Báo Đồng Nai điện tử
En

Cầu nối giữa chính quyền với đồng bào dân tộc

10:01, 06/01/2022

Đồng Nai hiện có 208 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được UBND tỉnh công nhận, được sự tín nhiệm của cộng đồng.

Đồng Nai hiện có 208 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được UBND tỉnh công nhận, được sự tín nhiệm của cộng đồng.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang trao giấy khen của Ban Dân tộc tỉnh cho cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác năm 2021. Ảnh: Sông Thao
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang trao giấy khen của Ban Dân tộc tỉnh cho cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác năm 2021. Ảnh: Sông Thao

Đây được xem là 208 cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

* Góp sức phòng, chống dịch bệnh

Một trong những đóng góp tích cực của người uy tín trong năm qua là đã sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động đồng bào chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người có uy tín luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức đầy đủ về nguy cơ, sự ảnh hưởng của dịch bệnh, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nêu cao ý thức và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng, tăng cường vệ sinh môi trường khu dân cư và tạm dừng tổ chức các lễ hội truyền thống.

Hiện toàn tỉnh có 171 đồng bào dân tộc thiểu số là đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong số này có: 1 người là đại biểu Quốc hội, 1 người là đại biểu HĐND tỉnh, 12 người là đại biểu HĐND huyện và 157 người là đại biểu HĐND xã.

Ông Đô Hô Sên, người uy tín trong đồng bào Chăm (xã Bình Sơn, H.Long Thành) là một trong những người uy tín đóng góp tích cực trong công tác này. Ông Đô Hô Sên được tín nhiệm giao giữ vai trò người uy tín gần 20 năm qua. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, làng dân tộc Chăm ở xã có 30 F0, 27 người là F1. “Ban đầu người dân không chịu đi cách ly vì lo sợ vào khu cách ly tập trung sẽ bị lây nhiễm chéo. Rồi lo ngại việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày có thể bị ảnh hưởng khi đi cách ly” - ông Đô Hô Sên nói.

Để bà con yên tâm điều trị bệnh cũng như cách ly theo quy định, ông Đô Hô Sên đã tuyên truyền cho bà con hiểu các quy định phòng, chống dịch bệnh. Đối với công việc của người phải đi cách ly, ông chủ động phân công người khỏe mạnh trong cộng đồng đảm nhận thay. Bên cạnh đó, riêng những trường hợp tiếp xúc gần, thông qua sự thống nhất giữa chính quyền, chức sắc, bà con được tạo điều kiện cách ly, theo dõi tại thánh đường Hồi giáo trên địa bàn. “Nhằm giúp bà con yên tâm về vấn đề ăn uống, tôi cùng chính quyền địa phương, bệnh viện thống nhất để đồng bào ở làng nấu từng phần ăn rồi đưa đến bệnh viện, nơi cách ly trao cho bà con. Nhờ đó mà tinh thần bà con ổn định, yên tâm chữa bệnh, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh” - ông Đô Hô Sên cho biết thêm.

 Cùng với đó, ông còn cùng các đội hình “shipper xanh” mua lương thực, thực phẩm và trao đến tận nhà cho hộ dân gặp khó khăn trong việc đi lại trong thời điểm giãn cách xã hội trên địa bàn xã Bình Sơn.

Riêng ông Sỳ Văn Hưng (dân tộc Sán Dìu, người uy tín ấp Tân Thành, xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) đã vận động gia đình và đồng bào dân tộc trong ấp chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài vận động người dân tham gia đóng góp Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19, bản thân ông còn kết nối đồng bào dân tộc: Sán Dìu, Hoa, Tày, Nùng cùng tham gia góp trái cây, rau củ, gạo để trợ giúp người khó khăn tại cộng đồng trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Qua đó, đã góp phần cùng chính quyền địa phương hỗ trợ tốt hơn cho người dân.

Ông Hưng còn phối hợp với ban ấp vận động đồng bào dân tộc tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện. Qua sự vận động của ông, đã có gần 150 hộ tự nguyện tham gia, góp phần vào việc nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế địa phương, giúp người dân giảm chi phí khi không may phải điều trị bệnh.

