Cung cấp, quản lý, vận hành hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã và đang được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên đối với các cấp, ngành, địa phương nhằm thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC)...
Cung cấp, quản lý, vận hành hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã và đang được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên đối với các cấp, ngành, địa phương nhằm thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN).
Người dân được hướng dẫn tiếp cận thao tác sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: H.Thảo |
Theo UBND tỉnh, thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh sử dụng DVCTT, song do còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên kết quả đạt được vẫn còn chưa như mong đợi. Thực tiễn đòi hỏi mỗi sở, ngành, địa phương cần quyết tâm nhiều hơn nữa; đồng thời, tăng cường phối hợp để nâng cao hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này.
* Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến còn thấp
Theo Giám đốc Sở TT-TT Lê Hoàng Ngọc, về điều kiện để phục vụ cho DVCTT đã được tỉnh nâng cấp đảm bảo, song do còn nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn nên đến nay tỷ lệ sử dụng DVCTT của tỉnh còn thấp.
Thực tế cho thấy, những sở, ngành có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao thường đa số giải quyết thủ tục cho tổ chức, DN; sở, ngành nào chủ yếu giải quyết hồ sơ cho cá nhân, người dân thì tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ít hơn nhiều. Mặt khác, ở nhiều sở, ngành, tỷ lệ sử dụng DVCTT còn thấp là do đặc thù lĩnh vực. Đơn cử như lĩnh vực đất đai có lượng hồ sơ phát sinh rất lớn, song tâm lý đa số người dân cho rằng đây là tài sản lớn nên muốn tự cầm hồ sơ, giấy tờ đi giải quyết trực tiếp thay vì giao dịch qua mạng…
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG yêu cầu, thời gian tới, các sở, ban, ngành phải tiếp tục rà soát, chuẩn hóa TTHC thuộc lĩnh vực phụ trách, phối hợp với cấp huyện để đề xuất DVCTT mức độ 3, mức độ 4; đẩy mạnh giải quyết dưới hình thức DVCTT cho người dân, DN trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng bằng nhiều hình thức sinh động, thiết thực; bố trí cán bộ công chức hỗ trợ người dân để nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến trong thời gian tới... |
Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường cho biết thêm, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của ngành. Hồ sơ đất đai làm trực tiếp vốn đã phức tạp, khi qua DVCTT lại phát sinh thêm nhiều vướng mắc, đòi hỏi cần có giải pháp để khắc phục mới nâng cao được tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.
Cũng theo ông Thường, hiện có rất nhiều hồ sơ liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật thì các hồ sơ liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải làm trực tiếp. Hay các hồ sơ liên quan đến quy hoạch thường là các bản đồ có kích thước rất lớn, không thể chụp lại để thực hiện các bước tiếp theo nên rất khó để sử dụng DVCTT…
Phó giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Thành Phương cũng cho biết, Sở đang có 61 TTHC, trong đó có 16 thủ tục được thực hiện trực tuyến. Song trong đó, nhiều thủ tục với thành phần hồ sơ là các bản vẽ, khối lượng, kích thước lớn nên cũng rất khó để thực hiện các thao tác để chuyển sang hình thức trực tuyến.
Đại diện lãnh đạo Sở GT-VT cũng cho hay, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 của Sở còn thấp; trong quý I-2022, chỉ đạt dưới 20%. Cũng theo lãnh đạo Sở GT-VT, chiếm đến 70% trong số hồ sơ tiếp nhận của Sở là liên quan đến thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe. Hiện nay, thủ tục này đang được thí điểm thực hiện DVCTT mức độ 4, song còn vướng nhiều giấy tờ, nhiều khâu nên người dân khó thực hiện. Đơn cử như DVCTT mức độ 4 thực hiện thanh toán điện tử, trong khi đối với người dân ở khu vực nông thôn, việc tiếp cận dịch vụ này còn hạn chế. Nếu thanh toán điện tử được trải rộng khắp tỉnh thì sẽ nâng cao tỷ lệ sử dụng DVCTT hơn.
* Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã và đang nỗ lực khắc phục bằng nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng DVCTT.
Lãnh đạo Sở KH-ĐT cho biết, Sở có 128 thủ tục, trong đó có 28 thủ tục là trực tuyến mức độ 4, chủ yếu ở mảng đăng ký DN. Nhờ nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, so với năm 2021, tỷ lệ sử dụng DVCTT đã tăng lên rất nhiều, đến quý I-2022 đã đạt tới 99%. Cũng theo lãnh đạo Sở KH-ĐT, khó khăn là ở chỗ ban đầu các DN vẫn còn rất lúng túng. Giải pháp của Sở trước hết là yêu cầu đội ngũ cán bộ phải hỗ trợ hết mình, gần như 100% các thao tác trong quá trình thực hiện. Mặt khác, Sở còn miễn lệ phí cho DN khi thực hiện hồ sơ trực tuyến. Nhờ vậy, đã khuyến khích, tạo điều kiện cho DN thực hiện DVCTT.
Theo số liệu thống kê tình hình tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tỉnh trong quý I-2022 (từ ngày 1-1 đến 15-3-2022) của Sở TT-TT, tổng số hồ sơ giải quyết của các DVCTT mức độ 1, 2, 3, 4 của tỉnh là 365.622 hồ sơ; tổng số hồ sơ DVCTT mức độ 3, 4 đã tiếp nhận trực tuyến là 18.324 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến là 5,01%. |
Đại diện Sở Tư pháp cũng cho hay, một trong những khó khăn khiến tỷ lệ thực hiện hồ sơ trực tuyến của Sở chưa cao là do người dân vẫn chuộng làm theo hình thức trực tiếp nhiều hơn. Do đó, Sở Tư pháp đang phối hợp với Sở TT-TT làm các video hướng dẫn, các chuyên trang tuyên truyền…, góp phần giúp người dân hiểu và xây dựng thói quen sử dụng DVCTT.
Ở lĩnh vực TN-MT, Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường nhấn mạnh, dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, song Sở đang tiếp tục rà soát các thủ tục để đưa lên trực tuyến; tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, Sở đang từng bước thực hiện liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu của ngành TN-MT với các ngành khác như: liên thông thuế điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; liên thông với cơ sở dữ liệu giao dịch bảo đảm của Sở Tư pháp nhằm xác thực thông tin quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất trong các giao dịch chuyển nhượng. Sắp tới đây sẽ mở rộng thêm với ngành Xây dựng… Qua đó, nhằm phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN.
Còn theo Giám đốc Sở TT-TT Lê Hoàng Ngọc, trong thời gian tới, với vai trò của mình, Sở sẽ tham mưu xây dựng kế hoạch thúc đẩy người dân, DN sử dụng DVCTT hiệu quả. Trong đó, đặc biệt chú trọng rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm lệ phí nếu thực hiện TTHC theo hình thực trực tuyến; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, DN và cộng đồng trong việc phổ biến, hướng dẫn sử dụng DVCTT…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, để nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, quan trọng nhất là nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về ý nghĩa tiện ích của DVCTT. Từ đó, khuyến khích người dân chủ động sử dụng. Mặt khác, mỗi sở, ngành, địa phương cần quyết tâm nhiều hơn nữa để tìm ra các giải pháp hiệu quả áp dụng trong ngành mình. Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ trong quá trình thực hiện.
Hồ Thảo