Sau khi được thành lập vào tháng 2-1937, Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa đã lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển mạnh ở khắp nơi trong tỉnh.
Sau khi được thành lập vào tháng 2-1937, Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa đã lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển mạnh ở khắp nơi trong tỉnh.
Cắt băng khánh thành việc tôn tạo, trùng tu Di tích Nhà Xanh nhân kỷ niệm 60 năm sự kiện ngày 7-7-2019. Ảnh: N.Hà |
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã làm nên những chiến thắng vang dội, khẳng định truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng…
* Những trận đánh tiêu biểu
Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh vẫn nhớ rất kỹ những trận đánh làm nên chiến thắng của LLVT Đồng Nai. Điển hình là ngày 23-8-1945, ta vận động được một số cảnh sát, lính gác công sở giao nộp súng cho ta. Ngày 24-8-1945, lực lượng cách mạng chiếm Nhà máy Cưa Tân Mai, Ga Biên Hòa, sở Trường Tiền. Ngày 27-8-1945, cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại dinh tỉnh trưởng. Nhân dân thị xã Biên Hòa và các vùng lân cận kéo về cùng với cờ, băng-rôn, khẩu hiệu đón chính quyền mới.
“Tiếp đó, UBND lâm thời tỉnh Biên Hòa do đồng chí Hoàng Minh Châu làm Chủ tịch ra mắt đồng bào. Nhân dân tuần hành, biểu dương lực lượng qua các phố. Độc lập là mong ước từ bao đời nay, là khát vọng mà biết bao người con quả cảm của đất Đồng Nai đã hy sinh để giành lại, lật đổ chính quyền đô hộ của thực dân Pháp, quân phiệt Nhật, tay sai phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân” - thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nhớ lại.
Sau thắng lợi của trận đánh Pháp tại La Ngà năm 1948 và trận đánh tháp canh Cầu Bà Kiên, đại tá - Anh hùng LLVT nhân dân Trần Công An trở thành “ông tổ” của lối đánh đặc công. Ngày 19-3 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Đặc công anh hùng với truyền thống “Đặc biệt, tinh nhuệ, anh dũng, tuyệt vời, mưu trí, táo bạo, đánh hiển thắng lớn”. |
Cũng theo thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Bác Hồ vừa tuyên bố độc lập ngày 2-9-1945, chỉ trong vòng 21 ngày sau, nhân dân Nam bộ nói chung và nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai đã bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp trở lại xâm lược lần 2. Với quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và quyết tâm của Xứ ủy Nam bộ, kêu gọi cả nước chi viện cho Nam bộ: “Phải trút toàn lực vào đó. Hy sinh hết thảy vì kháng chiến, hy sinh hết thảy vì mặt trận miền Nam”, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Biên Hòa, quân và dân Đồng Nai đã làm nên nhiều chiến thắng vang dội trong cuộc kháng chiến chống pháp và đế quốc Mỹ suốt 30 năm (1945-1975), bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng…
Tìm hiểu lịch sử truyền thống của LLVT Đồng Nai, có thể điểm lại những trận đánh lớn như: trận Xóm Đèn (H.Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương ngày nay), Núi Thị (TP.Long Khánh ngày nay)… Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, LLVT tỉnh đã phối hợp làm nên trận đánh La Ngà ngày 1-3-1948 gây tiếng vang lớn trong lịch sử.
Theo thượng tá Nguyễn Trọng Tiết, nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Chiến thắng La Ngà đầu năm 1948 thực sự là một chiến công vang dội của quân và dân Biên Hòa và miền Đông Nam bộ. Thắng lợi này đánh dấu bước trưởng thành mới của LLVT nhân dân trên Chiến trường Khu 7. Bác Hồ đã thay mặt Chính phủ thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì cho các đơn vị tham chiến trận La Ngà.
Thượng tá Nguyễn Trọng Tiết cho biết thêm, trong đêm 19, rạng sáng 20-3-1948, đồng chí Trần Công An (đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân) và tổ du kích Tân Uyên đã dùng thang leo và lựu đạn đánh tháp canh cầu Bà Kiên, diệt 11 tên địch, thu 8 súng, 20 lựu đạn… gây choáng váng cho thực dân Pháp.
Ngày 20-7-1951, bộ đội tỉnh Thủ Biên tiến công diệt Yếu khu quân sự Trảng Bom - căn cứ quân sự của thực dân Pháp cách TX.Biên Hòa 20km, quân ta đã diệt 50 tên địch, bắt sống 50 tên khác, thu 200 súng các loại cùng nhiều vũ khí đạn dược. Đồng chí Nguyễn Văn Minh (90 tuổi), nguyên là công nhân Nông trường Cao su Trảng Bom cho hay, trận đánh Yếu khu quân sự Trảng Bom là trận tiêu diệt yếu khu quân sự đầu tiên của thực dân Pháp ở miền Đông Nam bộ. “Thắng lợi của trận đánh đã gây tiếng vang lớn, làm cho địch sa sút tinh thần; cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu trang của quân và dân Biên Hòa; phá bàn đạp tấn công của địch vào Chiến khu Đ, làm chủ quốc lộ 1 từ Trảng Bom đến Biên Hòa. Thắng lợi còn có ý nghĩa lớn trong việc nối liền hành lang liên lạc của ta từ Chiến khu Đ về Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu” - ông Minh nhớ lại.
