Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường là một trong 3 lĩnh vực đột phá mà Đại hội Đảng bộ H.Tân Phú nhiệm kỳ 2020-2025 chọn để phát triển bền vững.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường là một trong 3 lĩnh vực đột phá mà Đại hội Đảng bộ H.Tân Phú nhiệm kỳ 2020-2025 chọn để phát triển bền vững.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Đảng bộ H.Tân Phú mới đây. Ảnh: Nguyệt Hà |
Theo Bí thư Huyện ủy Tân Phú Nguyễn Trung Thành, Đảng bộ huyện sẽ tập trung nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn. Từng bước làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi thay, đời sống người dân được nâng lên, giảm hộ nghèo, khó khăn; các dịch vụ phục vụ cuộc sống người dân ngày càng đa dạng, phong phú…
* Những dấu ấn nổi bật
Đảng bộ H.Tân Phú hiện có 41 chi, Đảng bộ cơ sở với trên 4,2 ngàn đảng viên; 252 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở; 100% ấp, khu phố (94/94) trên địa bàn có chi bộ, trong đó có 93/94 chi bộ có cấp ủy (đạt 98,9%)…
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trung Thành cho biết, từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Tân Phú có 13/21 chỉ tiêu đạt và vượt; 8 chỉ tiêu chưa đạt nghị quyết. Riêng năm 2021, Đảng bộ lãnh đạo hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đảng bộ đã lãnh đạo đạt và vượt 37/41 chỉ tiêu kế hoạch năm; 3 chỉ tiêu không đạt và 1 chỉ tiêu không đánh giá... “Dấu ấn lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay là Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn; kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; chỉ đạo UBND huyện và các ngành quyết liệt cùng vào cuộc chống dịch Covid-19… Nhờ đó, dù trong điều kiện hết sức khó khăn của một huyện miền núi và ảnh hưởng chung từ đại dịch, Tân Phú đạt nhiều kết quả trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022” - đồng chí Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh.
Theo Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Hữu Ký, Đảng bộ huyện xác định 3 nhiệm vụ đột phá đồng thời với việc quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, Tân Phú đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như: mô hình tưới tự động, trồng rau sạch trong nhà lưới, trồng rau thủy canh, áp dụng quy trình sản xuất an toàn… “Thực tế trong quá trình phát triển, Đảng bộ H.Tân Phú xác định sản xuất nông nghiệp luôn có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, huyện triển khai nhiều chương trình, dự án áp dụng các chính sách hỗ trợ người dân trong sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện trong thời gian qua luôn đạt cao với mức tăng trưởng bình quân gần 8%/năm. Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích trên địa bàn đạt 188 triệu đồng/ha...” - đồng chí Nguyễn Hữu Ký nhấn mạnh.
Từ việc xác định khâu đột phá trong nông nghiệp, người dân H.Tân Phú đã vận dụng và mạnh dạn chuyển đổi nhiều loại cây trồng mới như: bưởi da xanh, cam, quýt, cây có múi ở các xã: Tà Lài, Phú Lộc, Phú Thịnh; sầu riêng mới theo mô hình VietGAP ở Phú An… thay thế cây cà phê, hồ tiêu già cỗi, năng suất thấp trước đây.
Gia đình ông Trần Văn Khởi (ngụ xã Phú An) là một trong nhiều hộ dân chuyển đổi thành công từ cây cà phê sang trồng sầu riêng cho năng suất cao, giúp gia đình ông vươn lên thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Gia đình bà Lê Thị Kim Em (ngụ xã Tà Lài) đã chuyển đổi thành công 2ha cây cà phê, hồ tiêu sang trồng bưởi da xanh và một số loại cây có múi… thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trước đây đã tăng lên trên 1 tỷ đồng/năm hiện nay…
Chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Hữu Ký cho biết thêm, hiện tổng diện tích trồng bưởi da xanh và các loại cây có múi trên địa bàn là trên 2 ngàn ha; năng suất bình quân gần 20 tấn/ha, tăng hơn 140 lần so với các loại cây truyền thống trước đây. Chỉ tính riêng vùng chuyên canh tập trung ở các xã: Phú Lộc, Trà Cổ, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh… có diện tích trên 1 ngàn ha, chiếm gần 68% tổng diện tích, tăng thu nhập cho người dân từ 650-800 triệu đồng/năm…, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn.
* Khai thác lợi thế để phát triển
Trong buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy Tân Phú mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ H.Tân Phú trong lãnh đạo thực hiện các mục tiêu nghị quyết nhiệm kỳ, nhất là trong năm 2021 điều kiện khó khăn lớn do dịch bệnh Covid-19...
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang và Bí thư Huyện ủy Tân Phú Nguyễn Trung Thành trao tặng quà cho hộ dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Nguyệt Hà |
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, Nghị quyết Đảng bộ H.Tân Phú xác định 3 nội dung đột phá về: nông nghiệp, du lịch và cán bộ là đã xác định đúng trên cơ sở lợi thế so sánh của địa phương. Nếu tập trung lãnh đạo đạt 3 đột phá này, chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao khi Tân Phú đã có nghị quyết thực hiện đột phá về nông nghiệp; về công tác cán bộ và đang tập trung có định hướng về phát triển du lịch để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. “Quá trình phát triển bền vững phải đảm bảo các mục tiêu, các chương trình phát triển không xung đột nhau, không để lại hậu quả thì mới là phát triển bền vững và ngược lại” - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý, với địa thế như Tân Phú tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao mà đến nay thu nhập bình quân trên đầu người mới chỉ đạt 64 triệu đồng/người/năm là quá thấp so mặt bằng chung của tỉnh. Vì vậy, Đảng bộ huyện phải nghiên cứu, suy nghĩ để thống nhất tư duy lãnh đạo phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái cùng du lịch nông nghiệp như: trang trại du lịch, vùng du lịch, khu vực du lịch…
Trong thu hút công nghiệp vào địa bàn, ngành nào, nghề nào phục vụ thúc đẩy đột phá nông nghiệp như: dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến sau thu hoạch, chế biến nông sản, cơ khí phục vụ nông nghiệp… thì thu hút để thúc đẩy năng suất trên diện tích gieo trồng (hiện 1ha diện tích mới đạt 188 triệu đồng là quá khiêm tốn) và ngược lại, không chạy đua theo các địa bàn khác trong khi địa phương không có ưu thế về công nghiệp. Nghĩa là tập trung phát triển công nghiệp phải lấy nông nghiệp làm trọng tâm để phục vụ các khâu, các mặt của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có như thế mới giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sự phát triển bền vững.
Trả lời câu hỏi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy “liệu Tân Phú có thể trở thành trung tâm về cây giống nông nghiệp của tỉnh được hay không?”, Bí thư Huyện ủy Tân Phú Nguyễn Trung Thành cho rằng, những chỉ đạo và câu hỏi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã gợi mở cho Đảng bộ huyện, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những giải pháp thúc đẩy đột phá về nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tạo ra những vùng phi nông nghiệp, có không gian để sử dụng lao động tại chỗ, phục vụ việc chuyển đổi cơ cấu lao động gắn với cơ cấu kinh tế (phù hợp ngành du lịch và dịch vụ phục vụ nông nghiệp).
Cũng theo đồng chí Nguyễn Trung Thành, về thực hiện gợi ý của Bí thư Tỉnh ủy trong việc khai thác 2 loại hình du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp, Đảng bộ huyện sẽ chỉ đạo các ngành xây dựng kế hoạch, dự án khuyến khích người dân mở ra những trang trại nông nghiệp mà có khả năng đón khách du lịch. “Trong đó, tận dụng lợi thế của rừng, sông để phát triển không gian du lịch sinh thái, phát huy tiềm năng thế mạnh của Vườn quốc gia Cát Tiên, thúc đẩy du lịch nhân dân, xây dựng văn hóa du lịch, đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch chuyên nghiệp thì mới thành công và tạo đột phá như mục tiêu nghị quyết đã xác định. Đây cũng chính là gắn du lịch sinh thái với du lịch nông nghiệp trong đột phá nông nghiệp phát triển bền vững” - đồng chí Nguyễn Trung Thành cho biết.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng khai thác các tiềm năng thế mạnh về rừng, đồng thời tuyên truyền xây dựng ý thức bảo vệ, tự hào về rừng của người dân vùng sinh thái để phát triển, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh: “Với một địa bàn có lợi thế về rừng như Tân Phú, nếu làm tốt công tác bảo vệ, tôn tạo, phát huy những giá trị từ rừng thì sẽ mang lại giá trị cao trong cuộc sống; đồng thời, thực hiện đột phá trong du lịch để đột phá nông nghiệp phát triển bền vững”.
Thường trực Huyện ủy Tân Phú cho biết, với những nỗ lực thực hiện khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đến nay thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt gần 65 triệu đồng; giải quyết việc làm cho gần 20 ngàn lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều dưới 1% trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; đưa 3 xã Phú Điền, Phú Xuân, Phú Lâm về đích NTM nâng cao… |
Nguyệt Hà