Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hoạt động lập pháp của Quốc hội các nhiệm kỳ qua đã có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả quan trọng và để lại nhiều dấu ấn nổi bật.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hoạt động lập pháp của Quốc hội các nhiệm kỳ qua đã có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả quan trọng và để lại nhiều dấu ấn nổi bật.
Các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Ảnh: Hồ Thảo |
Song, trước yêu cầu phát triển của thời kỳ mới, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, việc tiếp tục tập trung đổi mới trong công tác lập pháp đã được định hướng rất rõ nét và sẽ được tiếp tục cụ thể hóa trong hoạt động toàn khóa, hướng tới mục tiêu tạo cơ sở pháp lý vững chắc và đồng bộ để đất nước phát triển và hội nhập.
* Luôn coi trọng công tác xây dựng pháp luật
Tinh thần ấy đã được thể hiện rõ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV vừa qua.
Theo Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ, để bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong xây dựng pháp luật cần phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng, kiên quyết không chạy theo số lượng, cố gắng khắc phục cơ bản những tồn tại, bất cập đã được các cơ quan nhận diện và chỉ ra trong quá trình tổng kết, xây dựng đề án... |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị này, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ, để duy trì trật tự, kỷ cương xã hội, tạo hành lang pháp lý cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta từ khi cầm quyền luôn coi trọng công tác xây dựng pháp luật. Đến nay, nước ta đã có được hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, so với thực tiễn phát triển của đất nước, hệ thống pháp luật vẫn còn có những hạn chế. Tính ổn định và khả năng dự báo trong một số lĩnh vực chưa cao; một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thậm chí còn có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn…
Cũng theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khuôn khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Ngày 14-10-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là một chủ trương quan trọng, là cơ sở để Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp trong nhiệm kỳ này.
Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với 8 nhóm định hướng lớn, 70 định hướng cụ thể, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội đã bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII và các văn kiện khác của Đảng, đề ra 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Mục tiêu hướng tới là nhằm hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
* Ưu tiên cao nhất cho chất lượng
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, các định hướng và nhiệm vụ lập pháp được đề ra trong đề án đã bao quát toàn diện các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Đó là “ưu tiên xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội”, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển trong các lĩnh vực, kịp thời ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19.
Có thể kể đến như pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu thầu, tài chính ngân sách, thuế; ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng, hoàn thiện khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Theo tiến độ xác định trong đề án đã được Bộ Chính trị thông qua, có 95/137 nhiệm vụ lập pháp cần phải hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu trong thời gian từ nay đến hết năm 2022, trong đó có 40 nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 30-6, 55 nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 31-12.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là một thách thức không nhỏ, vì trong thời gian ngắn (khoảng hơn 1 năm) phải hoàn thành số lượng nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu rất lớn, chiếm 69% tổng số nhiệm vụ lập pháp được xác định của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chính vì vậy, để hoàn thành khối lượng công việc rất đồ sộ này bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ thì các cơ quan, nhất là người đứng đầu, cần trực tiếp chỉ đạo và khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ lập pháp được giao.
Trong đó, đối với địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ĐBQH chủ động tổ chức nghiên cứu, quán triệt Kết luận của Bộ Chính trị và đề án; phối hợp rà soát, tổng kết, khảo sát thực tiễn khi có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương. Các đoàn ĐBQH, các ĐBQH đề cao trách nhiệm trong việc nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến về các dự án luật, nghị quyết; chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp thông qua việc thực hiện quyền sáng kiến lập pháp theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
* Cải tiến phương pháp lấy ý kiến đóng góp
Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bùi Xuân Thống, công tác tham gia xây dựng các dự án luật ngày càng được chú trọng. Phát huy tinh thần từ Quốc hội khóa XIV, trên cơ sở nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai việc lấy ý kiến đóng góp xây dựng vào các dự án luật bằng các hình thức khác nhau.
Trong điều kiện hầu hết ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm và không phải ĐBQH nào cũng có đầy đủ kiến thức trên nhiều lĩnh vực mà các dự án luật điều chỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh thường xuyên nghiên cứu, cải tiến phương pháp tổ chức, cách thức tiến hành lấy ý kiến, huy động được nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia tư vấn tham gia.
Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh phân công từng ĐBQH theo lĩnh vực chuyên ngành phụ trách, phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể liên quan của tỉnh tổ chức lấy ý kiến tham gia xây dựng dự án luật, góp ý đối với các dự án luật thông qua, cho ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội. Đoàn cũng phân công các ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh nghiên cứu chuyên sâu để có những ý kiến tham gia có chất lượng vào các dự thảo luật trình tại các kỳ họp Quốc hội. Nhiều ý kiến tham gia có chất lượng, sát với thực tiễn cuộc sống, mang tính phản biện cao, làm rõ mục đích, yêu cầu và nội dung trọng tâm của từng dự án luật được ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra, giải trình, chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua tại các kỳ họp.
Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường, trong quá trình gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, ĐBQH luôn mong muốn được lắng nghe và chú trọng lắng nghe những ý kiến đóng góp của cử tri liên quan trực tiếp đến các chức năng của Quốc hội, trong đó có chức năng lập pháp. Qua đó, góp phần bảo đảm xây dựng pháp luật xuất phát từ thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Trong năm 2021, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch để lấy ý kiến góp ý đối với 8 dự án luật thông qua và cho ý kiến; 42 nghị quyết với nhiều hình thức khác nhau. Các nội dung góp ý đều được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp đầy đủ, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội để xem xét tiếp thu, tổng hợp. |
Hồ Thảo