Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh

10:07, 21/07/2021

Những ngày này, cả hệ thống chính trị của tỉnh đang căng sức với "cuộc chiến" phòng, chống dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và mức độ nguy hiểm khó lường. Những lúc khó khăn như hiện tại càng đòi hỏi ở mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân sự đoàn kết, trách nhiệm, nhất là với người đứng đầu, để sớm khống chế được tình hình dịch bệnh.

Những ngày này, cả hệ thống chính trị của tỉnh đang căng sức với “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và mức độ nguy hiểm khó lường. Những lúc khó khăn như hiện tại càng đòi hỏi ở mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân sự đoàn kết, trách nhiệm, nhất là với người đứng đầu, để sớm khống chế được tình hình dịch bệnh.

Mô hình Siêu thị di động 0 đồng tại xã Gia Tân 2 (H.Thống Nhất) chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong vùng phong tỏa để phòng dịch Covid-19. Ảnh: Văn Chính
Mô hình Siêu thị di động 0 đồng tại xã Gia Tân 2 (H.Thống Nhất) chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong vùng phong tỏa để phòng dịch Covid-19. Ảnh: Văn Chính

* Trực chiến ở cơ sở

Huyện Thống Nhất là một trong những địa phương bị ảnh hưởng sớm ở đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 này. Gần 1 tháng nay, cả hệ thống chính trị của huyện không có ngày nghỉ, nhiều cán bộ phần lớn ở cơ quan, bám sát địa bàn, bám sát nhiệm vụ phòng, chống dịch được giao.

Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền chia sẻ, dịch bệnh Covid-19 đã đặt hệ thống chính trị của huyện, đời sống của nhân dân đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Từ đầu đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 cho đến nay, các cơ quan, đơn vị của huyện cho đến các xã, thị trấn, thậm chí tới ấp, khu phố hoạt động không ngừng nghỉ. Những cuộc họp bàn đối phó với dịch bệnh Covid-19 được triển khai bất cứ lúc nào, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật, cho đến đêm khuya. Nhiều cán bộ huyện, xã không quản ngày đêm, coi trụ sở làm việc là nhà, kịp thời giải quyết khó khăn phát sinh ở địa bàn, nhất là những lực lượng tuyến đầu chống dịch như: y tế, công an, quân đội…

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn: Phát huy tinh thần trách nhiệm, dồn mọi nguồn lực chăm lo cho dân

Ưu tiên cao nhất lúc này là phải phát huy tinh thần trách nhiệm, dồn mọi nguồn lực chăm lo cho dân. Phải tính toán, chuẩn bị các kịch bản xấu nhất có thể xảy ra để chủ động về nhân lực và vật lực y tế bảo vệ sức khỏe cho dân. Các cấp, các ngành và nhất là người đứng đầu phải phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, không để dân thiếu lương thực, thực phẩm, khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Ở H.Thống Nhất, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức đoàn thể của huyện đã phát huy tốt vai trò của mình. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân… đã vào cuộc rất tích cực. Không chỉ vận động người dân chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch mà huyện còn có nhiều mô hình, sáng kiến chăm lo hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân trong vùng bị tạm thời cách ly y tế, phong tỏa với số tiền và hàng hóa lên đến hàng chục tỷ đồng.

Bà Vũ Thị Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thống Nhất cho hay: “Dịch bệnh đặt đời sống người dân trước rất nhiều khó khăn, nhưng trong hoàn cảnh này người dân Thống Nhất lại đoàn kết, thương yêu và chia sẻ với nhau hơn để cùng nhau sớm vượt qua dịch bệnh”.

TP.Long Khánh là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh có ca mắc Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này với nguồn gốc là trường hợp một người dân trở về từ Đà Nẵng. Đến nay, trên địa bàn thành phố tiếp tục ghi nhận thêm các ca nghi nhiễm mới, với tình hình dịch bệnh phức tạp.

