Thành lập Chi bộ Bình Phước - Tân Triều (tháng 2-1935) và Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa (tháng 2-1937) là 2 sự kiện lịch sử cách mạng vô cùng quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai.
- Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai
LTS: Thành lập Chi bộ Bình Phước - Tân Triều (tháng 2-1935) và Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa (tháng 2-1937) là 2 sự kiện lịch sử cách mạng vô cùng quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai. Cả 2 sự kiện đã tạo nên bước ngoặt lịch sử trong quá trình đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân Biên Hòa - Đồng Nai trong thế kỷ XX. Nhân kỷ niệm 85 năm thành lập Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa, đồng chí Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã có bài viết nhìn lại bối cảnh lịch sử của sự ra đời và ý nghĩa to lớn của sự kiện trọng đại này đối với phong trào cách mạng của nhân dân và Đảng bộ tỉnh Đồng Nai. Báo Đồng Nai trân trọng giới thiệu bài viết cùng bạn đọc.
Đồng chí Phan Văn Trang |
* Bước ngoặt lịch sử trọng đại
Ngay khi quân đội viễn chinh Pháp đổ bộ lên thành phố Sài Gòn - Gia Định (tháng 2-1859), mở đầu cho quá trình xâm lược nước ta, cũng là mở đầu cho quá trình không ngừng đứng lên tiến hành cuộc đấu tranh chống xâm lược bền bỉ của quân dân Nam bộ nói chung, trong đó có quân và dân Biên Hòa - Đồng Nai.
Tháng 10-1929, Chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập ở đồn điền cao su Phú Riềng (Phú Riềng bấy giờ thuộc tỉnh Biên Hòa). Và sau đó, ngày 3-2-1930, khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập (từ Hội nghị thành lập Đảng ở Hồng Kông do Nguyễn Ái Quốc triệu tập), Chi bộ Phú Riềng đã lãnh đạo cuộc bãi công và đấu tranh của 5 ngàn công nhân chiếm sở. Đây là cuộc đấu tranh đầu tiên do Đảng Cộng sản lãnh đạo ở miền Đông Nam bộ, góp phần mở đầu một phong trào đấu tranh cách mạng, mà sau này lịch sử gọi là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931).
Từ Chi bộ Cộng sản Bình Phước - Tân Triều đến Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Biên Hòa thành lập tại cùng một địa điểm chỉ cách nhau 2 năm, là sự khẳng định niềm tin của Đảng vào phong trào, vào nhân dân Vĩnh Cửu, đặc biệt nhân dân ở Bình Phước và Tân Triều. Điều này lý giải tại sao khi thực dân Pháp cấm các hoạt động của Ủy ban Hành động tỉnh Biên Hòa (tháng 9-1936), giải tán các tổ chức đoàn kết, ái hữu, nghề nghiệp của quần chúng do Tỉnh ủy và các Chi bộ thành lập; tiến hành khủng bố phong trào cách mạng khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra (tháng 9-1939), đã có hàng trăm thanh niên, người yêu nước của các làng Bình Phước, Bình Ý, Tân Triều bị chính quyền thực dân bắt giam ở Biên Hòa và ghép vào tội làm Cộng sản. |
Sau phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930-1931) do Đảng Cộng sản lãnh đạo, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng, tình hình cách mạng trong nước, ở Nam bộ vô cùng khó khăn. Xứ ủy Nam kỳ nhiều lần bị tan rã do thực dân Pháp khủng bố và nhiều lần được xây dựng lại. Ở Biên Hòa, phong trào cách mạng bắt đầu gượng dậy từ sau năm 1934 qua công tác tuyên truyền về Đảng Cộng sản và phát triển đảng viên của đồng chí Lưu Văn Viết từ Sài Gòn về và đồng chí Hoàng Minh Châu được Xứ ủy cử về Biên Hòa công tác.