* Thành đồng chống đế quốc Mỹ…
Hiệp định Genève được ký kết 1954, theo đó, thực dân Pháp phải rút khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, ngay lập tức, đế quốc Mỹ đã thế chân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai, áp dụng chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Quân, dân Nam bộ và Biên Hòa Đồng Nai bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trở thành “chảo lửa” của chủ nghĩa thực dân mới cùng những hình thức tra tấn, bắt bớ, chém giết khắp nơi.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Biên Hòa, LLVT Đồng Nai đã cùng với các đơn vị chủ lực và nhiều tổ chức quần chúng đấu tranh làm nên nhiều trận đánh vang dội, góp phần vào thành tích kháng chiến chống đế quốc Mỹ và làm phá sản chiến lược thực dân kiểu mới của chúng. Trong đó, trận phá ngục tại Nhà lao Tân Hiệp vào ngày 2-12-1956 là một điển hình của sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng.
Đại tá Nguyễn Như Trúc (thứ ba từ trái sang), Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 và gia đình, đồng đội đưa con trai của Anh hùng LLVT nhân dân Trần Công An thăm triển lãm về ông nhân hội thảo khoa học “Hình tượng Anh hùng LLVTND Trần Công An với hào khí Đồng Nai và truyền thống cách mạng của vùng đất và con người Tân Uyên” |
Theo bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Đồng Nai - một trong những nhân chứng trực tiếp tham gia trận phá ngục kể lại, Nhà lao Tân Hiệp được sử dụng giống như một trạm trung chuyển để phân loại tù nhân đi các nhà tù như: Côn Đảo, Phú Quốc… Người tù khi bị địch bắt đưa ra Côn Đào, Phú Quốc là coi như không có ngày trở về. Vì thế, những người yêu nước bị giam tại Nhà lao Tân Hiệp luôn nung nấu ý chí phải vượt ngục trở về hoạt động cách mạng. “Sự kiện phá khám Tân Hiệp 66 năm trước thực sự là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng của quân và dân Biên Hòa - Đồng Nai. Thắng lợi này đã thể hiện rõ bản chất chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực tự cường của người cộng sản, yêu nước như “ngọc trong đá”. Năm 1994, Nhà lao Tân Hiệp được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây thực sự trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ” - bà Hòa nói.
Đó còn là trận tập kích vào đoàn cố vấn quân sự của Mỹ ở Biên Hòa vào ngày 7-7-1959 do Liên Tỉnh ủy miền Đông tổ chức lãnh đạo. 2 cố vấn quân sự Mỹ đã chết trận tại Di tích Nhà Xanh (trong khuôn viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai hiện nay). Đây cũng là trận đánh Mỹ đầu tiên của lực lượng cách mạng miền Nam Việt Nam.
Trận đánh vào đoàn cố vấn quân sự Mỹ còn là thông điệp dự báo sự thất bại của kẻ thù xâm lược, đồng thời là niềm tự hào của quân dân miền Nam, quân dân Biên Hòa Đồng Nai “Thành đồng Tổ quốc”, của “miền Đông gian lao mà anh dũng”, góp phần xứng đáng vào truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Không lâu sau đó, trận đánh sân bay Biên Hòa ngày 31-10-1964 đã thực sự làm “lay lầu trắng”, làm nên một “Điện Biên Mỹ chẳng phải chờ lâu”. Sau thắng lợi này, để động viên quân, dân Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Chiến Sĩ đã viết bài ca ngợi trên Báo Nhân Dân số ra 3878 ngày 12-11-1964. Trong đó có 4 câu thơ: “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu/ Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu/ Thành đồng trống thắng lay Lầu Trắng/ Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu!”. Đây là một trong những trận đánh gây tiếng vang lớn, đưa đến thắng lợi của quân dân Biên Hòa trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ xâm lược, tô thắm trang sử vàng của vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”.
Chiến thắng đã cổ vũ, động viên LLVT và nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Biên Hòa tiếp tục chiến đấu và lập nên nhiều chiến công vang dội như các trận đánh Tổng kho Long Bình, Thành Tuy Hạ…, cùng quân đội chủ lực đập tan cánh cửa thép Xuân Lộc 21-4-1975, tạo đà cho quân chủ lực của ta tiến về giải phóng Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.
Nguyệt Hà