Bí thư Thành ủy Long Khánh Hồ Văn Nam cho hay, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại cho đến nay, 100% cán bộ cấp ủy, người đứng đầu đều chấp hành nghiêm công tác chỉ đạo phòng, chống dịch, bám sát địa bàn, quyết liệt triển khai hành động chống dịch, không chỉ phát hiện nhanh, truy vết thần tốc mà còn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch.

Một trong những nhiệm vụ chính trị rất quan trọng được Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền từ thành phố đến các xã, phường là chăm lo ổn định đời sống cho nhân dân, nhất là ổn định nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm để nhân dân có thể tiếp cận được dễ dàng. Trong đó, thành phố đã chỉ đạo nâng cao năng lực của các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm và giá cả ổn định, thành lập các điểm bán hàng gần các khu cách ly y tế, phong tỏa. Khu quảng trường, phố đi bộ nằm ở trung tâm thành phố cũng trở thành điểm bán hàng hóa 0 đồng để người dân tiếp cận nguồn thực phẩm một cách an toàn. Lực lượng Công an thành phố không chỉ đảm bảo an ninh trật tự, phối hợp cùng truy vết các ca dương tính trên địa bàn mà còn phân công nhau gõ cửa từng khu nhà trọ, từng hộ khó khăn để hỗ trợ quà và các lương thực thiết yếu.

* Không lơ là nhiệm vụ

Huyện Trảng Bom là địa bàn có đông công nhân lao động, dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện ở một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Nhiều công ty đã chấp nhận thiệt hại ban đầu, quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh để khống chế dịch bệnh lây lan trong công ty và cộng đồng.

Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Lê Tuấn Anh cho biết, đây là thời điểm rất khó khăn đối với doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn huyện, trong đó có những công nhân lao động đang phải ở nhà thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Chính vì vậy, huyện đang tập trung các giải pháp quyết liệt hơn nữa để sớm có thể khống chế dịch bệnh, kéo giảm các ca mắc Covid-19, đồng thời tổ chức ổn định đời sống của người dân.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, đến sáng 21-7, toàn thành phố đã có trên 770 ca mắc Covid-19 ở các phường, xã. Với địa bàn rộng, trong đó có những phường đặc biệt đông dân cư và công nhân lao động như: Trảng Dài, Long Bình, Phước Tân…, nhiệm vụ đặt ra cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với hệ thống chính trị của thành phố là rất lớn. Hiện tại, lãnh đạo thành phố chỉ đạo thành lập các khu cách ly y tế tại các phường, xã; nhiều phường, xã đã thực hiện phong tỏa. Thành phố cũng triển khai các lực lượng chăm lo, tiếp tế lương thực cho người dân, mong nhân dân chia sẻ với thành phố những khó khăn lúc này.

Trong các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, lực lượng cán bộ, bác sĩ và nhân viên y tế cùng với các lực lượng khác như: công an, quân đội đang trải qua những tháng ngày vô cùng khó khăn, vất vả.

TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Lần đầu tiên ngành Y tế của tỉnh huy động toàn lực chống dịch, trong đó có cả lực lượng chi viện của Bộ Y tế cũng tham gia công tác truy vết và điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Hiện tại còn rất nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế của tỉnh đã chuẩn bị các phương án sẵn sàng đối phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn”.

Ông Đặng Công Hậu, cán bộ công an đã nghỉ hưu, hiện sinh sống tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi năm nay đã lớn tuổi, những ngày này không dám bước chân ra khỏi nhà, nhưng qua theo dõi trên báo chí, mạng xã hội đã thấy được sự vất vả của lực lượng chống dịch ở tuyến đầu trên khắp cả nước, đặc biệt là ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Người dân chúng tôi rất thấu hiểu, chia sẻ và sẵn sàng chấp hành các quy định về giãn cách xã hội. Chỉ mong sao các y, bác sĩ của chúng ta có đủ sức khỏe để chăm lo điều trị cho các ca mắc Covid-19 đang nằm điều trị ở các bệnh viện, đồng thời sớm khống chế được dịch bệnh để đưa cuộc sống về lại với trạng thái bình thường”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều