Chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân luôn là thước đo thể hiện trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhân dân và cũng là sự thấm nhuần lời dạy của Bác: "Việc to cũng như việc nhỏ. Đảng và Chính phủ ta đều lo phục vụ lợi ích của nhân dân".
Chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân luôn là nhiệm vụ chính trị trung tâm, là thước đo thể hiện trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhân dân và cũng là sự thấm nhuần lời dạy của Bác: “Việc to cũng như việc nhỏ. Đảng và Chính phủ ta đều lo phục vụ lợi ích của nhân dân”.
Công an TP.Long Khánh thăm hỏi, tặng quà cho công nhân gặp khó khăn tại các khu nhà trọ trên địa bàn. Ảnh: Công Nghĩa |
* Những lời căn dặn Bác dành cho cán bộ, đảng viên
Là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc; Chính phủ là của dân, do dân và vì dân. Vì theo Bác: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”; “Nước lấy dân làm gốc… Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Tâm nguyện, khát vọng trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác cũng vì nhân dân: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” và “… Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”.
Bác chỉ rõ trách nhiệm của Đảng với nhân dân: “Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa phải lo tính công việc lớn như đổi mới nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành nền văn hóa tiên tiến, đồng thời luôn luôn quan tâm đến những công việc nhỏ như tương, cà mắm, muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”.
Bác căn dặn cán bộ, đảng viên: “Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân; Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”.
Trước lúc đi xa, Bác đã căn dặn toàn Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đảng phải coi việc “làm đầy tớ” của nhân dân, phục vụ nhân dân, chăm lo cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân là trách nhiệm, là vinh dự và niềm hạnh phúc.
* Thực hiện lời Bác dạy
Lời dạy chăm lo phục vụ lợi ích nhân dân của Bác đã được các cấp ủy, chính quyền Đồng Nai khắc ghi và cụ thể hóa thành những việc làm thiết thực. Thể hiện trong các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương 10 năm, 5 năm và kế hoạch hằng năm; trong từng chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội của địa phương. Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai luôn hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhờ đó, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; công cuộc phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng.
Đồng Nai hiện đã có tên trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 124 triệu đồng/người, tương đương khoảng 5.300 USD. Nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI (2020-2025) xác định mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Đồng Nai phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội; là trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng hàng không, cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương quốc tế; một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm đầu các tỉnh phát triển.
Đồng Nai cũng đề ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân hằng năm trên 8,5%; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt trên 186 triệu đồng (tương đương 8 ngàn USD); tổng vốn đầu tư xã hội huy động trong 5 năm trên 500 ngàn tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước hằng năm đạt dự toán được giao. Đến cuối năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có ít nhất 5 huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao; 25% số xã hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu và H.Xuân Lộc hoàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
* Học Bác gắn với việc làm thiết thực
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo, giúp cho hàng chục lượt hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, trả vốn vay ngân hàng và bước đầu có tích lũy. Tỉnh đã phân bổ hơn 4,3 tỷ đồng thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Riêng MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực vận động đóng góp cho Quỹ Vì người nghèo, xây dựng và bàn giao 111 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết và sửa chữa 21 căn với tổng kinh phí trên 6,6 tỷ đồng.
Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn tiến hết sức phức tạp, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cuộc sống, sức khỏe của người dân, cùng với những chính sách nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế trong đại dịch, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Đồng Nai đã có nhiều chính sách để đảm bảo cuộc sống của người dân, nhất là người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, có thu nhập thấp, để không một người dân nào bị thiếu đói, không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Ngày 12-7, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Quyết định số 2379/QĐ-UBND thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, những trường hợp được hưởng hỗ trợ theo quyết định này là người lao động tự do, cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1,5 triệu đồng/tháng đối với khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/tháng đối với khu vực thành thị (tương đương mức chuẩn nghèo của quốc gia giai đoạn 2021-2025), cả những trường hợp người lao động có nơi thường trú hoặc tạm trú không trong phạm vi tỉnh Đồng Nai (có cam kết không lập hồ sơ đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ tại nơi khác). Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người đối với người lao động có thời gian nghỉ việc, mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên.
Ngay khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 9-7 để phòng chống dịch, công tác chăm lo đời sống người dân đã được thực hiện kịp thời. Do các chợ truyền thống phải đóng cửa phòng dịch, tỉnh đã chỉ đạo ngành Công thương tăng lượng hàng hóa vào các siêu thị, cùng các xe hàng lưu động đến các nơi, nhất là khu vực phong tỏa để cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho nhân dân. Đồng thời chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ đời sống, thực hiện tốt an sinh xã hội và bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân. Qua đó đã từng bước bảo đảm cuộc sống của người dân, khắc phục những khó khăn do đại dịch gây ra đồng thời thể hiện chính sách nhân văn, chăm lo đời sống người dân trong mọi hoàn cảnh.
Để tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về chăm lo lợi ích nhân dân, mỗi cấp ủy, cán bộ, đảng viên của Đồng Nai cần phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, gương mẫu trong “cuộc chiến” với dịch bệnh Covid-19. Qua đó, khơi dậy sức mạnh tổng hợp từ sự đồng thuận, đoàn kết xã hội để giúp Đồng Nai cùng cả nước sớm khống chế và đẩy lùi đại dịch, mang lại cuộc sống bình yên và ấm no cho mọi người dân. |
TS Vũ Thị Nghĩa