Báo Đồng Nai điện tử
En

Kế thừa truyền thống, nỗ lực xây dựng Trảng Bom phát triển toàn diện

10:07, 19/07/2021

Cách đây 70 năm, vào lúc 17 giờ 30, ngày 20-7-1951, được sự giúp đỡ của cơ sở cách mạng, các đơn vị vũ trang tỉnh Thủ Biên đã tổ chức tập kích bất ngờ, táo bạo và làm nên Chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom.

Cách đây 70 năm, vào lúc 17 giờ 30, ngày 20-7-1951, được sự giúp đỡ của cơ sở cách mạng, các đơn vị vũ trang tỉnh Thủ Biên đã tổ chức tập kích bất ngờ, táo bạo và làm nên Chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom.

Các cựu chiến binh và cán bộ, đảng viên trò chuyện tại địa điểm bia Chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom. Ảnh: N.Hà
Các cựu chiến binh và cán bộ, đảng viên trò chuyện tại địa điểm bia Chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom. Ảnh: N.Hà

Chiến thắng đã gây tiếng vang lớn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần viết nên truyền thống anh hùng của vùng đất Trảng Bom. Suốt 7 thập kỷ qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong huyện đã nỗ lực đoàn kết chiến đấu, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, xây dựng H.Trảng Bom phát triển toàn diện, bền vững về mọi mặt.

* Yếu khu và trận thắng oai hùng

Theo các tài liệu lịch sử và một số nhân chứng, Yếu khu quân sự Trảng Bom là một chi khu quân sự của thực dân Pháp ở tỉnh Thủ Biên, án ngữ quốc lộ 1 và tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua H.Trảng Bom. Thực dân Pháp xây dựng Yếu khu quân sự Trảng Bom nhằm bảo vệ từ xa Biên Hòa và Sài Gòn. Đồng thời, là chốt chặn để địch kiểm soát hành lang liên lạc kháng chiến từ Chiến khu Đ về Bà Rịa - Vũng Tàu, làm bàn đạp để chúng đánh phá vùng Căn cứ Chiến khu Đ của ta.

Yếu khu quân sự Trảng Bom có cổng sát quốc lộ 1, 1 trạm gác nằm bên phải cổng. Bên trong có 1 nhà chỉ huy trung tâm, 3 nhà lính ở 3 phía: Đông, Tây, Nam; có 4 lô cốt ở 4 góc. Các hạng mục được xây dựng kiên cố; xung quanh yếu khu được bao bọc bằng hệ thống hàng rào kiên cố và hệ thống kẽm gai phía trên; phía Đông giáp sân banh, phía Tây và Nam giáp vườn cao su của Nông trường Cao su Trảng Bom. Lực lượng đóng quân ở Yếu khu quân sự Trảng Bom là Đại đội 3, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn Thuộc địa 22 của Pháp và 1 trung đội ngụy binh.

Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm nay, Đảng bộ H.Trảng Bom đã lãnh đạo hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu nghị quyết. Trong đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ đều vượt trên 10% so với cùng kỳ năm 2020. Đến nay, toàn huyện có 6/16 xã đạt chuẩn và được công nhận nông thôn mới nâng cao.

Nắm chắc tình thế địch, nhằm mở rộng vùng kháng chiến giành lại thế chủ động trên chiến trường, Tỉnh ủy Thủ Biên đã chủ trương mở nhiều cuộc tấn công vào căn cứ địch và đánh tan các cuộc càn quét của chúng vào các căn cứ kháng chiến. Trong đó, đặt kế hoạch phải tiêu diệt bằng được Yếu khu quân sự Trảng Bom, nhằm phá bàn đạp của địch tấn công vào Chiến khu Đ; đồng thời, mở rộng hành lang từ Căn cứ về Long Thành và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để tiến hành trận đánh Yếu khu quân sự Trảng Bom, ta đã chuẩn bị lực lượng gồm các đại đội: 55, 60, 65, 70 của Tiểu đoàn 303 (tiểu đoàn tập trung cơ động tỉnh Thủ Biên); đội biệt động và đội pháo binh tỉnh Thủ Biên; lực lượng vũ trang (LLVT) tuyên truyền H.Xuân Lộc; đại đội Lam Sơn; đại đội Nguyễn Văn Nghĩa (đại đội bộ đội địa phương H.Tân Uyên - đại đội đặc công đầu tiên ở Nam bộ lấy theo tên của đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa, nguyên Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa trước đây) cùng LLVT H.Vĩnh Cửu.

Ban Chỉ huy trận đánh được thành lập do đồng chí Huỳnh Văn Nghệ, Tỉnh đội trưởng Thủ Biên làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Lê Văn Ngọc, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 303 làm Chỉ huy phó; đồng chí Tạ Minh Khâm, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 303 phụ trách chỉ huy lực lượng xung kích.

Theo các tài liệu lịch sử, công tác chuẩn bị cho trận đánh được diễn ra chu đáo về mọi mặt, bảo đảm đúng kế hoạch đề ra cùng yếu tố bí mật, bất ngờ tới khi diễn ra trận đánh nên địch không kịp trở tay, ta giành thắng lợi nhanh chóng, làm chủ tình hình ở Yếu khu quân sự Trảng Bom vào chiều tối 20-7-1951.

Với thắng lợi của Yếu khu quân sự Trảng Bom, quân ta đã tiêu diệt 50 tên địch, bắt sống 50 tên khác; thu 200 súng các loại cùng hàng chục tấn đạn dược, lương thực, thực phẩm; hơn 100 ngàn đồng Đông Dương và một số USD. Số chiến lợi phẩm này được chuyển về Chiến khu Đ, đến sáng 21-7-1951, lực lượng ta rút về căn cứ an toàn. Trong trận đánh lịch sử này, ta hy sinh 2 đồng chí và 2 đồng chí bị thương, thuộc đại đội Lam Sơn.

Theo ông Nguyễn Văn Minh (90 tuổi), nguyên là công nhân Nông trường Cao su Trảng Bom, trận đánh Yếu khu quân sự Trảng Bom là trận đánh tiêu diệt một yếu khu quân sự đầu tiên của thực dân Pháp ở miền Đông Nam bộ. “Thắng lợi của trận đánh đã gây tiếng vang lớn, làm cho địch sa sút tinh thần; cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của quân và dân Biên Hòa; phá được bàn đạp tấn công của địch vào Chiến khu Đ, làm chủ con đường huyết mạch quốc lộ 1 từ Trảng Bom đến Biên Hòa. Thắng lợi có ý nghĩa lớn trong việc nối liền hành lang liên lạc kháng chiến của ta từ Chiến khu Đ về vùng Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu” - ông Minh nhớ lại.

Nhiều tài liệu nghiên cứu về trận thắng lợi Yếu khu quân sự Trảng Bom thể hiện rõ sự lãnh đạo sáng suốt, quyết định đường lối chiến lược tài tình của Phân liên khu miền Đông, Tỉnh ủy - Ủy ban Hành chính kháng chiến, Tỉnh đội tỉnh Thủ Biên. Trực tiếp là sự chỉ huy tài tình của đồng chí Huỳnh Văn Nghệ, Tỉnh đội trưởng Thủ Biên, Chỉ huy trưởng trận đánh. Đó còn là thắng lợi của sự phối hợp tác chiến đồng bộ, đúng kế hoạch và chiến đấu anh dũng của Tiểu đoàn 303 Đại đội Lam Sơn, Đại đội Nguyễn Văn Nghĩa và các lực lượng phối hợp…

* Phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững

Trung tá Lê Hoài Nam, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự H.Trảng Bom cho biết, kế thừa truyền thống 70 năm Chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom, Đảng ủy, Ban Chỉ huy quân sự huyện luôn tổ chức tốt việc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; tổ chức giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ thông qua những hình ảnh trực quan mà Yếu khu quân sự là một trong những địa điểm ý nghĩa. Qua đó, góp phần xây dựng LLVT huyện xứng đáng là lực lượng chính trị tin cậy, nòng cốt bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân trên địa bàn. Thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, cùng các lực lượng chức năng giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. “Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng 6 tháng đầu năm nay, LLVT huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo hoàn thành chỉ tiêu giao quân 2 cấp có chất lượng. Công tác xây dựng lực lượng được nâng lên; các tiêu chí về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu được thực hiện tốt. Tổ chức 2 đợt Dân vận giúp nhân dân các địa bàn khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch; xây dựng nhà tình nghĩa quân dân, tiếp tục củng cố mối đoàn kết quân - dân gắn bó” - trung tá Lê Hoài Nam nhấn mạnh.

Là người sống lâu năm tại TT.Trảng Bom, nơi có di tích Chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom, ông Huỳnh Văn Long (KP.1, TT.Trảng Bom) cho hay, ông đã ở đây từ năm 1963. So với thời điểm đó, hiện nay TT.Trảng Bom nói riêng, H.Trảng Bom nói chung có sự đổi thay rất tích cực, đời sống mọi mặt của người dân ngày càng tốt hơn, văn minh hơn. “Tôi mong muốn hệ thống chính trị các cấp, nhất là thế hệ trẻ, tiếp tục phát huy truyền thống Chiến thắng Yếu khu quân sự để xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển” - ông Long nói.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ H.Trảng Bom lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nhiệm vụ: Tiếp tục xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn lực và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân… Phấn đấu xây dựng Trảng Bom đạt các tiêu chí thị xã vào năm 2025.

Theo Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Lê Tuấn Anh, để thực hiện đạt các mục tiêu này, Đảng bộ huyện xác định, lãnh đạo tập trung triển khai có hiệu quả 4 nhiệm vụ đột phá. Đó là, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến đến tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý trên địa bàn. Khai thác tiềm năng, lợi thế để đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở đạt chuẩn thị xã giai đoạn 2020-2025. Mở rộng phát huy dân chủ, gắn với kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Đồng chí Lê Tuấn Anh cho biết thêm, bên cạnh xác định 4 nhiệm vụ đột phá, Đảng bộ huyện chú trọng các nhóm giải pháp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra. “Trong đó, ưu tiên các nhóm giải pháp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân; củng cố, đảm bảo vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng địa bàn an toàn, khu vực phòng thủ vững chắc, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, phấn đấu xây dựng huyện đạt các tiêu chí của thị xã vào năm 2025” - đồng chí Lê Tuấn Anh nhấn mạnh.

Nguyệt Hà


Bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND H.Trảng Bom: Cụ thể hóa các giải pháp cho từng nhóm phát triển

Kế thừa truyền thống 70 năm Ngày Chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn chung tay, đoàn kết hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu nghị quyết đề ra. Trong đó, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch và giải pháp cho từng nhóm phát triển cụ thể để đưa mục tiêu nghị quyết vào thực tiễn.

Chẳng hạn, trong nhiệm vụ phát triển kinh tế toàn diện, nâng cao tỉ trọng ngành thương mại dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, UBND huyện đã cụ thể hóa thành nhiều nhóm giải pháp đồng bộ như: đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng các cụm khu công nghiệp; khuyến khích hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp; đổi mới sáng tạo, tiếp cận ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các lĩnh vực dịch vụ; kết hợp các loại hình thương mại truyền thống…

Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, H.Trảng Bom nhiệm vụ kép, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, xây dựng ước đạt trên 64 ngàn tỷ đồng (tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2020). Giá trị sản xuất ngành dịch vụ ước đạt gần 10 ngàn tỷ đồng (tăng 10,1% so với cùng kỳ). Sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng hơn 4,5%...

Ông Trương Tấn Sỹ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Trảng Bom: Huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân vào mục tiêu xây dựng huyện phát triển toàn diện, bền vững

Cán bộ, đảng viên và nhân dân H.Trảng Bom luôn tự hào với truyền thống 70 năm Ngày Chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom. Bia chiến thắng và Di tích Yếu khu quân sự Trảng Bom nay đã trở thành biểu tượng của truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân trên địa bàn. Vì vậy, với vai trò trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ các cấp trong huyện luôn kế thừa xứng đáng truyền thống, phát huy tốt vai trò, thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo (nhất là với địa bàn có đông đồng bào có đạo như Trảng Bom), huy động sức mạnh toàn dân vào mục tiêu xây dựng và phát triển huyện toàn diện, bền vững; nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân.

