Sự kiện ngày 2-9-1945 đã đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi nhất trong hành trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam...
Ngày 2-9-1945, trước hàng chục vạn đồng bào ở thủ đô Hà Nội, đại diện cho hơn 20 triệu đồng bào cả nước, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới về sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Ảnh: TL |
Sự kiện ngày 2-9-1945 đã đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi nhất trong hành trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
* Viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc
Tuyên ngôn Độc lập là bản hùng ca viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, đánh dấu thắng lợi của một thế kỷ ngoan cường chống thực dân và phong kiến và mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước ta - kỷ nguyên của độc lập và tự do.
Tuyên ngôn Độc lập chẳng những đã khai sinh một nhà nước - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, mà còn báo hiệu sự thành lập một chế độ xã hội mới - chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á.
Đến hôm nay, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên tất cả mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được cải thiện. Việt Nam được bạn bè thế giới mến phục, coi là biểu tượng của hòa bình, ổn định xã hội, tinh thần chiến thắng đói nghèo trong thế kỷ XXI. |
Nói về tầm ảnh hưởng của sự kiện trong đại này, Giáo sư người Mỹ George Michael cho rằng: “Ở tầm quốc tế, sức ảnh hưởng của sự kiện Việt Nam giành được độc lập vào năm 1945 là vô cùng lớn. Sự kiện này như là một hình mẫu cho các quốc gia bị thực dân đô hộ. Tôi cho rằng, Việt Nam giành được độc lập vào năm 1945 đã truyền cảm hứng cho các nước cũng phải chịu sự áp bức của chế độ thực dân. Tôi nghĩ rằng, người dân Việt Nam có một niềm tự hào đặc biệt trước sự kiện này vì họ đã giành được độc lập trước tất cả các quốc gia tại khu vực này trong thời gian sau Thế chiến thứ 2”.
76 năm qua kể từ ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Việt Nam không ngừng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, bước tiếp những chặng đường mới, tạo nên những kỳ tích mới, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Đồng Nai. Ảnh: C.Nghĩa |
Với niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, bằng sức mạnh và ý chí kiên cường của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta đã giành thắng lợi sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tiếp đến là thắng lợi của 21 năm chống đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; thắng lợi của 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc; vượt qua những khó khăn của chính sách bao vây, cấm vận và từng bước thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.
* Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi.
Những ngày này, đất nước ta đang phải trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn trong phòng, chống dịch Covid-19 khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ nhanh tại nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh phía Nam.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ đã kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Ngày 29-7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Tổng bí thư kêu gọi: “Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như một lời hiệu triệu non sông, để cả dân tộc cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch.
Tiếp theo đó, ngày 14-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Trong Lời phát động, Thủ tướng nêu rõ: “Dịch bệnh có thể còn kéo dài và đang đặt ra thách thức lớn trong công tác phòng, chống dịch và những nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, phải đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm, năng động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ, huy động các nguồn lực xã hội, động viên, khích lệ mọi người dân tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 nhằm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ðảng và Chính phủ, trên tuyến đầu, hàng chục ngàn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ quân đội không quản khó khăn, nguy hiểm, đi vào những vùng tâm dịch để cứu, chữa bệnh cho người dân. Ở cơ sở, lực lượng công an cùng hệ thống chính trị tăng cường chốt chặn kiểm soát vùng dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó là hàng trăm ngàn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng vẫn sẵn sàng ủng hộ hàng ngàn tỷ đồng đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19.
Không chỉ ở trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài cũng luôn hướng về Tổ quốc, sẵn sàng góp sức, chung tay cùng quê hương đối phó với dịch bệnh. Có thể thấy những ngày qua, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “thương người như thể thương thân” đã được thắp sáng và lan tỏa trong cộng đồng. Sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ để không ai bị bỏ lại phía sau đã thể hiện quyết tâm, sự đoàn kết trong phòng, chống dịch bệnh của cả dân tộc.
Đồng Nai quyết tâm chiến thắng dịch bệnh Cùng với cả nước, Đồng Nai xác định quyết tâm chính trị cao trong phòng, chống dịch bệnh. Công tác phòng, chống dịch đã và đang được triển khai thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, các cấp ủy, chính quyền Đồng Nai vẫn đang kiên quyết thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều biện pháp phù hợp. Với tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, cấp ủy, chính quyền Đồng Nai cũng hạ quyết tâm chậm nhất tới ngày 15-9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh trên toàn tỉnh và đưa Đồng Nai trở lại trạng thái “bình thường mới”. Để hiện thực hóa quyết tâm đó, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất cao hơn nữa, cả hệ thống chính trị và nhân dân phải quyết tâm hơn nữa, với những giải pháp quyết liệt hơn nữa, tập trung mọi nguồn lực ở mức cao nhất để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, phát huy tinh thần và hào khí của Quốc khánh 2-9, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Đồng Nai cần đoàn kết một lòng, tạo thành một khối thống nhất, quyết tâm đưa Đồng Nai đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 như mục tiêu đã đề ra, sớm đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình yên cho mọi người dân. |
Sao Khuê