Tháng 2-1935, trên cơ sở những đảng viên được đồng chí Lưu Văn Viết kết nạp, Chi bộ Cộng sản Bình Phước - Tân Triều đã được thành lập. Chi bộ do đồng chí Hoàng Minh Châu làm Bí thư cùng các đảng viên Lưu Văn Viết, Lưu Văn Văn, Huỳnh Xuân Phan, Quách Sanh, Quách Tỷ... Sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Biên Hòa thể hiện lòng yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường của nhân dân địa phương, của những người yêu nước hai làng Bình Phước - Tân Triều (nay là xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) trong muôn vàn khó khăn đã được nhân dân đùm bọc, bảo vệ cán bộ của Đảng; những đảng viên đầu tiên trong chi bộ Bình Phước - Tân Triều khi thành lập.
Ngay khi thành lập, Chi bộ đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu, là đội tiên phong lãnh đạo phát triển cơ sở yêu nước và lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương trong tỉnh Biên Hòa. Chi bộ đã thành lập Liên đoàn Học sinh Biên Hòa, tập hợp học sinh bằng nhiều hình thức phong phú như: cắm trại, du lịch dã ngoại... để tuyên truyền giác ngộ về Đảng Cộng sản. Nhiều học sinh, thanh niên đã được Chi bộ kết nạp Đảng sau này trở thành những cán bộ lãnh đạo của tỉnh, huyện như: Phạm Văn Thuận, Huỳnh Dân Sanh... Chi bộ Bình Phước - Tân Triều là nòng cốt để xây dựng Ủy ban Hành động của tỉnh Biên Hòa năm 1936 trong phong trào Đông Dương đại hội (1936-1939), tập hợp rộng rãi nhân dân vào các tổ chức quần chúng dưới hình thức các hội đoàn, hội ái hữu, nghề nghiệp...; xây dựng được Thư viện Bình Dân ở Bình Ý, Q.Châu Thành (nay là H.Vĩnh Cửu), đưa sách báo yêu nước, tiến bộ về địa phương góp phần nâng cao nhận thức chính trị, lòng yêu nước của nhân dân; đồng thời, tổ chức được nhiều cuộc mít tinh, khơi dậy tinh thần đấu tranh của nhân dân chống áp bức, đòi dân sinh dân chủ trong toàn tỉnh Biên Hòa, phối hợp chặt chẽ với phong trào quần chúng ở Sài Gòn lúc bấy giờ.
Từ những đảng viên cộng sản Chi bộ Bình Phước - Tân Triều, nhiều thanh niên yêu nước, giác ngộ người địa phương đã đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ chi bộ này đã phát triển thêm nhiều chi bộ Đảng ở Tân Uyên, Xuân Lộc, Long Thành ...
Sự ra đời của Chi bộ Cộng sản Bình Phước - Tân Triều và sau đó nhiều Chi bộ Cộng sản được xây dựng ở các huyện đã khẳng định vai trò lãnh đạo, tổ chức của Đảng ở địa phương. Nhưng đồng thời, sự phát triển của phong trào cách mạng trong toàn tỉnh Biên Hòa đặt ra vấn đề lãnh đạo tập trung của một tổ chức Đảng thống nhất trong toàn tỉnh là rất cấp thiết.
Tình hình thế giới có những biến động nhất là ở Pháp, Mặt trận Bình Dân Pháp, trong đó Đảng Xã hội Pháp làm nòng cốt, có ảnh hưởng nhiều đến phong trào các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.
Năm 1936, đồng chí Trương Văn Bang (Ba Bang) một đảng viên năm 1930, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ 1933-1934, ra khỏi nhà tù thực dân và được Xứ ủy cử về tập hợp các đảng viên ở các địa phương miền Đông để xây dựng các tổ chức Đảng.
Tại tỉnh Biên Hòa, tháng 2-1937, trên cơ sở Chi bộ Cộng sản Bình Phước - Tân Triều làm nòng cốt, đồng chí Trương Văn Bang đã triệu tập hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa cũng chính tại địa điểm đã thành lập Chi bộ Bình Phước - Tân Triều năm 1935. Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Biên Hòa được thành lập (do đồng chí Trương Văn Bang làm Bí thư, đồng chí Huỳnh Xuân Phan làm Phó bí thư; các Tỉnh ủy viên: Huỳnh Liễn, Lê Văn Tôn, Trần Văn Triết, Nguyễn Hồng Kỳ...) là một bước ngoặt của phong trào cách mạng của tỉnh Biên Hòa bấy giờ.