Nhờ phát huy tốt truyền thống đoàn kết nên dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn vẫn tăng trưởng ổn định, được đảm bảo vững chắc. Người dân luôn tin tưởng vào Đảng, chính quyền, phát huy tốt truyền thống cùng hệ thống chính trị thi đua thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động yêu nước như: xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tham gia ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ người dân khó khăn trong đại dịch…

Bà Tăng Thùy Phương Khành, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Trảng Bom: Phát huy giá trị di tích lịch sử để giáo dục truyền thống

Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom, chúng tôi thường đến dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến thắng lịch sử; được nghe các cựu chiến binh kể chuyện truyền thống, phần nào giúp bản thân tôi cũng như nhiều đồng nghiệp hiểu biết hơn về lịch sử đấu tranh cách mạng của quê hương.

Đặc biệt, năm 2016, địa điểm Yếu khu quân sự Trảng Bom được vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây chính là ý nghĩa to lớn để cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tiếp tục phát huy giá trị to lớn trong giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Từ đó, ý thức rõ trách nhiệm, cùng đoàn kết, vươn lên vượt qua khó khăn, xây dựng huyện nhà phát triển đạt theo mục tiêu đề ra.

Anh Lê Thanh Tùng, Phó bí thư Huyện đoàn Trảng Bom: Phát huy sức trẻ tình nguyện, góp phần xây dựng huyện phát triển

Tuổi trẻ H.Trảng Bom luôn tự hào với các di tích lịch sử, truyền thống đấu tranh hào hùng của thế hệ cha ông. Đặc biệt, Di tích Yếu khu quân sự Trảng Bom nằm ngay trung tâm huyện nên rất thuận lợi để Ban Thường vụ Huyện đoàn giáo dục truyền thống cho thanh niên và tuổi trẻ huyện nhà. Qua đó, rèn luyện, giáo dục tuổi trẻ huyện nhà kế thừa xứng đáng truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông trong xây dựng quê hương đất nước, xây dựng H.Trảng Bom phát triển toàn diện, bền vững.

Hiện nay, tỷ lệ thanh niên trong huyện được tập hợp vào tổ chức Đoàn đạt trên 50% (tương đương hơn 19 ngàn đoàn viên). Tuổi trẻ trong huyện đã xung kích, sáng tạo trong các phong trào hành động cách mạng của Đoàn. Nhất là trong dịp hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, các bạn trẻ toàn huyện chung tay cùng các lực lượng tuyến đầu như: quân đội, công an, y, bác sĩ tích cực tham gia các hoạt động giúp dân. Nhiều bếp ăn tình nguyện, nhiều hoạt động hỗ trợ người dân khó khăn được thực hiện góp phần lan tỏa nghĩa tình trong đại dịch…

Ông  Nguyễn Đình Quang, cán bộ hưu trí ngụ KP.4, TT.Trảng Bom: Tăng cường giáo dục truyền thống Bộ đội Cụ Hồ

Là một cán bộ quân đội nghỉ hưu, được sinh sống trên địa bàn có di tích Yếu khu quân sự Trảng Bom, các thế hệ cựu chiến binh (CCB) rất tự hào với quá trình đấu tranh cách mạng của cha ông ta. Đồng thời, địa điểm Yếu khu quân sự Trảng Bom cũng là di tích lịch sử ý nghĩa để cán bộ hưu trí, CCB trên địa bàn làm “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Việc tăng cường giáo dục truyền thống bản chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ được thực hiện trong nhiều năm qua nên hầu hết CCB trên địa bàn luôn tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Luôn vững tin theo Đảng, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, tin cậy trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trên địa bàn...

                                                                                          Nam Anh (ghi)


 

Tin xem nhiều