* Những nhịp cầu đoàn kết

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang, toàn tỉnh có 50 thành phần dân tộc thiểu số với gần 199 ngàn người, chiếm khoảng 6,42% dân số toàn tỉnh. Năm qua, người uy tín tiếp tục đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành pháp luật; đồng thời, mỗi người có uy tín đã phát huy vai trò cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các hoạt động xây dựng, phát triển địa phương, cũng như nâng cao đời sống nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Luyến (dân tộc Mường, người có uy tín ấp 2, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) nói: “Để xứng đáng với vai trò người uy tín thì trước hết bản thân và gia đình phải gương mẫu. Do vậy, bản thân tôi và gia đình luôn gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”. Cũng theo bà Luyến, khi đã tạo được sự tín nhiệm thì việc tiếp theo là phải sâu sát với bà con; kịp thời nắm chủ trương, đường lối, chính sách đang được triển khai tại địa phương, nhất là những nội dung liên quan mật thiết đến chế độ, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Để làm được điều này, bà thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, trưởng ấp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Luyến cho hay: “Cũng nhờ được giao vai trò người uy tín nên tôi có dịp đến từng nhà, nắm từng hoàn cảnh của 65 hộ dân tộc Mường trên địa bàn, kịp thời đề xuất chính quyền các cấp hỗ trợ cho bà con cũng như trao đổi với bà con về việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc làm ăn, sinh hoạt thường ngày”.

Như mới đây, có trường hợp một hộ là mẹ đơn thân đang nuôi con nhỏ nhưng không may bị mắc bệnh tim. Khi bà Luyến tìm đến thăm hỏi, chủ hộ mong muốn được Nhà nước trợ giúp chính sách về y tế vì sau thời gian dài điều trị, tiền tích lũy của hộ này đã không còn. Đồng thời, mong muốn Nhà nước trợ giúp để con trai không vì hoàn cảnh khó khăn mà phải nghỉ học giữa chừng. Sau khi bà Luyến trao đổi với chính quyền và qua các bước xác minh, làm thủ tục, gia đình này đã được địa phương đưa vào hộ nghèo.

Còn với ông Điểu Cao (dân tộc Chơro, người có uy tín tại xã La Ngà, H.Định Quán), với vai trò tổ trưởng tổ nhân dân, ông đã cùng ban ấp tổ chức tuyên truyền 7 cuộc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chính sách có liên quan đến gần 250 đồng bào dân tộc. Đồng thời, vận động bà con đồng bào dân tộc cùng con cháu trong gia đình, dòng họ tự giác xóa bỏ những tập tục lạc hậu, vận động đồng bào dân tộc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Trong năm 2021, xã La Ngà đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao, với trách nhiệm của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, ông Điểu Cao đã vận động bà con trồng 300 cây hoa các loại, dọn vệ sinh sạch 5km đường giao thông nhằm bảo vệ mội trường xanh - sạch - đẹp.

Một người có uy tín khác là ông Dịp Vĩnh Sáng (dân tộc Hoa, người uy tín ở ấp 3, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) cho biết: “Đồng bào dân tộc có đặc điểm là sinh sống ngay tại nơi sản xuất nên nhà này cách nhà kia có khi từ 500m đến cả 1km. Vì vậy, việc di chuyển đến gặp từng hộ gia đình để tuyên truyền, nắm bắt thông tin khá vất vả. Song người uy tín với vai trò được Nhà nước công nhận, được cộng đồng tín nhiệm nên ai cũng cố gắng là “lực đẩy” để bà con chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước hướng đến mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no, địa phương phát triển, đất nước giàu mạnh”.

Ông Sáng đã phối hợp cùng các ban ấp vận động 36 thanh niên là người dân tộc thiểu số tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2021. Vận động đồng bào dân tộc tham gia có hiệu quả cao các phong trào ở địa phương như: trồng cây, giữ vệ sinh chung các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp. Hỗ trợ cùng các tổ nhân dân, ban ấp giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh cùng UBND cấp huyện đã khen thưởng 87 người có uy tín đóng góp tích cực trong công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh khen thưởng 60 cá nhân; UBND cấp huyện đã tổ chức khen thưởng 27 người có uy tín.

Sông Thao

Tin xem nhiều