* Lãnh đạo thắng lợi vĩ đại 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa, phong trào đấu tranh cách mạng đòi dân sinh dân chủ trong tỉnh đã liên tục phát triển dưới nhiều hình thức và quy mô lớn, thật sự là phong trào của nhân dân - một bước tập dượt hết sức quan trọng với Đảng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào cách mạng; nâng cao trình độ giác ngộ chính trị và lòng yêu nước của quần chúng nhân dân. Nhiều chi bộ Đảng được thành lập ở Tân Uyên, Xuân Lộc và các đồn điền cao su, hưởng ứng phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương trong cả nước, đặc biệt tại Sài Gòn.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh, địa phương thăm nhà bia di tích lịch sử Chi bộ Đảng cộng sản Bình Phước - Tân Triều. Ảnh: P.HẰNG |
Thực hiện Nghị quyết của Xứ ủy Nam kỳ về phát động khởi nghĩa vũ trang toàn Nam kỳ, tháng 7-1940, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Biên Hòa đã xây dựng đội vũ trang đầu tiên của tỉnh để tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Đội gồm có 35 đội viên do đồng chí Trần Văn Quỳ (Chín Quỳ, đảng viên năm 1937) chỉ huy. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (11-1940) tuy không thành công do kế hoạch lãnh đạo chưa thống nhất và kế hoạch bị thực dân Pháp nắm được, các đồng chí trong Tỉnh ủy người thì hy sinh, người bị thực dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo, Bà Rá, nhưng tinh thần Nam kỳ khởi nghĩa do Tỉnh ủy Biên Hòa lãnh đạo vẫn trường tồn. Và đội vũ trang do Tỉnh ủy thành lập (đồng chí Trần Văn Quỳ chỉ huy) vẫn bảo tồn lực lượng đến tháng 8-1945, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở H.Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa.
Thành lập Chi bộ Bình Phước - Tân Triều (tháng 2-1935) và Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Biên Hòa (tháng 2-1937) là 2 sự kiện lịch sử cách mạng vô cùng quan trọng với lịch sử Đảng bộ Biên Hòa - Đồng Nai, cả 2 sự kiện đã tạo nên những bước ngoặt lịch sử trong tiến trình cách mạng của nhân dân tỉnh nhà, là điều kiện và cơ sở để làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. “Địa điểm thành lập Chi bộ Cộng sản Bình Phước - Tân Triều và Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa” đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cách mạng của tỉnh, trở thành di sản văn hóa lịch sử quý báu của tỉnh Đồng Nai, là niềm tự hào chung của nhân dân trong tỉnh. |
Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, phát xít Đức và Nhật bị tiêu diệt, thời cơ cách mạng đã đến. Chi bộ Đảng Sở Trường Tiền Biên Hòa (cũng do đồng chí Hoàng Minh Châu, nguyên Bí thư Chi bộ Bình Phước - Tân Triều, làm Bí thư) và nòng cốt là những đảng viên của Chi bộ Bình Phước - Tân Triều năm 1935, đã phát động nhân dân đứng lên làm nên cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ngày 26-8-1945, cùng cả nước mở ra một bước ngoặt của dân tộc với Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Tỉnh ủy Biên Hòa lâm thời thành lập tháng 9-1945 trong hội nghị cán bộ toàn tỉnh Biên Hòa do đồng chí Hà Huy Giáp thay mặt Xứ ủy Nam bộ triệu tập. Địa điểm họp tại Nhà hội Bình Trước, nay là Nhà truyền thống TP.Biên Hòa. Tháng 4-1946, đồng chí Nguyễn Đức Thuận thay mặt Xứ ủy Nam bộ triệu tập hội nghị thành lập Tỉnh ủy Biên Hòa, đồng chí Nguyễn Văn Ký được chỉ định Bí thư Tỉnh ủy. Từ đó, Đảng bộ tỉnh Biên Hòa không ngừng phát triển tổ chức, phát triển nguồn cán bộ kế thừa (nhiều đồng chí được kết nạp từ Chi bộ Bình Phước - Tân Triều năm 1935 trở thành lãnh đạo tỉnh như: Phạm Văn Thuận, Huỳnh Dân Sanh, Huỳnh Văn Lũy...).
