại một số bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của nhiều địa phương cho thấy, khi đến làm hồ sơ người dân đã được cán bộ, công chức hướng dẫn làm hồ sơ trực tuyến thông qua điện thoại thông minh hoặc hệ thống máy tính có sẵn tại đơn vị...

* Cải thiện quy trình cung cấp DVCTT

Theo UBND tỉnh, thời gian qua, tỉnh luôn xác định việc đẩy mạnh cung cấp và sử dụng DVCTT để giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chính quyền điện tử, nên đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện.

Đặc biệt trong đó phải kể đến việc UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác xây dựng và triển khai kế hoạch cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 của các cơ quan nhà nước tỉnh Đồng Nai. Nhờ đó, tính đến hết năm 2021, trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp 1.170 dịch vụ công mức độ 3 và 4 (bao gồm 289 dịch vụ công mức độ 3 và 879 dịch vụ công mức độ 4); tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia 903 DVCTT (bao gồm 357 dịch vụ công mức độ 3 và 546 dịch vụ công mức độ 4); đạt 92% thủ tục phổ biến và đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng DVCTT mức độ 4.

Song song đó, để đưa DVCTT đến gần với người dân, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh năm 2021, kết quả trung bình đạt 53,5% hồ sơ trực tuyến mức độ 4; 4,16% hồ sơ dịch vụ công mức độ 3. Một số đơn vị đạt tỷ lệ trên 85% hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 như: Sở TT-TT, Sở KH-CN, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở VH-TTDL, Sở LĐ-TBXH, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai... Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến năm 2021 tại cấp huyện, cấp xã cải thiện so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, theo đánh giá của UBND tỉnh, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tại cấp huyện chưa đạt so với mục tiêu đề ra, vẫn còn một số TTHC có số lượng hồ sơ lớn nhưng chưa cung cấp dưới dạng trực tuyến...

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, trong năm 2022, đẩy mạnh DVCTT tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, số hóa được tỉnh chú trọng thực hiện. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT, xác định DVCTT có quy trình đơn giản, dễ làm, dễ thao tác sẽ thu hút người dân sử dụng hơn, tỉnh cũng chú trọng cải thiện quy trình cung cấp DVCTT.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng lưu ý, cần tập trung rà soát, kiến nghị đơn giản hóa các quy định, TTHC còn gây khó khăn cho việc tiếp nhận và trả kết quả trực tuyến, thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 để đạt mục tiêu, hiệu quả trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.

Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh NGUYỄN THỊ THANH THẢO cho hay, bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, năm 2022, Trung tâm Hành chính công tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tốt công tác giải quyết TTHC qua hình thức trực tuyến, thực hiện tốt thanh toán trực tuyến… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh cung cấp DVCTT sẽ càng trở nên quan trọng và bức thiết. Qua đó, giúp tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường tính công khai, minh mạch của TTHC và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Hồ Thảo

Tin xem nhiều