Trưa 26-3, trái tim trung tướng Lê Nam Phong ngừng đập. Ông thanh thản theo ngọn gió về trời ở tuổi 95, để lại niềm kính yêu và tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, các thế hệ học trò và nhân dân, đặc biệt là Làng quân nhân văn hóa Lục quân 2, tọa lạc trên mảnh đất Tam Phước
(TP.Biên Hòa).
Trưa 26-3, trái tim trung tướng Lê Nam Phong ngừng đập. Ông thanh thản theo ngọn gió về trời ở tuổi 95, để lại niềm kính yêu và tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, các thế hệ học trò và nhân dân, đặc biệt là Làng quân nhân văn hóa Lục quân 2, tọa lạc trên mảnh đất Tam Phước
(TP.Biên Hòa).
Trung tướng Lê Nam Phong |
Trung tướng Lê Nam Phong, tên thật là Lê Hoàng Thống, sinh năm 1928, ở xã Quỳnh Hoa (H.Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Năm 16 tuổi, ông là đội viên liên lạc Việt Minh, hoạt động ở Huyện ủy Quỳnh Lưu. Tháng 8-1945, gia nhập quân ngũ, ông chính thức trở thành chiến sĩ Vệ Quốc đoàn. Tháng 2-1948, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Thay đổi tên từ Hoàng Thống sang Nam Phong, tức là ngọn gió Nam theo ông Nam chinh Bắc chiến.
* Vị tướng trận mạc
Tên tuổi trung tướng Lê Nam Phong gắn liền trận mạc. Tuổi trẻ với lòng gan dạ, dũng cảm và tài trí thao lược quân sự, ông được giao chỉ huy chiến đấu nhiều cấp từ đại đội đến Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7; Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 4; Tư lệnh Quân đoàn 1; Phó tham mưu trưởng thứ nhất Mặt trận 479 Campuchia; Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 2.
Ông đã trải qua nhiều trận đánh lớn, nhiều chiến dịch gắn với những chiến công lừng lẫy của quân và dân ta. Từ Chiến dịch Tây Bắc, Việt Bắc, Trung Du và đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống thực dân Pháp đến Chiến dịch Nguyễn Huệ, Đường 14 - Phước Long, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Chiến dịch phản công bảo vệ biên giới Tây Nam, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất nước Campuchia…
Dấu ấn trận mạc của ông đã được nhiều sử sách ghi chép, nhưng có lẽ dấu ấn từ đồi Độc Lập đến Dinh Độc Lập là chặng đường dài nhất cuộc đời chinh chiến của ông. Người Đại đội trưởng Đại đội 225 (Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, Đại đoàn Quân tiên phong, còn có biệt danh là Đại đội trưởng đầu trọc) chỉ huy đánh chiếm đồi Độc Lập trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đến cương vị Tư lệnh Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) chỉ huy sư đoàn đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở toang cửa ngõ Bắc Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dọn đường cho đại quân ta tiến vào sào huyệt cuối cùng của địch, cắm cờ lên Dinh Độc Lập, giải phóng miền Nam.
* Người thầy đặc biệt
Trung tướng Lê Nam Phong có chẵn 10 năm (1987-1997) làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 2. Trong thời gian giữ cương vị Hiệu trưởng nhà trường, ông đã có công lao to lớn góp phần cùng Đảng ủy, Ban giám hiệu lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nhà trường từng bước lớn mạnh vượt bậc, trở thành trung tâm GD-ĐT sĩ quan chỉ huy cấp phân đội và nghiên cứu khoa học quân sự của quân đội ở khu vực phía Nam.
Trung tướng Lê Nam Phong nhận nhiệm vụ trong điều kiện nhà trường có nền tảng vững chắc, nhưng nhiều mặt còn khó khăn, nhất là đội ngũ cán bộ giảng viên thiếu, trình độ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Ngày đêm trăn trở, nghiên cứu, tham khảo, rút kinh nghiệm nhiều trường quân đội, ông cùng tập thể Thường vụ Đảng ủy nhà trường vận dụng sáng tạo các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, bám sát tình hình thực tiễn, có nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt, hiệu quả, nhất là chủ trương đại học hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đồng thời, từng bước sắp xếp, bố trí cán bộ, giảng viên đi học, đi đào tạo đại học, sau đại học các trường trong và ngoài quân đội nhưng vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ, chương trình GD-ĐT.
Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Trường Sĩ quan lục quân 2 đã đào tạo được nhiều lực lượng, bậc học từ trung cấp, cao đẳng, đại học. Năm 1994, chính thức bước vào đào tạo đội ngũ sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội bậc đại học đầu tiên, là bước ngoặt, nền tảng mở ra hướng phát triển của nhà trường lên một tầm cao mới…
Trung tướng nhiều lần thổ lộ: “Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương nghèo, đất nước bị chà đạp dưới ách chế độ thực dân, phong kiến nên không được học hành đến nơi đến chốn. Bản thân sớm giác ngộ và đi theo cách mạng, đánh nhau liên miên. Do đó, chủ yếu được học từ thực tế mà trưởng thành. Giờ nhìn thấy lớp lớp cán bộ học viên trong thời bình, anh em trẻ khỏe, có trình độ, kiến thức. Nếu không được đào tạo đến nơi đến chốn thì tụt hậu, nhà trường, quân đội cũng không phát triển được”.
* Vị tướng giàu lòng nhân ái
Trong hồi ký Từ đồi Độc Lập đến Dinh Độc Lập hay Cuộc đời và chiến trận, ông từng thừa nhận là người chỉ huy thì phải mưu trí dũng cảm trước quân thù, thương yêu đồng chí, đồng đội và cấp dưới của mình. Từng chứng kiến biết bao cái chết tức tưởi của đồng đội bởi đạn bom kẻ thù, nhưng trước mặt anh em cấp dưới và đơn vị, chưa khi nào ông khóc, chỉ có những phút giây lặng người như hóa đá, dồn hết mọi căm thù giặc lên suy nghĩ và hành động chỉ huy phải đánh và đánh thắng. Những khi một mình hay gặp lại đồng đội cũ, những giọt nước mắt ấm mới tràn ướt mi ông.
Những năm tháng công tác ở Trường Sĩ quan lục quân 2, ông thấu hiểu hoàn cảnh cán bộ, giảng viên. Anh em công tác nhiều năm nhưng gia đình vợ con đều ở xa, có người ở địa đầu Tổ quốc. Đồng lương ít ỏi, dành dụm quanh năm về thăm quê một lần trở vào lại trắng tay. Vợ con ở quê không có việc làm ổn định, nhiều người vì thế không thể lấy vợ, lập gia đình. “An cư lạc nghiệp” là vấn đề lớn của xã hội trong quân đội lúc bấy giờ, cũng là vấn đề cực kỳ nhạy cảm mà nhà trường phải lưu tâm giải quyết. Bài toán này cũng mở ra hướng ổn định tư tưởng, thu hút nhân tài, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao cho nhà trường phát triển. Ông đã nhiều lần bàn bạc trong Đảng ủy, Thường vụ, mạnh dạn đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng kiến nghị lên Chính phủ cấp đất làm nhà ở cho cán bộ, giảng viên nhà trường.
Chủ trương đúng đắn từ thực tiễn ấy được cấp trên đồng ý. Khu gia đình nhà trường từng bước được mở ra, cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên được chia đất làm nhà ở, ổn định cuộc sống gia đình… Có khu gia đình lại phải nghĩ đến việc chăm nuôi, học hành của con cái. 2 nhà trẻ Hoa Hồng và Hoa Lan ra đời, tiếp đến nhà trường kiến nghị phối hợp xây dựng trường tiểu học, THCS, THPT khu vực Tam Phước đi vào hoạt động; nâng cấp, xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, chuẩn bị cả quỹ đất dành cho những cán bộ, nhân viên khi về với cõi vĩnh hằng…
Cán bộ, giảng viên bây giờ đã phát triển đến thế hệ thứ 3, thứ 4, nhưng nhiều anh em vẫn gọi “bố Phong” một cách trìu mến và đầy ngưỡng mộ. Nay, ngọn gió Nam ấy đã về với thế giới người hiền để lại bao tiếc thương lẫn tự hào về vị tướng giàu tình cảm, một người thầy đặc biệt…
Dù ở cương vị nào và bất cứ nơi đâu có giặc, được giao nhiệm vụ, trung tướng Lê Nam Phong luôn xông pha, sát cánh cùng đồng đội, chịu đựng gian khổ, hy sinh, mưu trí, dũng cảm, bền bỉ đánh giặc, giải phóng quê hương. Chính vì những lẽ đó mà Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tin tưởng, giao cho ông những trọng trách lớn lao. |
Nguyễn Minh Đức