Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, lớp bồi dưỡng cho các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người có tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vừa được thông qua tại kỳ họp thường lệ giữa năm mới đây của HĐND tỉnh khóa X.
Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, lớp bồi dưỡng cho các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người có tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vừa được thông qua tại kỳ họp thường lệ giữa năm mới đây của HĐND tỉnh khóa X.
Thời gian qua, đồng bào các tôn giáo trong tỉnh luôn tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong ảnh: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Biên Hòa ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: N.Thảo |
Là tỉnh có đặc thù về tín ngưỡng, tôn giáo, việc thông qua nghị quyết này tiếp tục thể hiện rõ sự quan tâm của tỉnh đối với công tác tôn giáo; được các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người có tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đánh giá cao.
* Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo
Đồng Nai là tỉnh đặc thù về tín ngưỡng, tôn giáo với trên 2 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm gần 70% dân số toàn tỉnh. Trong đó, có 10 ngàn chức sắc, nhà tu hành; 1.786 cơ sở thờ tự tôn giáo và trên 600 cơ sở tín ngưỡng…
Thực tế cho thấy, thời gian qua, tình hình hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định. Các hoạt động tôn giáo hợp pháp và nhu cầu chính đáng của các tổ chức tôn giáo được các cấp chính quyền quan tâm, giải quyết, tạo sự đồng thuận và niềm tin trong đông đảo chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo. Mối quan hệ giữa các cấp ủy, chính quyền với các tôn giáo hợp pháp ngày càng được tăng cường.
Tại tờ trình ban hành nghị quyết nói trên, UBND tỉnh nhấn mạnh, với đặc thù về tín ngưỡng, tôn giáo của tỉnh nhà, các cấp chính quyền trong tỉnh luôn xác định, công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng ngừa đấu tranh các hoạt động lợi dụng tôn giáo, đội lốt tôn giáo của các thế lực thù địch, phần tử xấu để kích động quần chúng tín đồ các tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất an ninh trật tự là nhiệm vụ vừa khẩn trương, vừa xuyên suốt. Trong đó, xác định việc tổ chức thường xuyên các hội nghị, lớp bồi dưỡng nhằm tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người có tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh là một trong những giải pháp cần thiết và quan trọng.
Báo cáo thẩm tra tờ trình, dự thảo nghị quyết nói trên của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cũng cho hay, mỗi năm trên địa bàn tỉnh tổ chức khoảng 5 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, 17 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các nhà chức sắc, tu hành và tín đồ các tôn giáo.
Theo Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Ngọc Kim Mai, thông qua các lớp bồi dưỡng, các hội nghị đã nâng cao nhận thức của người có tín ngưỡng và các tín đồ tôn giáo, giúp hoạt động của các tổ chức tôn giáo cơ bản chấp hành và thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Chính vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, lớp bồi dưỡng cho các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người có tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục góp phần khuyến khích chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người có tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cũng như các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, quy định pháp luật. Qua đó, giúp họ nhận thức đúng đắn, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; chấp hành đúng quy định của pháp luật về hoạt động tôn giáo. Đồng thời, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
* Phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh
Nhấn mạnh về sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết nói trên, tại tờ trình xây dựng nghị quyết, UBND tỉnh cho biết, vấn đề hỗ trợ kinh phí cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người có tín ngưỡng tôn giáo trên địa bàn Đồng Nai tham gia hội nghị, lớp bồi dưỡng đã được UBND tỉnh ban hành và áp dụng thực hiện từ năm 2013-2019, góp phần đạt hiệu quả tích cực, quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Việc hỗ trợ kinh phí được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 63/2013/QĐ-UBND ngày 8-10-2013 về Quy định mức hỗ trợ kinh phí tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, hội nghị tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, quy định pháp luật đối với chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh (được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND ngày 20-3-2018).
Tuy nhiên, theo Kết luận số 5578/KL-BNV ngày 14-11-2019 của Bộ Nội vụ về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực nội vụ do HĐND và UBND tỉnh ban hành năm 2018, 2 quyết định nêu trên do UBND tỉnh ban hành chưa đúng thẩm quyền quy định. Do đó, vào ngày 3-2-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 01/2020/QĐ-UBND bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành, trong đó có 2 quyết định này.
Cũng theo tờ trình của UBND tỉnh, từ sau khi bãi bỏ 2 quyết định nói trên đến nay, các cấp, các ngành có phần khó khăn trong việc triển khai thực hiện công tác giáo dục quốc phòng - an ninh cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Nguyên nhân là do không còn căn cứ để triển khai thực hiện mà chỉ vận dụng quy định áp dụng cho đối tượng khác để thực hiện chi hỗ trợ cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo.
Từ những cơ sở thực tiễn nói trên trên địa bàn tỉnh, căn cứ theo chức năng, quyền hạn luật định của mình, vừa qua, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, lớp bồi dưỡng cho các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người có tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Việc xây dựng nghị quyết tuân thủ nguyên tắc, trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mức hỗ trợ vận dụng mức quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28-4-2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
* Quan tâm công tác tín ngưỡng tôn giáo
Hòa thượng Thích Bửu Chánh, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho biết, xuyên suốt thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã luôn có sự quan tâm đến công tác tôn giáo. Cũng từ đó, mối quan hệ giữa các cấp ủy, chính quyền với các tôn giáo hợp pháp ngày càng được tăng cường, tốt đẹp, được nhiều nơi tìm đến học hỏi. Sự ra đời của nghị quyết tiếp tục mang đến cả ý nghĩa về tinh thần lẫn sự hỗ trợ về vật chất; tiếp tục là minh chứng cụ thể cho thấy được sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với công tác tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
“Từ sự quan tâm này, cũng như việc thường xuyên được tuyên truyền, tập huấn thông qua các lớp bồi dưỡng, các hội nghị của chính quyền các cấp, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ có tín ngưỡng, tôn giáo chấp hành sẽ thêm nhận thức, hiểu biết, thực hiện đúng quy định của pháp luật về hoạt động tôn giáo. Đồng thời, sẽ luôn nỗ lực đồng hành cùng các cấp, đồng hành cùng dân tộc; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh” - hòa thượng Thích Bửu Chánh khẳng định.
Linh mục Đinh Trọng Nghĩa, Phó trưởng ban Đoàn kết Công giáo H.Nhơn Trạch, Chánh xứ Giáo xứ Nghĩa Mỹ bày tỏ, việc ban hành nghị quyết là cần thiết, hợp lý, kịp thời, góp phần khuyến khích chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người có tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, hội nghị tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, quy định pháp luật. Từ đó, tiếp tục có được nhận thức đúng đắn, đầy đủ, rõ ràng về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tích cực “đồng hành” với chính quyền các cấp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội”.
Hồ Thảo