Ngày 2-6-2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đây là một chủ trương nhận được sự đồng tình của dư luận cũng như đặt ra nhiều kỳ vọng trong việc thu hồi tài sản thất thoát.
Ngày 2-6-2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đây là một chủ trương nhận được sự đồng tình của dư luận cũng như đặt ra nhiều kỳ vọng trong việc thu hồi tài sản thất thoát.
Không thể phủ nhận là công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, nhất là từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng năm 2016 trở lại đây đã được Đảng tiến hành một cách mạnh mẽ và thu được những kết quả ấn tượng, được người dân đồng tình, ủng hộ. Phát biểu tại phiên họp gần đây của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng cũng đã được chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt đẹp, được nhân dân rất hoan nghênh, ủng hộ, đồng tình cao, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội”.
Trên bình diện quốc tế, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam có xu hướng cải thiện khá tích cực được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) ghi nhận. CPI của Việt Nam đã tăng liên tục qua các năm. Trước đây, nhiều năm, chỉ số này ở Việt Nam thường xếp hạng ở mức trung bình, từ năm 2012-2015 chỉ dừng ở mức 31/100 điểm. Năm 2016, CPI tăng được 2 điểm, lên 33 điểm và năm 2017 tăng lên đến 35 điểm, xếp thứ 107 trên tổng số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ…
Ngày 23-1-2020, TI công bố CPI 2019, Việt Nam đạt 37/100 điểm, đứng thứ 96/180 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Đầu năm 2021, TI đã công bố bảng xếp hạng CPI 2020 trên toàn cầu. Theo đó, Việt Nam đạt 36/100 điểm, giảm 1 điểm so với năm 2019 và đứng thứ 104/180.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặt ra từ năm 2006 với nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về việc thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt vẫn còn hạn chế, đặc biệt là việc hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài còn khó khăn, vướng mắc. Theo báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát thời gian trước năm 2013, trung bình chỉ đạt 10% trên tổng số phải thu hồi. Giai đoạn 2013-2020, con số này đạt hơn 32%. Riêng kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về tham nhũng theo dõi, chỉ đạo năm 2020, thu hồi bằng 61% tổng số đã thu hồi được từ trước đến nay.
Việc Ban Bí thư ban hành chỉ thị này trong bối cảnh hiện nay với rất nhiều quy định mạnh mẽ như: vấn đề hoàn thiện chính sách, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có… tạo thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng là một tuyên ngôn rõ ràng của Đảng và Nhà nước về việc không chùn bước cũng như là lời cảnh tỉnh cho những người có mưu đồ xấu.
Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thật sự khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm”.
Hồng Phúc