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Tỉnh ủy đã ra nghị quyết về xây dựng căn cứ kháng chiến - Chiến khu Đ và khẳng định căn cứ địa là địa bàn đứng chân chỉ đạo kháng chiến lâu dài, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh và cán bộ các ban, ngành. Dựa vào căn cứ, lực lượng vũ trang tỉnh đã chiến đấu và giành nhiều thắng lợi có ý nghĩa lịch sử: Chiến thắng La Ngà (năm 1948); Đánh tháp canh Bà Kiên (ngày 19-3-1948) góp phần làm phá sản kế hoạch Đờ La-tua của Pháp ở Nam bộ; đồng thời, hình thành cách đánh đặc công và bộ đội đặc công, sau này giành nhiều thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ; chiến thắng yếu khu Trảng Bom (năm 1951).
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Tỉnh ủy Biên Hòa lãnh đạo, chỉ đạo đánh bại 4 chiến lược chiến tranh của Mỹ và chế độ Sài Gòn: Chiến lược chiến tranh một phía, Chiến lược chiến tranh đặc biệt, Chiến lược chiến tranh cục bộ, Chiến lược chiến tranh Việt Nam hóa trên địa bàn. Đặc biệt là những chiến công: Trận tập kích đầu tiên ở miền Nam vào trụ sở phái bộ cố vấn quân sự Mỹ ở nhà Xanh (BIF) năm 1959; Chiến thắng Phước Thành (ngày 19-8-1959) đánh bại âm mưu định tiêu diệt Chiến khu Đ của địch; Chiến thắng Hiếu Liêm (tháng 9-1964) mở rộng Chiến khu Đ; phong trào đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang đánh bại quốc sách ấp chiến lược; pháo kích sân bay Biên Hòa (ngày 31-10-1964) phối hợp chiến dịch Bình Giã (tháng
12-1964 - tháng 1-1965)…
Tỉnh ủy Biên Hòa lãnh đạo chặt chẽ lực lượng vũ trang, chính trị ở địa phương phối hợp cùng lực lượng vũ trang Miền, Quân khu... tấn công địch trong 4 chiến dịch: Xuân Mậu Thân 1968, tấn công vào các cơ quan đầu não của địch ở miền Đông, sân bay chiến lược quân sự Biên Hòa, Tổng kho liên hợp Long Bình... tiêu diệt nhiều sinh lực và thiết bị chiến tranh của Mỹ, góp phần đánh bại Chiến lược chiến tranh cục bộ, buộc Mỹ xuống thang chiến tranh và ngồi vào Hội đàm Paris; Chiến dịch tấn công Xuân Kỷ Dậu 1969; Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, kết hợp đấu tranh chính trị của quần chúng với liên tục tấn công sân bay Biên Hòa, Tổng kho liên hợp Long Bình, phối hợp chiến trường chung toàn miền buộc Mỹ ký Hiệp định Paris năm 1973. Đặc biệt, Tỉnh ủy Biên Hòa lãnh đạo các lực lượng vũ trang, chính trị ở địa phương phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị chủ lực Miền như: Quân đoàn 2, Quân đoàn 4, Quân khu 7… tiến công thần tốc Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày
30-4-1975.
Có thể khẳng định, sự kiện Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Biên Hòa thành lập (tháng 2-1937) là sự kiện lịch sử khởi đầu cho một thời kỳ lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của Đảng bộ tỉnh Biên Hòa - Đồng Nai và hiện nay đang thực hiện chiến lược đưa tỉnh Đồng Nai thành địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa theo hướng công nghiệp, văn minh. Tinh thần đoàn kết, tính tổ chức, thực hiện một cách nghiêm túc, sáng tạo và có hiệu quả sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng cấp trên, mãi mãi là bài học kinh nghiệm quý báu với Đảng bộ Đồng Nai hiện nay và mai sau.
P.V.T